Chip 8-bit RISC SigmaK3 |
Đội ngũ nhân lực về thiết kế vi mạch gồm 2 thạc sĩ và 11 kỹ sư. Họ là những người đầu tiên ở VN được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sau khi trải qua thi kiểm tra từ các chuyên gia hàng đầu thế giới về thiết kế vi mạch (như Qualcomm, Synopsys, Mentor Graphics). Trong đó, trực tiếp triển khai công trình là: Hầu Nguyên Thanh Hoàng (1980), Nguyễn Văn Bình (1982), Ngô Quang Vinh (1983), Dương Văn Khanh (1982) và Trần Hoàng (1982). Dù không cùng độ tuổi, tốt nghiệp từ những trường khác nhau (ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), nhưng niềm đam mê nghiên cứu thiết kế vi mạch - lĩnh vực rất mới nhưng nhiều tương lai ở VN - đã đưa họ gặp nhau tại ICDREC.
Bước vào một lĩnh vực mới mẻ, vừa học vừa làm nên nhóm nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Theo dự kiến đề tài sẽ tiến hành trong 2 năm, nhưng để kịp tiến độ tài trợ phần mềm trong vòng 1 năm nên nhóm còn bị áp lực về thời gian. Thạc sĩ Hầu Nguyên Thanh Hoàng - Trưởng nhóm thiết kế số cho biết: "Không kinh nghiệm là một khó khăn cực lớn với nhóm trong quá trình làm việc. Đôi khi, trong thực hiện công trình phát sinh nhiều lỗi, có khi nửa tháng trời không tìm ra nguyên nhân. Ngay hôm thử nghiệm, gần nguyên ngày con chip không hoạt động...".
Để hoàn thành công trình trong vòng 10 tháng, nhóm thiết kế đã phải làm việc ngày đêm không kể thứ bảy, chủ nhật. Rất nhiều khi đến hơn 9 giờ tối các thành viên mới rời bàn máy về nhà. Có khi phải thức trắng đêm như lần kiểm tra cuối cùng bản thiết kế trước khi đem đi đóng gói tại Nhà máy MOSIS (Mỹ). Suốt 3 tháng đầu, nhóm liên tục làm báo cáo, và mỗi ngày như thế cũng phải thức đến 2 - 3 giờ sáng...
Trước mắt, chip vi xử lý này sẽ được đưa vào các trường ĐH để thực nghiệm trong học tập và nghiên cứu. Đó được xem là bước đệm để tiếp tục nghiên cứu chip này ở cấp độ 16/32-bit với những ứng dụng cao hơn như điều khiển trung tâm trong điện thoại di động, các thiết bị kỹ thuật số... Tuy nhiên, hướng phát triển sẽ là thương mại hóa lõi IP và sản xuất chip này tại VN. Mỗi lõi IP nhập vào từ nước ngoài có giá từ 3.000 - 6.000 USD, nếu được chứng nhận kiểm định chất lượng kỹ thuật và đưa lên thị trường IP có thể chỉ bán bằng 1/3 so với giá trên. Khi đó, VN không còn phải nhập chip từ nước ngoài mà ngược lại có thể đưa sản phẩm của mình ra thị trường thế giới.
H.A
Bình luận (0)