Ý kiến xung quanh chuyện thi cử

15/01/2008 17:02 GMT+7

(TNO) Nhất trí với chủ trương đổi mới thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng theo GS-TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cách làm theo như Đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh là "chưa có cơ sở khoa học và không thể chấp nhận được". Bạn đọc Thanh Niên cũng đóng góp nhiều ý kiến xung quanh vấn đề đang rất được xã hội quan tâm này:

Đề xuất cách đổi mới kỳ thi ĐH

Theo tôi, kì thi tốt nghiệp làm như năm ngoái, tuy nhiên không sử dụng giảng viên ĐH đi thanh tra. Nên đổi mới kì thi ĐH bằng cách:

- Mở rộng quyền dự thi cho công dân.
- Đơn giản hóa thủ tục người dự thi.
- Mỗi trường tổ chức nhiều kì tuyển sinh trong năm, tuyển theo ngành để giảm tải vào mùa thi, đồng thời thí sinh có cơ hội được dự thi nhiều lần hơn trong cuộc đời. Việc này đòi hỏi các trường chủ động kế hoạch đào tạo, không lệ thuộc vào lề lối của Bộ lâu nay.
- Đổi mới cách ra đề thi phù hợp yêu cầu từng ngành, từng trường.
- Bộ kiểm tra bài thi người đậu theo phương pháp kiểm tra ba bài để tránh gian lận thi cử. Trường kiểm tra tư cách sinh viên đậu trong quá trình sinh viên học 4 năm trong trường (qua hồ sơ, bài thi, chữ viết).
- Sai phạm xử lý mạch lạc, nghiêm chỉnh. (Vĩnh Hoàng Nguyên - vifolklore@yahoo.com.vn)
 
Nên mạnh dạn có những thay đổi
 
Tôi rất mừng vì suy nghĩ của tôi trùng hợp với ý kiến của GS Thi. Trước đây, tôi cũng đã từng có suy nghĩ nếu phải bỏ một trong hai kì thi thì nên bỏ kì thi tốt nghiệp (TN) THPT. Lí do: Thứ nhất, chúng ta chẳng phải khuyến khích thanh thiếu niên theo học các trường học nghề là gì? Thử hỏi nếu không lấy được bằng tốt nghiệp THPT thì học sinh làm sao học nghề? Hơn nữa hiện tại nếu chỉ có bằng TN THPT thì nếu không học lên cao hơn thì cũng chẳng xin được việc gì làm ngoài làm công nhân tại các khu công nghiệp, với mức lương không khác gì người không có bằng TN THPT. Thứ hai, việc bỏ kì thi TN THPT sẽ giúp học sinh định hướng các môn học cho kì thi ĐH tốt hơn. (Quang - vpuang@enet.vn)
 
Nếu phải bỏ một kỳ thi, hãy bỏ kỳ thi tốt nghiệp

 
Tôi rất tán thành ý kiến của ông Đào Trọng Thi và bà Dương Thị Trúc Bạch. Nếu phải bỏ 1 kỳ thi, hãy bỏ kỳ thi TN, bởi vì:

1) Nếu chỉ thi TN bằng phương pháp trắc nghiệm thì học sinh có nguy cơ chỉ biết GẬT và LẮC, khả năng diễn đạt kém vì chúng ít được rèn luyện.
2) Các trường ĐH phải chịu trách nhiệm đầu ra nhưng ít có quyền lựa chọn "nguyên liệu" đầu vào.
3) Dù tổ chức thi TN như thế nào thì độ tin cậy vẫn thường thấp hơn thi ĐH.

Mong sao Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng nghĩ như ông Đào Trọng Thi và bà Dương Thị Trúc Bạch. (Đào Đinh Hải - haidd47@yahoo.com)

Chỉ nên có một kỳ thi: ĐH!
 
Tôi cũng nghĩ chỉ nên có 1 kỳ thi, và đó là thi ĐH. Các trường ĐH tự quyết định cách ra đề,... Một số trường ĐH nhỏ, yêu cầu đầu vào tùy theo tính chất có thể tổ chức thi riêng, lấy kết quả từ việc thi tuyển vào các trường ĐH khác, hoặc xét dựa vào tốt nghiệp PTTH. Còn về thi TN PTTH có thể bỏ và xét tuyển theo kết quả học tập, hoặc tổ chức thi và học theo dạng tín chỉ, cứ học và thi đậu các môn là xét tốt nghiệp (đề có thể do Bộ, Sở ra). (Nguyễn Văn Hòa - nguyenvanhoade@yahoocom)

Nên bỏ thi ĐH 
 
Theo tôi, nên bỏ thi ĐH là hợp lý. Sau khi tốt nghiệp xong cấp 3 (nói riêng) và tất cả ai có bằng cấp 3 (nói chung), nếu chưa có điều kiện thi ĐH thì có quyền chọn trường ĐH để làm thủ tục nhập học với các điều kiện sau:
1) Có đủ điều kiện kinh tế (đóng học phí) theo yêu cầu của nhà trường.
2) Đạt được điểm chuẩn của 1 môn học sau kỳ thi do trường quy định.
3) Chỉ được phép thi lại 1 lần duy nhất.
4) Trong thời gian học (ĐH) được phép đình chỉ 1 năm để trả nợ môn học.
5) Kết quả trả nợ môn học phải cao hơn điểm chuẩn của môn học đã quy định.
Trong thời gian 4-5 năm học ĐH, nhà trường đặt ra các tiêu chí cho việc dạy và học một cách khắt khe để tạo đầu ra có chất lượng. Ta chỉ cần mở rộng đầu vào và siết chặt đầu ra. (Nguyễn Thanh Lộc - ngloc1975yen@yahoo.com.vn)

Hãy để các trường ĐH chủ động ra đề thi tuyển sinh

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, hãy cho phép các trường ĐH có nhiều đợt tuyển sinh, thậm chí cho phép các trường tuyển sinh liên tục trong năm, vì chúng ta đang chuẩn bị áp dụng quy chế học tập theo tín chỉ. Nên có chế độ xét tuyển cho hệ thống đào tạo đại học và sau đại học, để phục vụ nhu cầu xã hội (theo khía cạnh tích cực). Đánh giá chất lượng đào tạo của các trường ĐH qua doanh nghiệp sử dụng lao động. (Trịnh Vũ Dũng - dungtrinhvu@gmail.com)

Không nên bỏ kỳ thi tuyển vào ĐH
 
Là một giáo viên giảng dạy có thâm niên trong ngành giáo dục tôi thấy ý kiến của GS Đào Trọng Thi về việc nên tổ chức hai kì thi riêng là đúng, vì trên thực tế nếu chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là không thể chính xác, nhất là trong tình trạng hiện nay. Nếu theo lộ trình tổ chức một kì thi quốc gia, tôi thấy bỏ kì thi tốt nghiệp THPT là thỏa đáng vì hiện nay chúng ta đang tiến hành phổ cập THPT, không phải tất cả học sinh tốt nghiệp THPT đều có nguyện vọng vào ĐH. Trên thực tế có những học sinh đỗ tốt nghiệp THPT với điểm số khá cao nhưng thi hai - ba năm chưa vào được ĐH, khi vào rồi lại học không được, gây không ít khó khăn cho gia đình và xã hội. Chủ trương của Bộ cũng nhằm tháo gỡ khó khăn cho phụ huynh và học sinh, nhưng cho đến khi ban hành văn bản cụ thể, các nhà lãnh đạo và quản lí nên tranh thủ ý kiến của các trường ĐH và những người có tâm huyết với ngành. Tôi nghĩ, những người thực sự có năng lực thì thi cử đối với họ là chuyện bình thường. Riêng kì thi tuyển còn mục đích quan trọng nữa là tránh cho phụ huynh và học sinh những ảo tưởng và kì vọng vượt xa khả năng thực tế. (Đặng Thu Hương - thuhuongdang@yahoo.com)

Đau đầu phụ huynh
 
Tôi là một trong hàng ngàn phụ huynh có con học phổ thông. Tôi đồng tình với 2 cách của hai nhà giáo tâm huyết với ngành giáo dục là thầy Văn Như Cương và thầy Đào Trọng Thi. Hai thầy phân tích rất đúng, mục đích 2 lần thi khác hẳn nhau. Thi vào ĐH rõ ràng phải chọn người tài thì chất lượng các kỹ sư, cử nhân... mới được nâng cao. Chất lượng giáo dục phải đặt lên hàng đầu. Mong các vị lãnh đạo hãy lắng nghe và thấu hiểu để kỳ thi tuyển sinh ĐH 2009 chắt lọc được học sinh giỏi thực sự, kẻo nhiều cháu bị trượt ĐH oan, và phụ huynh vẫn phải đau đầu về chuyện thi cử của con em.  (Tamleduan - tamleduan@yahoo.com)

K.H (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.