Khai báo thông tin thuê bao,“OK” tuốt!

21/01/2008 23:40 GMT+7

* Đăng ký tên: “Tôi chết rồi, 300 tuổi”, vẫn “OK”! * Một cá nhân đứng tên hàng nghìn thuê bao Gần 1 tháng sau khi quy định về đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước có hiệu lực, người tiêu dùng mua sim vẫn không cần đăng ký. Nhưng đó chưa phải là chuyện đáng nói nhất.

"Đại" thuê bao

Do việc đăng ký thông tin một cách... cho có, nên thực chất quy định về đăng ký thuê bao trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông đã bị vô hiệu hóa bởi quy định không cấm các chủ đại lý đăng ký sở hữu nhiều thuê bao. Đây có thể coi là khoảng trống mà quy định về đăng ký thuê bao trả trước đã không lường tới.

Vào thời điểm hiện nay, trên thị trường sim di động trả trước, không dễ để mua được sim chưa đăng ký thông tin người sử dụng. Thực tế dễ thấy tại các cửa hàng kinh doanh sim điện thoại di động không được ủy quyền từ nhà cung cấp dịch vụ, hầu hết sim đã được đăng ký. Lý do mà chủ các cửa hàng này đưa ra thật đơn giản: chẳng khách hàng nào muốn tự mình khai báo, họ là “thượng đế” nên chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu của họ. Chị Hoa, chủ cửa hàng sách báo Hoa Long ki-ốt số 4 Hàng Trống (Hà Nội) cho rằng: "Có người không nắm được cách thức đăng ký, người khác thì biết nhưng không muốn tự thực hiện nên chúng tôi phải làm thay cho khách hàng. Chúng tôi cũng không thể cạnh tranh với các điểm có vốn giao dịch lớn, nên bán ra những sim đăng ký sẵn là cách thức để chúng tôi cạnh tranh".

Chủ một cửa hàng kinh doanh sim và thẻ điện thoại trên đường Nguyên Hồng (Hà Nội) cho biết: "Cửa hàng nhập sim từ những đại lý cấp cao hơn đã đăng ký thông tin từ trước hết rồi nên hoàn toàn yên tâm để bán cho khách". Do không có quy định về hạn chế đăng ký số lượng sim/1 cá nhân, hàng ngàn cửa hàng nhỏ bán sim số như của chị Hoa đã trở thành những "đại thuê bao” (do đăng ký các thông số của cùng một người) với số lượng hàng ngàn sim của nhiều mạng khác nhau.

Sự xuất hiện những "đại" thuê bao gây ảnh hưởng không nhỏ đến những cửa hàng thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (mỗi người mua sim trả trước là một dữ liệu thông tin khác nhau).

Chuyện thật như đùa

Trong số 3 mạng di động GSM thực hiện quy định về đăng ký thuê bao trả trước, MobiFone bắt buộc khách hàng phải đăng ký thông tin thuê bao tại các điểm giao dịch và không được sửa đổi thông tin qua tin nhắn. Bà Lê Diễm Ngọc, Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng khu vực 1 của MobiFone cho biết, công ty này không cho phép việc sửa đổi thông tin qua tin nhắn vì không thể kiểm tra tính xác thực của thông tin.

Tuy nhiên, không giống với MobiFone, Viettel và VinaPhone cho phép khách hàng mới của mình sau khi sim đã đăng ký lần đầu tiên được sửa đổi thông tin vô tội vạ.

Khi chúng tôi thử nghiệm sửa đổi lại thông tin trên 2 sim đăng ký của Viettel và VinaPhone thì có kết quả gần giống nhau. Với sim 0168.5734726 (Viettel), chúng tôi nhắn tin đăng ký đến tổng đài 1414 với nội dung sửa đổi thông tin thuê bao như sau: "ko biet ten.12031708.000000000" (tức là Họ tên: Không biết tên, ngày sinh: 12.03.1708 (người đã 300 tuổi), số chứng minh nhân dân: 000000000). Tổng đài chấp nhận với nội dung tin nhắn trả lời: "Chúc mừng quý khách đã thay đổi thông tin thành công. Trân trọng cảm ơn quý khách đã lựa chọn, sử dụng dịch vụ di động trả trước của Viettel Telecom". Chưa hết, sau đó chúng tôi thử đổi tên khách hàng thành: "Tôi chết rồi", rồi gửi đến tổng đài 1414, Tổng đài này cũng chấp nhận (?!).

Cũng với nội dung tin nhắn đăng ký lại thông tin như trên, nhưng mạng VinaPhone có vẻ "khó tính" hơn, khi số thuê bao 094.9543716 không được chấp nhận đăng ký năm sinh của chủ thuê bao là năm 1708, còn năm 1986 thì được chấp nhận. Tuy nhiên, tên được sửa là "Không biết tên" hoặc "Tôi chết rồi" kèm số chứng minh nhân dân là 9 chữ số 0 thì... không vấn đề gì!

Lãnh đạo các mạng di động nói gì?

* “Hiện nay, MobiFone vẫn thực hiện đăng ký thông tin qua các đại lý hoặc điểm giao dịch của MobiFone và bắt buộc khách hàng phải có CMND theo đúng yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc đăng ký qua tin nhắn của MobiFone sẽ được thực hiện bắt đầu từ 1.4.2008 và MobiFone sẽ có biện pháp kỹ thuật để các thông tin khách hàng được đảm bảo đúng định dạng chứ không để xảy ra tình trạng hiện thời như các nhà cung cấp dịch vụ khác. Mặc dù vậy, việc kết nối cơ sở dữ liệu CMND với Bộ Công an vẫn chưa được thực hiện nên trước mắt vẫn bắt buộc phải dựa vào sự tự giác của khách hàng trong việc cung cấp thông tin” - ông Lê Ngọc Minh - Giám đốc MobiFone

* “Về mặt kỹ thuật, hệ thống đăng ký thông qua tin nhắn chấp nhận bất cứ tên nào khách hàng cung cấp miễn là tên được đưa vào đúng cú pháp, nên việc đăng ký "Không Biết Tên" hay "Nguyễn Văn A" cũng sẽ được hiểu như nhau(!). Còn tại trường hợp CMND thì theo quy định sẽ có ít nhất 9 chữ số từ 000000000 đến 999999999 nên khách hàng có thể nhập bất cứ con số nào nằm trong dãy số này. "Đối với trường hợp năm sinh thì chúng tôi có giới hạn để đảm bảo thông tin năm sinh hợp lý nên sẽ không có tình trạng năm sinh 1708 được chấp nhận", ông Thắng khẳng định. Ông Thắng cho biết thêm, về mặt kỹ thuật VinaPhone có thể thực hiện thống kê những "đại thuê bao" nhưng "trên thực tế khi thông tin mà khách hàng cung cấp còn chưa được đảm bảo chính xác thì việc này là không có ý nghĩa thực tế" - ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc VinaPhone

* “Trước đây, chúng tôi từng cảnh báo đến Bộ Thông tin và Truyền thông rằng: nếu thực hiện không cẩn thận chúng ta sẽ chỉ có được một cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng "hổ lốn". Thực tế thì chúng tôi không kiểm tra được tính chính xác các thông tin do khách hàng đăng ký qua tin nhắn. Tất cả thông tin đó được hiểu như một đoạn văn bản chứ không thực hiện thuật toán kiểm tra nội dung. Tuy nhiên với những thông tin mà Báo Thanh Niên đưa ra, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại để tránh những thông tin vô nghĩa được đưa vào hệ thống, như chuyện năm sinh 1708”  - ông Hoàng Sơn, Phó giám đốc Viettel Telecom

Trường Sơn
(thực hiện)

Phan Lê Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.