Sở dĩ tất cả các loài thằn lằn này đều được đặt tên khoa học có đuôi Grismer và Ngô, 2007, bởi đây là phát hiện của Giáo sư L. Lee Grismer (Đại học Tổng hợp La Sierra, Bang California, Hoa Kỳ) và nhà nghiên cứu động vật họ Ngô (Ngô Văn Trí - Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trong năm 2007 và được công bố trên Tạp chí Herpetologica - tạp chí khoa học quốc tế chuyên về các loài lưỡng cư và bò sát.
Những loài thằn lằn đá đặc hữu này có kích cỡ cơ thể trung bình tương đối nhỏ: Chiều dài đầu mình từ 43,5 đến 56,5mm, chiều dài đuôi từ 60,0 đến 88,6mm, với màu sắc khá đẹp... Các loài thằn lằn đá mới này là những loài hoạt động ban ngày, thường sống trên đá, đôi khi di chuyển trên thân cây. Vùng phân bố của các loài thằn lằn đá đặc hữu này là các khu vực đồi núi và đảo thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Cũng nhờ phát hiện mới này của các tác giả L. Lee Grismer và Ngô Văn Trí đã nâng tổng số các loài thằn lằn đá đặc hữu thuộc giống thằn lằn đá con ngươi tròn - Cnemaspis ở nước ta thành 5 loài, kể từ phát hiện đầu tiên về loài thằn lằn đá con ngươi tròn Boulenger đặc hữu - Cnemaspis boulengeri Strauch do nhà nghiên cứu động vật A. Strauch vào năm 1887 ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc phát hiện ra những loài đặc hữu này không chỉ có giá trị về mặt khoa học và ý nghĩa rất cao đối với công tác bảo tồn mà còn khẳng định: Khu vực Bảy Núi, Hòn Đất, Đảo Hòn Tre không những có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, du lịch mà còn là địa điểm quan trọng trong công tác bảo tồn các loài động vật đặc hữu của Việt Nam.
Theo TTXVN
Bình luận (0)