Ứng viên sáng giá
Thượng nghị sĩ Barack Obama chính thức công bố quyết định tranh cử tổng thống vào tháng 2.2007. Vào thời điểm đó, ông đã xây dựng được hình ảnh của một chính trị gia trẻ tuổi, năng động, đầy bản lĩnh. Ông có lập trường chống chiến tranh Iraq ngay từ đầu và là một luật sư nổi tiếng trong lĩnh vực bảo vệ quyền công dân, đặc biệt là trong cộng đồng người có thu nhập thấp. Hồi đó ông cũng đã là tác giả của hai cuốn sách bán chạy nhất viết về ký ức tuổi thơ và bình luận chính trị. Năm 2004, Obama càng nổi tiếng hơn khi có bài diễn văn chính tại Hội nghị toàn quốc của đảng Dân chủ. Ông còn được chú ý nhiều bởi gốc gác châu Phi của mình. Việc thượng nghị sĩ Obama đại diện cho đảng Dân chủ
Bà Hillary và ông Obama, hai ứng viên nổi bật của đảng Dân chủ - Ảnh: AFP |
Công bằng mà nói thì những yếu tố nói trên chưa đủ giúp Obama trở thành một ứng viên "nặng ký". Ngược lại, nhiều người còn cho rằng Obama thiếu quá nhiều thứ để có thể trở thành tổng thống. Vào thời điểm công bố tranh cử, ông mới 45 tuổi và mới làm nghị sĩ tại Thượng viện được 2 năm (trước đó ông có 8 năm làm nghị sĩ tại bang Illinois). Một người rất trẻ, cả về tuổi đời lẫn "tuổi nghề", làm sao gánh vác được nước Mỹ trong thời điểm có quá nhiều thách thức như hiện nay? Chính vì mối nghi ngờ đó mà Obama, dù được chú ý nhiều, vẫn chưa được coi là ứng viên sáng giá ngay từ đầu, nhất là khi ông phải đối mặt với cựu đệ nhất phu nhân - thượng nghị sĩ Hillary Clinton, cựu thượng nghị sĩ John Edwards cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong nội bộ đảng Dân chủ.
Thế nhưng, thượng nghị sĩ Obama đã nhanh chóng vượt qua hàng loạt thách thức để nâng cao uy tín, qua đó trở thành một trong hai ứng viên hàng đầu của Dân chủ, cùng với bà Hillary Clinton. Ông là người huy động được nguồn tài chính dồi dào nhất và các sự kiện vận động tranh cử của ông luôn có số người tham gia đông đảo, chẳng hạn như cuộc mít tinh ủng hộ ông ở Nam Carolina đã thu hút khoảng 30.000 người, được coi là sự kiện thu hút nhiều người nhất trong chiến dịch tranh cử lần này. Là người gốc Phi, Obama dễ dàng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người da đen và các sắc dân thiểu số khác. Trong số các ủng hộ viên của Obama có nhiều người rất nổi tiếng, một trong số đó là ngôi sao dẫn chương trình Oprah Winfrey. Trong nhiều cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên, Obama cũng đã thể hiện sự sắc sảo trong lập luận, tài hùng biện tuyệt vời cũng như lối diễn đạt giản dị, dễ gây thiện cảm. Một trong những yếu tố khiến ông Obama "thắng điểm" trước bà Hillary chính là lập trường về cuộc chiến Iraq. Nếu như trước sau ông Obama kiên quyết chống quyết định tấn công Iraq của Tổng thống George W.Bush thì bà Hillary trước đây đã bỏ phiếu ủng hộ tấn công và đến sau này mới lên tiếng phản đối.
Và rồi điều gì đến đã đến, trong cuộc bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Iowa đêm 3.1, thượng nghị sĩ Obama đã khẳng định được sức mạnh bằng vị trí dẫn đầu với 37,6%, ông John Edwards và bà Clinton lần lượt xếp tiếp theo với mỗi người xấp xỉ 30%.
Tuổi thơ dữ dội
Việc thượng nghị sĩ Obama về đầu trong cuộc đua của đảng Dân chủ ở Iowa không có tính quyết định đến khả năng ông trở thành ứng viên chính thức của đảng này, và xa hơn, trở thành tổng thống nước Mỹ. Tuy nhiên, kết quả vừa qua có thể giúp người ta dự báo được những diễn biến trong tương lai và đối với người ủng hộ ông thì đây là bước khởi đầu tuyệt đẹp. Để có bước khởi đầu này, Obama đã trải qua một hành trình rất dài.
Barack Hussein Obama sinh ngày 4.8.1961 tại thủ phủ Honolulu của tiểu bang Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương. Mẹ ông là người Mỹ da trắng, còn cha ông là người Kenya. Họ gặp nhau khi cha ông đến Honolulu học đại học. Khi Obama mới được hai tuổi thì cha mẹ ly thân, sau đó thì ly dị. Người cha rời bỏ mẹ con Obama để theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Đại học Harvard rồi trở về Kenya sinh sống. Mẹ của Obama đi bước nữa với một du học sinh Indonesia và vào năm 1967, gia đình bà tới Jakarta sinh sống. Tại đây, Obama học trong một trường tiểu học được dạy bằng tiếng Indonesia, ngôn ngữ mà cậu bé mang hai dòng máu Mỹ-Kenya chỉ mới biết chút ít. Được vài năm thì Obama trở lại Honolulu sống với ông bà ngoại.
Trong cuốn hồi ký Dreams from My Father (Những giấc mơ về người cha), Obama miêu tả gia đình mình thuộc tầng lớp trung lưu. Ông không nhớ lắm về người cha thuộc bộ tộc Luo ở Kenya, người có trở về thăm Obama vào năm 1971 rồi sau đó đi biệt. "Cha tôi trông không có gì giống với những người xung quanh, ông ấy đen như nhựa đường còn mẹ tôi trắng như sữa", Obama viết. Cuốn sách cũng kể Obama đã đấu tranh khó khăn như thế nào để mọi người thấu hiểu về nguồn gốc đa sắc tộc của mình. Obama thú nhận thời niên thiếu ông đã uống rượu, xài cần sa và cocaine chỉ để quên đi câu hỏi "tôi là ai" luôn ám ảnh trong đầu.
Dù có thời thơ ấu dữ dội, Obama vẫn không ngừng đi lên trên con đường học vấn. Ông tới học trung học ở Los Angeles rồi vào Đại học Columbia, chuyên ngành chính trị. Sau đó ông đến Đại học Harvard và nhận bằng tiến sĩ luật tại đây vào năm 1991. Ông là người da đen đầu tiên làm tổng biên tập Tạp chí Luật Harvard danh tiếng trong lịch sử 104 năm của ấn phẩm này. Sau đó, ông tham gia các hoạt động xã hội, làm luật sư cho các tổ chức bảo vệ quyền công dân, giảng dạy đại học... Sự nghiệp chính trị của Obama bắt đầu nở hoa vào năm 1997, khi ông trở thành nghị sĩ tại Thượng viện bang Ilinois. Đây chính là điểm xuất phát để từ đó ông nuôi tham vọng làm chủ Nhà Trắng.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)