Bác sĩ pháp y - Bài 2: Phơi bày sự thật

15/01/2008 00:38 GMT+7

Một phụ nữ tử vong, 2 người khác bị thương nặng trong một tai nạn giao thông. Người được cho là gây tai nạn đứng trước nguy cơ bị khởi tố. Bác sĩ pháp y vào cuộc và phát hiện sự thật không như nhận định ban đầu từ hiện trường...

Sau một đêm theo chân bác sĩ pháp y, những hình ảnh lần đầu tiên chứng kiến trong thực tế khiến chúng tôi mất ngủ 2 đêm liền, đến bữa ăn chỉ dám dùng cơm trắng với rau và tránh xa những thực phẩm màu đỏ. Nhưng đó không chỉ là cảm giác riêng của những người "ngoại đạo". Bác sĩ Trường, một trong 3 giám định viên tại Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM, kể: Khi chuyển qua làm pháp y và thực hiện ca giải phẫu tử thi đầu tiên, anh đã nhịn ăn và mất ngủ suốt vì bị ám ảnh. Nhưng rồi thời gian trôi, công việc cuốn hút và nỗi sợ tan biến lúc nào cũng không hay. Đến giờ, anh đã gắn bó với công việc của một bác sĩ pháp y gần 1 năm và chưa hề có ý nghĩ sẽ rời bỏ vị trí.

Thế nhưng người như bác sĩ Trường không nhiều. Bác sĩ Hiếu nói ông biết rất nhiều trường hợp, khi được nghe phân công làm bác sĩ pháp y đã tìm đủ cách "chạy" để không phải nhận quyết định, nếu không được thì xin nghỉ việc. Nhưng ông quả quyết đó là những người chưa hiểu hết công việc của bác sĩ pháp y: "Một khi đã nhúng tay vào công việc này thì khó dứt ra được. Đơn giản, bác sĩ pháp y luôn bị cuốn hút bởi những bí mật, những nguyên nhân thật đằng sau những biểu hiện bề ngoài. Những bí mật đó không phải bác sĩ nào cũng nhìn ra, nhưng lại là công việc hằng ngày của bác sĩ pháp y. Và, một khi bí mật được giải mã thì sự việc không những được làm sáng tỏ, mà những người liên quan có thể còn được giải oan, tránh được nhiều điều tiếng không hay của dư luận".

Chẳng hạn như vụ việc xảy ra vào tháng 10.2007 tại Q.7. Tai nạn giao thông giữa 2 xe gắn máy làm chết 1 người, 2 người khác bị thương. Công an trưng cầu pháp y giám định để xác định chính xác nguyên nhân tử vong, nhằm có cơ sở khởi tố vụ án. Nạn nhân là một phụ nữ ngoài 30 tuổi, có tiền căn phổi mãn tính và hay đau ngực. Trước khi bị nạn, nạn nhân than đau ngực dữ dội từng cơn, vã mồ hôi, tím tái và ngất kèm sùi bọt mép. Người nhà thấy vậy chở vào bệnh viện cấp cứu và trên đường đi thì tai nạn xảy ra. Nhìn bề ngoài, nạn nhân bị xây xát khắp người, nhiều vết thương trên đầu, mặt, vùng mắt... khiến ai cũng nhận định chết do tai nạn giao thông. Đến khi bác sĩ pháp y giải phẫu tử thi thì sự thật phơi bày: dưới các vết thương đều không có máu bầm tụ, não không bị tổn thương, xương khớp không dập gãy... cho thấy nạn nhân không phải chết do chấn thương bởi tai nạn giao thông. Trong khi đó, phổi nạn nhân bị phù sung huyết, cơ tim nhão, gốc động mạch chủ bị xơ vữa rất nặng gây bít gần như hoàn toàn lỗ động mạch vành 2 bên... "Đó là một ca nạn nhân đã chết trước khi tai nạn xảy ra. Và không thể khởi tố vụ án" - bác sĩ Hiếu nhận định.

Một ca khác, nạn nhân ở Bình Chánh, thông tin ban đầu là do bất cẩn, té từ lầu 2 xuống và tử vong. Khi bác sĩ pháp y xuống thì hiện trường đã được thu dọn. Xem bề ngoài thấy hầu như thi thể còn nguyên vẹn, không có dấu hiệu của sự va đập mạnh, rớt từ độ cao gần chục mét xuống nhưng lại có những vết bầm sau gáy. Trong khi đó, hiện trường công an ghi nhận nạn nhân chết nằm sấp, phần tiếp giáp mặt đất là góc trán phải gần thái dương. Nghi ngờ có sự mờ ám, bác sĩ pháp y quyết định giải phẫu kiểm tra tổn thương não sau. Kết quả đúng như dự đoán, nạn nhân bị tác động ngoại lực vào gáy bằng vật cứng, gây tổn thương não dẫn đến tử vong. Giả thiết án mạng xảy ra được khẳng định để cơ quan chức năng tiến hành điều tra vụ án...

Lại có những sự thật không qua giải phẫu tử thi, mà được phát hiện bằng chính kinh nghiệm cùng lòng yêu nghề của bác sĩ pháp y. Ngoài khám nghiệm tử thi, mỗi tháng các bác sĩ ở trung tâm còn thực hiện hàng trăm ca giám định tỷ lệ thương tật phục vụ cho công tác điều tra, tố tụng. Người đến giám định, ngoài các nạn nhân còn có cả tội phạm nguy hiểm. Bình "kiểm", một tay giang hồ có "số má" ở thành phố, vừa bị kết án 28 năm tù vì tội bắt cóc, tống tiền, tàng trữ và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép, cũng đã từng đến Trung tâm giám định tỷ lệ thương tật do bị chém trong một vụ gây rối trật tự công cộng. Một bác sĩ tại trung tâm kể, trước khi Bình "kiểm" đến khám có một cuộc điện thoại gọi đến giọng nửa nhờ vả, nửa hăm dọa, nhưng các bác sĩ ở đây từ chối vì "pháp y chúng tôi chỉ nói sự thật".

Có trường hợp tội phạm đang thụ hình, được giới thiệu đến giám định bệnh để tại ngoại. Bệnh nhân kêu bị lao phổi và kết quả kiểm tra phim chụp sẵn do bệnh nhân đưa đúng là lao phổi. Nhưng con mắt giám định mách bảo có cái gì đó không bình thường qua hình dáng, tình trạng sức khỏe, kích thước lồng ngực người đến khám với phim chụp sẵn... Một y tá được gọi đến và nhận yêu cầu dẫn bệnh nhân đi chụp lại phim. Lúc này bệnh nhân quay qua năn nỉ "bác sĩ giúp giùm, em xin bồi dưỡng". "Tôi hỏi lại: anh trả tôi được bao nhiêu? Thế này nhé, tôi tính 7 năm đi học y khoa, 5 năm học thêm về bác sĩ pháp y, mỗi năm 1 tỉ đồng, chưa kể danh dự của chúng tôi. Anh xem có trả được không. Nghe thế, anh ta đành phải theo y tá đi chụp lại phim. Kết quả đúng như dự đoán: anh ta chẳng có bệnh phổi nào cả. Phim mang đến là của một người bị lao phổi anh ta tráo vào khi chụp nhằm qua mắt cơ quan chức năng để được tại ngoại" - bác sĩ Hiếu kể.

M.Đ - L.N

Bài 1: Đêm đi mổ xác 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.