Ông Mười Khôi, một đại anh hùng - Kỳ 6: Tổ chức lực lượng vũ trang

26/01/2008 00:29 GMT+7

Anh Mười Khôi là người trực tiếp tổ chức lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh, xây dựng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh" (Thượng tướng anh hùng Nguyễn Chơn)

Người ta nói tài năng nhất trong các tài năng là tài năng thừa nhận tài năng của người khác. Các đấng minh quân ngày xưa do biết trọng dụng hiền tài mà làm nên đại nghiệp. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến, ngoài việc gắn bó máu thịt với dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, cũng là do biết tìm được nhân tài hào kiệt để giao trọng trách. Ông Mười Khôi - vốn là một nông dân đi làm thợ dệt - trước sau không bao giờ tự coi bản thân là một người tài. Ông Nguyễn Tất Thắng kể: "Hồi chống Pháp, khi được đề cử làm Bí thư Huyện ủy, ổng nói: Tôi dốt không làm nổi, phải chọn đồng chí khác giỏi hơn". Nhưng vì nhiệm vụ ông không từ chối được, mà phải làm bí thư nhiều huyện, lần lượt từ huyện này qua huyện khác. Đến kháng chiến chống Mỹ, khi được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy, ông lại gửi thư về khu xin cử đồng chí khác giỏi hơn ông về làm, nhưng vẫn không từ chối được. Dĩ nhiên là ông không ngại khó, cũng không phải ông tỏ ra khiêm tốn từ chối "lấy lệ", mà, như sau này ông ghi trong bản kiểm điểm, là do ông "tự ti", do ông không nghĩ mình hơn những người khác. Đọc lại những bản kiểm thảo của ông qua những lần chỉnh huấn, thấy ông ghi toàn là khuyết điểm yếu kém, cả những yếu kém nhỏ nhất ông đều liệt kê đầy đủ, rất ít thấy ghi thành tích. Cả đến việc không thích những người nói nhiều mà làm ít, ông cũng tự kiểm điểm là "hẹp hòi cục bộ đối với anh em nói giỏi, cho là cũng thế thôi". Ông Đặng Công Quyện, người bảo vệ cũ của ông, nói với chúng tôi: "Ổng có điều rất hay mà đến giờ già rồi đêm đêm tôi vẫn nghĩ: Ổng không bao giờ chê ai, trước mặt hay sau lưng cũng thế, không bao giờ". Đối với kẻ thù thì ông quật cường, còn đối với đồng chí thì ông là người như vậy. Trong cái khiêm tốn tự nhiên đến trong suốt mà ông gọi là “tự ti”, ông nhìn thấy người tài, thu hút họ, làm cho người ta thấy họ chứ không thấy ông.

Sau Nghị quyết 15, toàn miền Nam đồng khởi, khắp nơi dân bảo "thấy ánh sáng rồi". Ông Mười Khôi trở lại chiến trường, một thời gian sau được cử làm Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN. Vẫn không chịu để "chân vũ trang" ở vị trí thứ yếu, ông mạnh dạn đề nghị Khu ủy "cho nâng chân vũ trang lên ngang với chính trị". Hội nghị Khu ủy mở rộng tháng 4.1960, đã ra Nghị quyết nêu rõ: "Mạnh dạn phát động quần chúng ở căn cứ miền núi vũ trang chống địch càn quét. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh, khu...". Với lực lượng còn giữ được, cộng với vũ khí và cán bộ chính trị và quân sự đưa từ miền Bắc về, ông Mười Khôi cùng với Tỉnh ủy nhanh chóng khôi phục và phát triển lực lượng tấn công địch. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đỗ Quang Thắng nói: "Anh Mười Khôi vừa làm bí thư vừa trực tiếp chỉ đạo chiến trường. Ảnh không học trường lớp nào mà xây dựng và phát triển rất nhanh chóng. Đầu tiên trừ gian diệt ác cũng anh Mười Khôi, xây dựng các đội vũ trang cũng ảnh. Lo lương thực thực phẩm, thương binh bệnh binh, đặc biệt là vũ khí đạn dược, việc gì ảnh cũng nhúng tay vào. Ảnh hết mình, sáng tạo, điềm tĩnh, sâu sát, thuyết phục tất cả. Tôi chưa thấy bí thư nào được toàn thể cán bộ chiến sĩ và nhân dân tin yêu nể phục như vậy. Tất cả những trận lớn ảnh đều trực tiếp chỉ đạo, nơi nào nguy hiểm nhất ảnh xông tới trước. Quân sự có anh Chơn, đánh giặc không có ông nào hơn ông Chơn đâu".

Chúng tôi đã về Đà Nẵng gặp Thượng tướng Nguyễn Chơn. Tướng Chơn kể say sưa những diễn biến trên chiến trường thời đó. Ông nói: "Khi đề nghị phong anh hùng lực lượng vũ trang cho anh Mười Khôi có anh em chưa hiểu còn nói này nói khác, tôi bảo: Nếu cần tôi ra đối chứng cho. Anh Mười Khôi là người trực tiếp chỉ đạo, đứng ra tổ chức lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh, xây dựng từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh".

Tướng Chơn kể: "Tôi vào chiến trường tháng 2.1959, đi 30 anh em, nhưng 1 bị ruột thừa ở lại, 1 đầu hàng sau đó, còn 28. Hồi đánh Pháp tôi không ở chiến trường này. Trước khi vào tôi có nghe một số anh em kể, ảnh quyết liệt vũ trang, một mất một còn với chế độ Ngô Đình Diệm. Anh Mười là người có tầm chiến lược. Sau Nghị quyết 15, phương châm ban đầu chính trị là chủ yếu, quân sự là kết hợp. Phương châm nói như thế nhưng tôi theo dõi anh Mười Khôi, tôi thấy sớm muộn gì quân sự cũng là chủ yếu. Ảnh nói với cán bộ: Phải giải quyết với Ngô Đình Diệm bằng sức mạnh quân sự. Điều này quan trọng lắm".

Lịch sử còn ghi lại, tiếp theo cuộc nổi dậy có vũ trang đầu tiên ở Nóc Ông Tía (Phước Sơn) ngày 13.3.1960, khi 11 tự vệ và 30 gia đình đã dùng rựa tiêu diệt cả tiểu đội bảo an, đốt cháy trụ sở chính quyền địch rồi vào rừng sâu bố trí chống càn quét, địch đưa 1 đại đội tấn công vào làng nhưng gặp sự chống trả quyết liệt nên phải rút lui, từ đó hàng loạt các nơi khác đã nổi dậỵ kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang khởi nghĩa.  Các đơn vị đầu tiên của lực lượng vũ trang được hình thành ngay lúc đó đã nhanh chóng phát triển, đưa phong trào lên cao, từng bước tiến công làm chủ các thôn, xã, củng cố căn cứ địa, mở rộng vùng giải phóng.

Tướng Nguyễn Chơn nhớ lại: "Khi mới vào đó, tôi phụ trách tác chiến ở cơ quan có mật danh là Dì Hai, tiền thân của Tỉnh Đội sau này. Lúc này chưa có quân giải phóng, tỉnh đội chưa có, huyện đội chưa có, hậu cần chưa có, bộ đội thì chiến thuật, kỹ thuật chưa có. Khó nhất là cái ăn và vũ khí. Phải tăng gia sản xuất, trồng sắn, bắp, chuối, phát rẫy tỉa lúa, làm công cho đồng bào dân tộc. Ông Mười Khôi trực tiếp chỉ đạo tổ chức sản xuất để có cái ăn cho cán bộ và nuôi quân. Muối là thứ vô cùng quý hiếm, đồng bào lạt muối đã lâu, lạt muối nên có thai đều sẩy thai gần hết. Muối là thuốc chữa bệnh của đồng bào. Chúng tôi mỗi người được cấp 1 lon muối mỗi tháng, kể cả ông Mười Khôi cũng 1 lon. Tôi chia lon muối cho 90 bữa, mỗi bữa một chút bé tí tẹo. Quần áo thì có hai bộ mặc mãi từ đó cho đến năm 63, 64...".

Ông Nguyễn Chơn nói tiếp: "Lực lượng vũ trang đầu tiên hình thành là H30 vùng cao huyện Hiên, H31 vùng cao bắc Hòa Vang khu vực Hố Túi, H21 vùng cao huyện Trà My, còn gọi là cánh Trung, cánh Nam, cánh Bắc của tỉnh, mỗi cánh từ 1 đến 2 trung đội. Chủ trương đánh phá ấp chiến lược để giải phóng cho dân là việc rất khó, nhưng anh Mười Khôi đã cương quyết chỉ đạo thực hiện bằng được. Do bám sát dân, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng từ trước nên khi ta có chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, ảnh đã trực tiếp chỉ đạo, móc nối đưa rất nhiều thanh niên lên đi bộ đội, kể cả số thanh niên bị địch bắt đi quân dịch trốn về, trong đó có cháu của ảnh. Số anh em này có cái lợi là đã được địch huấn luyện về quân sự, chính cháu ảnh là người phụ trách trung liên khi tôi chỉ huy đánh. Ban đầu số thanh niên ảnh rút lên hàng trăm, sau đó lên ngàn này ngàn kia để hình thành lực lượng vũ trang cho tỉnh và tăng cường cho lực lượng vũ trang của Quân khu". 

Chỉ trong một thời gian ngắn, đến năm 1960, vùng căn cứ miền núi Quảng Nam căn bản được giải phóng, gần 40.000 dân giành được quyền làm chủ...

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.