Những mảnh đời trên xe ba bánh

07/01/2008 23:22 GMT+7

Mặc dù được gia hạn lưu hành đến ngày 30.6, nhưng số phận của hàng ngàn hộ gia đình hành nghề đạp ba gác, xích lô trong thành phố cũng chưa biết đi về đâu.

Xóm "bắp dạo"

Đến xóm "bắp dạo" (nằm gần chợ Tân Trụ, P.15, Q.Tân Bình TP.HCM) vào những ngày đầu năm 2008, một không khí ảm đạm đang đè nặng lên hàng trăm con người hành nghề đạp ba gác bán bắp dạo đã hơn 10 năm trong thành phố. Cả xóm "bắp dạo" có trên 100 xe ba gác của 26 phòng trọ (mỗi phòng từ 4 đến 6 người cùng thuê chung), tất cả họ đều cùng nghề đạp ba gác đi bán bắp dạo khắp thành phố bắt đầu từ 3 giờ chiều hôm trước cho đến 3 giờ sáng hôm sau. Gần suốt một đêm lao động vất vả họ chỉ kiếm được khoảng từ 30 đến 60 ngàn đồng.

Trong những người có hoàn cảnh khó khăn mà tôi gặp, phải kể đến anh Nguyễn Đình Triển, 41 tuổi, quê ở Mỹ Đức, Hà Tây. Cách đây 10 năm do cuộc sống ở quê quá khó khăn, cả 4 nhân khẩu trong gia đình anh (vợ chồng và hai con) chỉ trông vào 2 sào ruộng, dù sớm tối cật lực chăm chỉ mà vẫn không đủ ăn. Anh từ biệt vợ con vào TP.HCM gia nhập xóm "bắp dạo", hằng đêm cút kít đạp từng vòng xe ba gác kiếm tiền phụ vợ ở quê nhà nuôi con ăn học. Nhờ những đồng tiền kiếm được nhọc nhằn trong đêm tối của cha, năm vừa rồi, đứa con đầu của anh thi đỗ đại học hiện đang học ở Hà Nội. Niềm vui con thi đỗ đại học đã thôi thúc công việc bán bắp dạo của anh đi sớm về trễ hơn. Nhưng từ khi biết tin Nhà nước cấm xe ba gác, anh Triển hoang mang không biết chuyển nghề gì kiếm tiền để nuôi đứa con đầu đi hết con đường đại học; còn đứa thứ hai thì còn đang học lớp 11.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Oanh (cùng quê với anh Triển) gửi con cho ông bà ngoại, dắt nhau vào thành phố đạp ba gác đi bán bắp dạo đã 11 năm, tiền kiếm được gửi về cho ông bà ngoại nuôi 3 con ăn học. Cuối năm, nghe tin Nhà nước cấm xe ba gác, chị Oanh không biết kiếm nghề gì để tiếp tục nuôi sống gia đình. Nhưng khó hơn cả là hai chị Nguyễn Thị Nhẫn và Nguyễn Thị Quyên. Cả hai phải vay ngân hàng, được mỗi người 2 triệu, cùng nhau xa chồng con "nhập cư" vào xóm "bắp dạo" mới chưa tròn 5 tháng. Vốn bỏ ra chưa lấy lại được thì tin như sét đánh đến với hai chị "xe 3-4 bánh tự chế sẽ bị cấm".

Không chỉ hai chị Nhẫn, Quyên lo lắng, mà cả xóm "bắp dạo" đều sững sờ khi biết tin đó. Sáng 1.1.2008, cả xóm "bắp dạo" tự nghỉ 1 ngày để cùng nhau ăn mừng bởi qua Báo Thanh Niên, họ biết tin vui cả xóm 'bắp dạo" được "sống thêm" qua Tết vài tháng nữa. "Dù vui nhưng rồi chúng tôi sẽ làm gì đây, vì toàn bộ đồ nghề nếu bán sắt vụn được giá lắm cũng chưa tới 100 ngàn?" - anh Nguyễn Đình Triển, người được xóm "bắp dạo" gọi đùa là “trưởng xóm” tâm sự.

Giấc ngủ đêm trên xe chờ khách - ảnh: Hoài Nam

Bao nhiêu gia đình sẽ thất nghiệp?

Trong đêm, PV Thanh Niên dạo quanh thành phố, đi đến đâu, đoạn đường nào PV Thanh Niên cũng bắt gặp cảnh xe ba gác, xe xích lô đậu ven đường đón khách. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) mặc dù đã 2 giờ sáng nhưng bác Trần Văn Tỵ 75 tuổi mắt vẫn nửa thức, nửa ngủ mong tìm khách. Bác cho biết, bác hành nghề đạp xích lô từ thời chưa lấy vợ, đến nay vẫn nghề đạp xích lô, nhưng với chiếc xe bác đã nuôi 3 người con trưởng thành.

Tôi hỏi Nhà nước cấm xe tự chế 3 - 4 bánh, bác có hướng chuyển nghề gì chưa? Bác Tỵ nói ngay: "Tôi 75 tuổi rồi biết làm gì bây giờ nếu không đạp xích lô?". Giống như bác Tỵ, bác Đặng Tấn Loan, 68 tuổi nhà ở P.10, Q.10 cho biết: "Tôi hành nghề đạp xích lô đã 15 năm để nuôi 3 con ăn học. Hiện hai con lớn của tôi đã trưởng thành, hai vợ chồng tôi chỉ phải nuôi đứa con út đang học lớp 8. Nghe tin xe 3 bánh bị cấm vợ chồng tôi thật chẳng biết phải chuyển sang làm nghề gì? Chắc phải động viên con tôi nghỉ học chữ để đi học nghề cho chắc ăn". Bác bảo: "Cứ phải làm, đến bao giờ bị CSGT bắt thì tính tiếp chứ người như tôi thì làm được cái gì bây giờ?".

3 giờ sáng 6.1, tại chợ đầu mối Thủ Đức, hai vợ chồng anh Trần Văn Hiền ở quận Gò Vấp cùng chiếc xe lôi tự chế với tiếng nổ "xé toang màn đêm" chạy vào chợ. Vừa dừng xe, vợ anh Hiền vội nhảy xuống và bám sát lấy chiếc ô tô chở rau từ Đà Lạt mới về. Trong lúc đợi vợ mua hàng, anh Hiền trò chuyện về hoàn cảnh của vợ chồng mình. Anh quê ở Bắc Giang, cách đây 5 năm vợ chồng anh vào thành phố làm nghề thợ hồ. Nhưng được vài tháng thì chuyển sang bán rau củ quả ở chợ vì thu nhập khá hơn. Vay mượn bạn bè anh mua được chiếc xe cà tàng cùng chiếc thùng tự chế với giá 6 triệu đồng để làm phương tiện chở hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức về chợ An Nhơn (Gò Vấp) để vợ anh bán lẻ. Sau khi chở hàng cho vợ xong, anh tranh thủ quay sang chở mối nước đá, nước uống cho mấy đại lý để kiếm tiền phụ vợ nuôi sống gia đình. Trước tình cảnh này, anh Hiền cũng đành thú thật: "Sau 30.6, nếu bị bắt thì tính tiếp chứ không chạy xe gia đình tôi lấy gì để sống?".

Toàn TP vẫn còn có đến hàng ngàn hộ gia đình mưu sinh bằng nghề đạp ba gác, xích lô. Mặc dù được gia hạn thêm 6 tháng với xe ba gác có đăng ký, 2 tháng với xe tự chế nhưng số phận của họ rồi cũng sẽ bị định đoạt vào giữa năm 2008. Được biết, họ được hỗ trợ tiền để chuyển đổi nghề, nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, đa phần những con người ấy đều chẳng biết chuyển nghề gì khi họ đã gắn bó gần cả cuộc đời với nghề đạp xích lô, ba gác.

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.