Thị trường ô tô: Làm giàu cho "cò"!

21/01/2008 23:27 GMT+7

Chưa bao giờ giới “cò” ô tô lại phấn khởi như hiện nay. Dù là xe sản xuất trong nước hay ô tô nhập khẩu, người mua vẫn phải "chung chi" để được lấy xe... đúng hạn.

"Giá xe hiện nay người ta không quan tâm bằng thời hạn có xe", một nhân viên kinh doanh ô tô trên đường 3 Tháng 2 (Q.10, TP.HCM) nhận xét. Trong vai người đi mua ô tô, chúng tôi đã chứng kiến nhiều "pha" chua chát do giới "sale" (cách gọi... sang trọng chỉ "cò” ô tô) đạo diễn. Anh V.M ngụ ở Đồng Nai đặt mua chiếc Captiva từ tháng 3.2007. Theo hợp đồng ký kết giữa anh và đại lý T. ở Biên Hòa thì thời hạn giao xe là tháng 8.2007. Đến hẹn, nhân viên đại lý hứa thêm 2 tháng sau chắc chắn sẽ có.

Đến tháng 12.2007, anh M. vẫn chưa nhận được xe. Có người bảo anh chi thêm 3.000 USD sẽ có xe ngay, anh kiên quyết từ chối. Một tháng sau, chiếc xe vẫn bặt vô âm tín, trong khi những "khổ chủ" như anh do thức thời nên chấp nhận chung chi vài ngàn USD thì có xe vi vu chạy Tết. Tương tự, chị L. ngụ ở Bình Dương đặt mua chiếc Lacetti từ tháng 10.2007. Đại lý trên đường Lê Lợi (Q.1, TP.HCM) hứa chắc là có xe trước Tết. Chị L. háo hức về chuẩn bị tiền để nhận xe. Nào ngờ 3 tháng sau đại lý gọi điện thông báo "Qua Tết mới có xe". Chị L. thất vọng nói: "Đã có người đề nghị tôi sang hợp đồng cho họ lấy chênh lệch 1.000 USD nhưng tôi không nhận. Quả thật, tôi cũng không biết bao giờ mới nhận được xe".

Tình trạng trên tưởng chỉ xảy ra ở các loại xe sản xuất trong nước. Nào ngờ, xe nhập khẩu cũng chịu chung cảnh ngộ. Anh T.S đặt mua chiếc Kia Morning đã qua sử dụng giá 16.200 USD nhập từ Hàn Quốc. Một tháng sau, nhân viên salon nói anh phải trả thêm 2.000 USD nữa mới có xe do "chi phí hải quan thay đổi". Anh T.S hủy ngay hợp đồng và tuyên bố "Không mua xe trước Tết". Anh N.T.H làm ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đặt mua chiếc Lexus 62.000 USD từ tháng 6.2007. Đến tháng 12.2007, nhà xe thông báo anh phải chi thêm 3.000 USD tiền "bôi trơn" cho hải quan để lấy xe! "Tôi cũng không còn cách nào khác, đành chấp nhận. Tuy số tiền không lớn song đủ thấy phong cách mua bán rất tùy tiện hiện nay của nhiều doanh nghiệp Việt Nam".

Khác hẳn mọi năm, thị trường ô tô cuối năm âm lịch gần như vắng bóng các chương trình khuyến mãi. Tất cả các hãng ô tô đều tập trung sản xuất để kịp giao xe cho các đơn đặt hàng. "Khó có thể trách các nhà sản xuất ô tô vì xe khan hiếm. Ô tô là mặt hàng sản xuất theo đơn đặt hàng chứ không phải làm ra đại trà rồi kêu bán. Bài học ế ẩm hồi cuối năm 2006 đã khiến các nhà sản xuất không còn phiêu lưu khi đưa ra kế hoạch sản xuất. Ngay cả bây giờ cũng không có một doanh nghiệp nào dám dự đoán tình hình sắp tới sẽ ra sao", một nhà nghiên cứu kinh tế bình luận.

Theo kết quả thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 12.2007 các thành viên của tổ chức này bán ra 12.006 xe ô tô, tăng 96% so với tháng 12.2006. Tính chung cả năm 2007, VAMA bán 80.392 chiếc, gần gấp đôi so với 40.897 xe trong năm 2006. Ngay từ quý 1/2007 dấu hiệu “sốt" xe đã xuất hiện khi chiếc Captiva của GM-Daewoo hiếm hàng. Tiếp theo đó là hàng loạt xe khác: Toyota Camry, Honda Civic, Daewoo Lacetti... thay nhau "hành" người mua. Để lấy ngay những loại xe này, người tiêu dùng buộc phải lót tay với giới "sale" ít nhất là 1.000 USD/chiếc. Điều bất hợp lý chính là thị trường tự do vẫn có xe, thậm chí dồi dào trong khi xe trong các đại lý chính thức lại rất nhỏ giọt.

Theo cơ quan Hải quan TP.HCM lượng xe nhập khẩu về nhiều lên đáng kể từ lúc người tiêu dùng thất vọng với các đại lý ô tô trong nước. Chỉ tính riêng khoảng nửa đầu tháng 1.2008 đã có đến hơn 200 xe ô tô cao cấp nhập khẩu về các cảng TP.HCM. Hầu hết xe nhập đều có mức giá khá cao ngoài 50.000 USD/chiếc với các thương hiệu quen thuộc: Toyota Camry LE, Toyota Yaris, Sienna, Lexus, BMW, Porsche... Cá biệt có vài chiếc "hạng nặng" như Audi, Mercedes S500, Acura... Gần đây, cuộc cạnh tranh của các nhà nhập khẩu xe đơn lẻ và đại lý phân phối độc quyền của các thương hiệu trở nên quyết liệt hơn. Tính đến nay đã có ít nhất 5 thương hiệu gồm: Nissan, Hyundai, Kia, BMW, Porsche có đại lý tại Việt Nam, nhập và bán xe khiến nhiều công ty thương mại điêu đứng. Giá tính thuế là "đòn" nặng nhất mà các đại lý tung ra để hạ gục đối thủ. Chẳng hạn một chiếc BMW được nhà nhập khẩu khai trước đây khoảng 40.000 USD nhưng khi qua kênh đại lý thì giá chuẩn lại là 70.000 USD. Hải quan dĩ nhiên phải tính thuế theo giá chuẩn. Các công ty thương mại không còn kiếm chác bằng cách "down" giá (để né thuế) đã quay sang "bóp" người tiêu dùng.

Ngoài ra, những nhà phân phối độc quyền đã buộc công ty sản xuất không bán tùy tiện xe ra bên ngoài khiến việc mua xe từ nước ngoài của công ty thương mại gặp khó khăn. Tất cả đều chồng lên giá bán ra cho người tiêu dùng. Đó là trường hợp của chiếc Kia Morning và chiếc BMW trong thời điểm hiện nay. Giới "sale" gọi đó là chi phí bôi trơn, song chính xác hơn đó là một kiểu móc túi... hợp lý người tiêu dùng. Tâm lý cần mua và mua theo phong trào đã là mảnh đất màu mỡ để giới môi giới ô tô khai thác triệt để.

 Hùng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.