Chuyện này đúng thật như đùa, vì gần như chẳng ai tin chuyện chỉ một nhân viên bình thường, mới có 34 tuổi, lại có thể gây nên thiệt hại trong thời gian dài đến như vậy mà không hề bị phát giác trong nội bộ ngân hàng và cả trong hệ thống kiểm soát ngân hàng và thị trường chứng khoán ở Pháp, nhất là khi Ngân hàng Societe Generale hoạt động từ 144 năm nay và hiện là ngân hàng lớn thứ 2 ở Pháp. Hơn nữa, tiền lệ tai hại của cách kinh doanh như đánh bạc ấy ở ngân hàng đã từng có: năm 1974, nhân viên Dany Dattel đã làm cho Ngân hàng Herstatt ở Đức bị phán sản, năm 1995, nhân viên Nick Leeson đã làm Ngân hàng Barings (Hà Lan) thiệt hại 1,4 tỉ USD khiến cho ngân hàng này sập tiệm, năm 1996, Yasuo Hamanaka làm cho Tập đoàn Sumitomo Trading bị mất toi 2,6 tỉ USD nên đến tận bây giờ vẫn chưa hồi phục, nhưng mức độ thiệt hại mà nhân viên Jerome Kerviel gây ra cho Ngân hàng Societe Generale còn cao hơn thế nhiều lần và rất có thể sẽ làm hạ bệ cả ngân hàng lừng danh này.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là vụ bê bối này chỉ là trường hợp riêng lẻ hay là một tác động phụ của cuộc khủng hoảng ngân hàng và thị trường chứng khoán hiện tại trên thế giới, cũng như hành vi của anh chàng Kerviel là "gian lận" hay hệ thống kiểm tra, kiểm soát ở ngân hàng yếu kém. Đương nhiên cả chính phủ lẫn Ngân hàng Trung ương Pháp phải nhanh chóng coi đây là "trường hợp cá biệt" và nhân viên ngân hàng Kerviel gian lận, vì như vậy sẽ tránh được mọi trách nhiệm. Nhưng cả dư luận lẫn giới chuyên môn ngân hàng đều không tin như vậy. Họ cho rằng anh chàng Kerviel "phạm tội", nhưng trách nhiệm lại ở những cơ quan và thể chế nhà nước kiểm soát hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Điều chắc chắn là lòng tin vào hệ thống ngân hàng ở Pháp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng và số phận của Ngân hàng Societe Generale đang như "ngàn cân treo sợi tóc".
Thảo Nguyên
Bình luận (0)