Trương Ba trong vở diễn của Ái Như không phải là bậc nho sĩ nữa mà đơn giản là một ông lão làm vườn sống trung thực, ngay thẳng và giỏi môn cờ. Vì Trương Ba không còn là bậc nho sĩ nên bi kịch của Hồn Trương Ba da hàng thịt cũng tạm cất đi sự tranh cãi quyết liệt muôn thuở giữa một bên là phần hồn vốn được trọng là tôn quý, thanh cao và một bên là phần xác vốn biểu tượng cho những cái nhục dục, phàm tục, tầm thường... Kịch bản Hồn Trương Ba da hàng thịt vốn đa thanh, nhiều tầng, nhiều lớp ý nghĩa; nay tạm ẩn đi một thanh để nhấn mạnh cho một thanh khác là cái bi kịch lầm lạc của hồn Trương Ba phải sống trong thể xác của anh hàng thịt, vở kịch như muốn tạm yên một cuộc cãi vã về phần hồn và phần xác để tỉnh táo với nguyên nhân của bi kịch: Tại đâu?
Dựa trên câu chuyện Trương Đồ Dục trong dân gian, Lưu Quang Vũ đã đưa Hồn Trương Ba da hàng thịt trở thành một điển tích nổi tiếng trong nghệ thuật và xã hội. Hôm nay, người xem gặp lại câu chuyện mang đậm màu sắc dân gian và huyền thoại đó với những con người nơi hạ giới như ông Trương Ba trung thực (Minh Trí), anh hàng thịt lỗ mãng, cộc cằn (NSƯT Thành Hội) với cô vợ non tơ (Lê Khánh)... cùng với những bậc tiên thánh trên trời như Nam Tào, Bắc Đẩu giữ sổ sanh tử (Đình Toàn, Thái Quốc), những bà tiên múa và một ông tiên cờ Đế Thích không phải đạo mạo cốt cán mà tính tình lại hồn nhiên, trẻ thơ như bậc cải lão hoàn đồng (NSƯT Thành Lộc). Vì cuộc sống nơi thiên giới nhàm chán nên Nam Tào, Bắc Đẩu đâm ra chểnh mảng chuyện sanh tử nơi hạ giới, gạch nhầm tên Trương Ba khiến ông thác sớm. Đế Thích vì mến tài đánh cờ Trương Ba nên cho hồn ông nhập vào xác anh hàng thịt, sống nhờ.
Được sống nhưng liệu Trương Ba có vui? Đứa cháu không chịu nhận ông nội, tệ hơn khi ông chính là nước mắt, là nỗi đau khổ, giành giật lẫn dằn vặt khôn nguôi giữa hai người vợ. Xung quanh ông còn có đứa con học đòi phường gian xảo, những tên lý trưởng đục nước béo cò, những bậc tiên thánh trên trời cố tình lấp liếm lỗi lầm... Nên rắc rối, dị hợm của cái tâm hồn Trương Ba trong thể xác hàng thịt giờ đây đâu còn là bi kịch cá nhân nữa, hệ lụy với những người xung quanh ông nó đã biến nó trở thành cái rối ren, đảo điên chung của xã hội. Tất cả đều xuất phát từ lỗi lầm của Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích... Lỗi lầm của một con người có thể gây tai hại cho vài ba người chung quanh. Nhưng những bậc tiên thánh, những người được giao quán xuyến chuyện trăm dân trong thiên hạ thì tác hại của nó sẽ đảo điên, khuynh đảo biết bao nhiêu!
Quang Thi
Bình luận (0)