Hân hoan
Ngay sau khi Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân và Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cắt băng, những chiếc xe đầu tiên đã lăn bánh qua cầu Thủ Thiêm trong niềm hân hoan của rất nhiều người dân đang chào đón phía Q.2, bên kia sông Sài Gòn.
Ống kính các phóng viên ghi lại rất nhiều hình ảnh những người dân đầu tiên qua cầu với nét mặt vui tươi, nhiều người giơ tay vẫy chào. Có một chị đẩy chiếc xe lăn đưa người thân lên cầu Thủ Thiêm để chụp ảnh kỷ niệm. Bác Nguyễn Háo Thịnh Đốn, ở A37 Lương Định Của, P.An Khánh, Q.2, gia đình có 3 đời sống ở Thủ Thiêm nói: "Sau hơn 30 năm từ ngày thống nhất đất nước, người dân Thủ Thiêm chúng tôi mới có được cây cầu bắc qua sông Sài Gòn, làm sống động mảnh đất Thủ Thiêm bao đời nay luôn trong cảnh một vùng quê kém phát triển, đói nghèo, đi lại cách trở".
Vài nét về dự án cầu Thủ Thiêm Cầu Thủ Thiêm được thiết kế với tuổi thọ 100 năm, vượt sông Sài Gòn với khổ thông thuyền rộng 80m và cao 10m. Chiều dài toàn bộ chiếc cầu là 1.250m, trong đó phần cầu chính gồm 5 nhịp, dài 370m, rộng 28m (tương đương 6 làn xe); phần cầu dẫn phía Q.Bình Thạnh gồm 4 nhánh, với tổng chiều dài 880m, bề rộng mỗi nhánh cầu tương đương 2 làn xe; phần cầu dẫn phía Q.2 dài 160m, bề rộng tương đương 6 làn xe... Tổng mức đầu tư của dự án là 1.099,6 tỉ đồng. Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) đứng đầu Tổ hợp các nhà thầu trong và ngoài nước thi công dự án này. |
Thủ Thiêm đang "hút" các nhà đầu tư nước ngoài
Ban Quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm (KĐTTT) cho biết, Edaw - Công ty tư vấn Mỹ - đã hoàn tất toàn bộ kế hoạch đầu tư tài chính vào Thủ Thiêm và mới đây Ban quản lý KĐTTT đã trình bản kế hoạch này lên UBND TP.HCM.
Theo đó, Thủ Thiêm phát triển với 3 giai đoạn. Từ năm 2007 -2010: kêu gọi đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, 2010 - 2015: tập trung xây dựng các công trình lớn ở trung tâm Thủ Thiêm và từ 2016 - 2020 hoàn thiện toàn bộ các công trình tại khu đô thị mới. KĐTTT sau 13 năm và là chặng cuối của lộ trình đầu tư - theo Edaw - sẽ có 6 khu chức năng riêng biệt mang nét đặc thù về đời sống, sinh hoạt và kinh tế hiện đại nhưng không đánh mất bản sắc của một khu đô thị sinh thái.
Đó là Khu trung tâm chính còn được gọi là Quận thương mại Thủ Thiêm được thiết kế nhiều tòa nhà mang kiến trúc độc đáo và đầu tư hạ tầng thuộc dạng cao cấp so với các trung tâm chính khác đã đầu tư trong vòng vài thập kỷ qua tại châu Á. Khu công nghiệp tri thức thuộc quận trung tâm được xây dựng với chức năng là trung tâm công nghệ thông tin tiên phong cho các ngành công nghiệp tri thức và đào tạo nguồn nhân lực. Khu dân cư bờ sông Sài Gòn tọa lạc dọc theo dải bờ phía Bắc của bán đảo Thủ Thiêm dành cho các chuyên gia trẻ, chuyên gia nước ngoài. Khu dân cư Mũi Tàu được xây dựng dọc bờ Nam Thủ Thiêm với quần thể cư dân có thu nhập cao sinh sống tại các căn hộ hoặc biệt thự cao cấp. Khu hành lang giải trí sẽ chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn với nhiều công viên xanh, các trung tâm giải trí. Khu dân cư phía Đông Thủ Thiêm có mật độ dân cư trung bình với nhiều kiểu kiến trúc nhà ở dành cho người tái định cư và nhà ở giá rẻ.
Ban Quản lý KĐTTT cho biết, đã có rất nhiều nhà đầu tư, nhà tư vấn trong và ngoài nước đến tìm hiểu quy hoạch và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Thủ Thiêm. Đó là đại diện của các tập đoàn GS Engeneering, GS Retail, Sama Dubai, Daekyung, Bouygues, TECO, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị... Trong giai đoạn 2007-2010 TP.HCM sẽ đầu tư khoảng 700 triệu USD để thực hiện một số dự án như: san lấp mặt bằng, xây dựng tuyến đường chính từ cầu Thủ Thiêm đến khu dân cư phía bắc, tuyến đường chính từ cầu Thủ Thiêm đến Hồ trung tâm, xây dựng hạ tầng công cộng, đại lộ vòng cung bán đảo Thủ Thiêm, các cầu bắc qua kênh rạch... và nhiều dự án khác chiếm tổng số diện tích đầu tư khoảng 40%.
Khảo sát của Ban quản lý KĐTTT cho thấy nhiều nhà đầu tư nhỏ và vừa trong nước quan tâm đến các dự án khu dân cư có diện tích từ 5 - 10 ha, các công ty nước ngoài quan tâm đến những khu đất lớn có diện tích từ 25 - 50 ha để xây dựng các dự án phức hợp gồm siêu thị, khách sạn và trung tâm thương mại. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đề nghị được liên doanh với các công ty có năng lực trong nước để thực hiện các dự án lớn với diện tích trên 40 ha.
Mai Vọng - An Phong
Bình luận (0)