Ca sĩ Lê Uyên: Lời gọi chân mây...

12/01/2008 14:08 GMT+7

Một buổi chiều se lạnh tại Sài Gòn sau khi tham gia xong chương trình Duyên Dáng Việt Nam 19, ca sĩ Lê Uyên đã say sưa kể cho chúng tôi nghe về một cuộc tình mê đắm.

* Được biết trước khi gặp chị, anh Phương đã từng sáng tác nhạc (bản nhạc đầu tay là Buồn đến bao giờ sáng tác tại Pleiku năm 1960). Tuy thế người ta chỉ biết đến nhạc Lê Uyên Phương khi anh chị đã gắn kết thành một đôi song ca độc đáo đến độ có người nhận xét “Nhạc của Phương chỉ dành cho Lê Uyên hát” và ngược lại “Giọng hát của Lê Uyên chỉ để hát nhạc của Phương”. Chị có thể kể lại thời anh chị mới gặp nhau?

- Vâng, trước lúc gặp tôi, anh Phương đã từng sáng tác nhạc. Bẩm sinh anh ấy có một cục u ở ngón tay, nhiều người cho rằng anh bị ung thư xương (cả anh ấy cũng nghĩ thế) nên anh luôn mang trong mình nỗi mặc cảm, trầm uất... Nỗi buồn đó được anh trút vào nhạc, anh sáng tác nhạc chỉ dành cho riêng mình nên giai đoạn này ít ai biết đến nhạc của Lê Uyên Phương. Anh ấy tên thật là Lê Văn Lộc, viết nhạc anh ký tên là Lê Uyên Phương. (Lê là họ cha, Phương lấy từ tên mẹ (Phương Nhi) còn Uyên là tên một cô gái mà anh ấy đã có những tình cảm đầu đời một cách đơn phương - NV). Tôi tên thật là Lâm Phi Anh, ba mẹ tôi là người Hoa, buôn bán ở Sài Gòn nhưng cũng có nhà ở Đà Lạt. 16 tuổi, tôi từ Sài Gòn lên Đà Lạt và gặp Phương ở đó (nhà tôi và nhà Phương chỉ cách nhau 1 căn, ở đường Võ Tánh).

Phải nói rằng ngay giây phút nhìn thấy nhau, chúng tôi đã bị tiếng sét ái tình và không rời nhau được nữa. Gặp Phương, anh bảo: “Trước đây anh có sáng tác những bài hát nhưng kể từ đây anh sẽ chỉ sáng tác cho riêng em, những ca khúc viết cho nhau và cũng chỉ để hát với nhau, hát cho nhau”. Lúc đó cả hai chúng tôi đều không hề nghĩ sẽ là ca sĩ hoặc sẽ đem những ca khúc này ra hát trước công chúng. Năm 1968, chúng tôi thành hôn, chính vì không nghĩ sẽ đi hát nên không hề nghĩ đến việc lấy nghệ danh. Năm 1969, Phương đưa tôi về hát tại Sài Gòn và chúng tôi nổi tiếng rất nhanh, được nhiều người ủng hộ chỉ sau đêm thứ 2 đi hát chuyên nghiệp. Lúc đó, khán giả hỏi thế thì phải gọi đôi song ca này là gì? Anh nói: “Tôi chia cho người tôi yêu dấu ngay cả cái tên của tôi. Hãy gọi chúng tôi là Lê Uyên và Phương”. Tôi cũng có nghệ danh Lê Uyên từ đó.


Lê Uyên trong DDVN 19 - Ảnh : Đỗ Tuấn
* Vâng, năm 1969 đôi uyên ương Lê Uyên Phương từ Đà Lạt về Sài Gòn biểu diễn đã trở thành một sự kiện. Chị có thể kể về sự kiện chỉ 10 ca khúc của Lê Uyên Phương mà phải hát suốt 19 đêm liền?

- Quả thật, lúc ấy nhạc mục của Lê Uyên Phương chỉ có 10 ca khúc trong tập Yêu nhau khi còn thơ và chúng tôi đã hát tất cả các ca khúc này trong suốt 19 đêm liền xoay quanh các tụ điểm. Lúc đó tất cả báo chí Sài Gòn đều đăng hình chúng tôi và gọi đó là hiện tượng âm nhạc. Rất nhiều hợp đồng đã được ký kết với chúng tôi. Mỗi tháng chúng tôi về Sài Gòn hát khoảng 2 tuần rồi lại trở lên Đà Lạt. Phương không chịu được không khí ngột ngạt của Sài Gòn, anh cần trở về Đà Lạt để dạy học, để yêu thương tôi và để sáng tác những ca khúc trong tập Khi loài thú xa nhau.

* Trong các ca khúc của anh Phương, chị thích bản nào nhất?

- Tất cả, bởi vì anh Phương sáng tác mà không hề chịu một áp lực nào về chuyện kinh doanh, tác quyền... Và bởi tôi chính là nguồn cảm hứng sáng tác của anh ấy, tất cả các ca khúc của anh đều được vắt ra từ những nghĩ suy, những tâm tư ghi lại những kỷ niệm trong cuộc sống yêu đương của chúng tôi. Những Chiều phi trường, Lời gọi chân mây là khi anh đưa tôi đi, đón tôi về ở phi trường Liên Khương. Có lần muốn gây bất ngờ cho anh, tôi nhắn anh ra sân ga lấy món quà tôi gửi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, anh đến và “quà” là... người anh ấy yêu bằng xương, bằng thịt, và anh ấy viết “Ai như người yêu màu áo mây chiều. Ai như người yêu lạnh lùng cô liêu. Ô hay vì sao mà em đến nơi đây? Vì trót yêu anh áo vai gầy, không nỡ để anh mùa đông, mùa đông nhớ mong (Một ngày vui mùa đông). Tình khúc cho em là những lời đắm say chúng tôi trao nhau, Bài ca hạnh ngộ anh ấy viết nhân đám cưới một cô em trong nhà.

* Anh ấy có linh cảm gì không khi viết Cho lần cuối: “Giờ này còn gần nhau, gần thắm thiết trong mối sầu... nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau”?

- Anh Phương viết Cho lần cuối khi chúng tôi chưa lấy được nhau. Tôi ở Sài Gòn còn anh ấy ở Đà Lạt trong thời kỳ chiến tranh. Cuộc sống đầy bất trắc cộng với bệnh tật của anh ấy nên chúng tôi chắt chiu, trân quý từng giây phút bên nhau, sống trọn vẹn cho nhau vì không thể biết sắp tới những gì sẽ xảy ra.

* Gần đây chị nói mình vừa nghiệm ra một điều vô cùng quan trọng là cuộc đời chị dường như luôn gắn liền với con số 19. Sao lại thế thưa chị?

- Tôi chỉ mới nhận ra điều này mấy hôm nay thôi. Đúng là những cột mốc quan trọng trong cuộc đời tôi luôn gắn liền với con số 19. Thứ nhất là sau 19 đêm đi hát là chúng tôi nổi tiếng lên ngay; thứ hai là sau 19 ngày nằm trên giường bệnh, Phương của tôi đã ra đi; và bây giờ tôi vô cùng hãnh diện khi được xuất hiện trong DDVN lần thứ 19 của Báo Thanh Niên.

* Được biết chị sinh ra trong một gia đình rất khá giả vì thế khi đến với một người nghệ sĩ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo như anh, chị đã bị gia đình cấm cản, nhưng chị vẫn quyết từ bỏ mọi thứ để theo anh. Chị có nghĩ thời bây giờ mình cũng sẽ xử sự như vậy để được sống bên người yêu?

- Chắc chắn cũng sẽ như vậy. Vì tính tôi là thế và anh là người không thể thiếu trong cuộc đời tôi.

* 16 tuổi bị tiếng sét ái tình làm cho chị nghĩ mình không thể thiếu anh. Tại sao chị lại “liều” như thế khi một người con gái xinh đẹp, giàu có lại yêu một chàng lãng tử đang vướng một căn bệnh không biết sẽ ra đi lúc nào?

- Tôi yêu anh là yêu cái tài và con người hiền lành, đạo đức, rộng lượng của anh. Nhưng một điều vô cùng quan trọng nữa mà tôi yêu anh tha thiết đó chính là căn bệnh hiểm nghèo của anh. Cuộc tình chúng tôi lãng mạn, đau đớn, khắc khoải cũng bởi không biết một ngày nào đó cả hai sẽ chia lìa nhau.

* Với một tình yêu dành cho nhau quá mãnh liệt như vậy cuộc sống của chị ngay sau ngày anh ra đi như thế nào?

- Ngày anh mất vì bệnh ung thư phổi (không như dự đoán ban đầu là ung thư xương) tôi đã chuẩn bị thuốc ngủ để được chết theo anh. Tôi như người chết đi sống lại cho đến ngày giỗ 49 của anh. Ngày nào cũng khóc, khóc từ sáng đến đêm khuya. Ngay khi tôi chuẩn bị tìm đến cái chết bởi cảm thấy quá tuyệt vọng, quá đau đớn thì hình như anh sai khiến một nhà báo gọi đến cho tôi. Đó là ngày thứ 50 anh mất. Tôi còn nhớ nhà báo ấy nói rằng tôi phải sống và có bổn phận gìn giữ và đưa âm nhạc của anh thăng hoa. Chính điều này giúp tôi bừng tỉnh và tôi biết mình phải sống, phải làm được điều anh mong mỏi.

* Cuộc sống của chị tại Mỹ lúc này thế nào?

- Chúng tôi có hai cô con gái là Lê Uyên Uyên (sinh ở Việt Nam) và Lê Uyên Mi (sinh ở Mỹ). Cả hai không nối nghiệp bố mẹ nhưng cũng rất mê nhạc và chỉ hát nhạc của bố.

* Có bao giờ chị nghĩ một ngày nào đó mình sẽ về hẳn Việt Nam hay là một kế hoạch hát dài lâu trên quê hương?

- Đây là ước nguyện của chúng tôi khi anh còn sống. Anh mong một ngày nào đó cả hai sẽ trở về được hát như ngày xưa, nhưng anh không làm được. Và nay tôi phải có trách nhiệm, phải làm được điều anh mong ước. Tôi muốn hát cho tất cả những người Việt Nam dù sống ở nơi đâu và sẽ tuyệt vời hơn khi được hát cho khán giả trên quê hương mình. 

Hà Đình Nguyên - Dạ Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.