Nóng bỏng “cuộc chiến cá voi”

26/01/2008 16:31 GMT+7

Đánh bắt cá voi có một lịch sử lâu đời tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hoạt động này giờ đây đang là tâm điểm của cuộc tranh cãi gay gắt trên toàn cầu.

Ăn cá voi

Kojiki, cuốn sách cổ nhất của Nhật Bản còn được lưu giữ đến ngày nay, cho biết Hoàng đế Jimmu mà theo truyền thuyết là sống từ năm 711 đến năm 585 trước Công nguyên, rất thích ăn thịt cá voi. Trong khi chuyện về Hoàng đế Jimmu là truyền thuyết thì việc cuốn Kojiki được viết vào thế kỷ thứ 8 cho thấy muộn nhất là vào khoảng thời gian này, người Nhật đã quen với việc ăn thịt cá voi. Hoạt động đánh cá voi thời xưa cũng được thể hiện rất sinh động trong các bức tranh, tài liệu cổ. Kỹ thuật săn cá voi bắt đầu phát triển mạnh tại Nhật vào đầu thế kỷ 20, khi có nhiều người từ xứ hoa anh đào tìm sang các nước phương Tây để học hỏi. Người Nhật săn cá voi để lấy thịt, làm dầu ăn, và dùng xương làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như bàn và quân cờ... Chính vì thế, dân Nhật có câu: “Bạn không vứt bỏ bất kỳ thứ gì từ cá voi, ngoại trừ tiếng kêu của chúng”.

Sau Thế chiến II, khi thực phẩm trở nên khan hiếm thì cá voi trở thành một nguồn cung cấp chất đạm quan trọng cho dân Nhật. Vào năm 1962, sản lượng đánh bắt cá voi của Nhật đạt tới mức kỷ lục là 226.000 tấn. Tuy nhiên, vào năm 1982, Ủy ban về săn cá voi quốc tế (IWC) đã thông qua một nghị quyết cấm đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại (có hiệu lực từ năm 1986). Nghị quyết này là một “cú đấm” mạnh vào ngành công nghiệp có truyền thống lâu đời của người Nhật. Vì thế, vào năm 1985, ngay trước khi lệnh cấm có hiệu lực, sản lượng đánh bắt cá voi của Nhật giảm xuống còn 15.000 tấn. Giảm nhưng không chấm dứt hẳn. Từ năm 1986 trở về sau, người Nhật vẫn săn bắt mỗi năm từ hơn 200 đến khoảng 1.000 con cá voi các loại. Họ nói việc săn bắt này là “phục vụ mục đích khoa học” và cũng nhận được ủng hộ từ một số nước có chung “sở thích” săn bắt cá voi.

Đến năm 2006, IWC lại thông qua một nghị quyết cho phép việc săn bắt cá voi hoạt động trở lại vì mục đích thương mại nhưng có những hạn chế rõ ràng. Các nhóm bảo vệ môi trường, đặc biệt là Tổ chức Hòa bình xanh, tố cáo Nhật Bản cùng một số nước đang phát triển đã toa rập với nhau để IWC thông qua nghị quyết kia. Nhưng sự chỉ trích rất gay gắt này không xoay chuyển được vấn đề. Các đoàn tàu của Nhật, được tổ chức theo một dây chuyền đánh bắt và chế biến khép kín, tiếp tục chu du khắp nơi, từ Bắc Băng Dương tới Nam Thái Bình Dương, để săn loài sinh vật khổng lồ của biển cả. Mỗi chuyến đi mà họ gọi là “nghiên cứu” này có thể đánh bắt được hàng chục đến hàng trăm con cá voi và kéo dài tới vài tháng.

Phản đối

Hoạt động săn bắt cá voi của người Nhật đã bị chính phủ một số nước và không ít tổ chức quốc tế chỉ trích kịch liệt trong nhiều năm qua. Mới đây nhất, khi đội tàu gồm 6 chiếc của Nhật Bản bắt đầu chuyến săn bắt thường niên tại vùng biển gần Nam Cực thì 2 tàu của Tổ chức Hòa bình xanh và Sea Shepherd đã tức tốc “săn đuổi”. Khác với Hòa bình xanh với tiêu chí đấu tranh ôn hòa, Tổ chức Sea Shepherd của Mỹ lại chủ trương đấu tranh bằng mọi cách. Nhóm này thậm chí tuyên bố sẵn sàng tấn công phá hoại và làm chìm những chiếc tàu săn bắt cá voi phạm pháp. Tiếp sau hai chiếc tàu trên, vào ngày 9.1, tàu Ocean Viking của Úc cũng rời thành phố Perth để theo dõi đoàn đánh cá của Nhật. Tình hình bắt đầu trở nên căng thẳng hơn khi vào ngày 12.1, nhóm Hòa bình xanh phát hiện ra tàu Nhật và sau đó có hai người, một quốc tịch Anh và một quốc tịch Úc, thuộc Sea Shepherd leo lên tàu Ushin Maru No2 của Nhật để phản đối việc đánh bắt. Thủy thủ đoàn Nhật Bản đã bắt trói những người phản đối lại trước khi giao họ cho tàu Ocean Viking. Vừa được thả, hai người bị bắt đã tuyên bố sẽ kiện người Nhật về tội bắt cóc lên một tòa án ở Úc.

Bên cạnh các tổ chức quốc tế, chính phủ nhiều nước cũng đã kêu gọi người Nhật ngưng hoạt động săn bắt cá voi. Cuối năm ngoái, Chính phủ Úc đã hối thúc người Nhật ngưng ý định săn cá voi lưng gù sau khi có tin Nhật Bản đang nối lại việc đánh bắt loại cá này. Trước đây, khi việc săn bắt đã khiến cá voi lưng gù đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, một nghị quyết cấm đánh bắt loại cá này đã được nhiều nước thông qua vào những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, sau nhiều năm “né” cá voi lưng gù, năm ngoái, người Nhật đã tuyên bố khởi động lại việc săn loài sinh vật khổng lồ này. Họ dự định bắt khoảng 50 con trên tổng số 1.000 con cá voi các loại săn được trong mùa đánh bắt kéo dài từ cuối năm 2007 đến gần giữa năm 2008. Điều này đã dẫn tới phản ứng dữ dội hơn từ nhiều nước, đặc biệt là từ Úc, Anh và New Zealand. Thủ tướng New Zealand Helen Clark nói rằng “việc săn bắt tới 1.000 con cá voi để phục vụ cho nghiên cứu khoa học là lừa dối”. Chính phủ Úc thì tuyên bố “rất thất vọng” khi cuộc săn bắt được triển khai. Còn một phát ngôn viên của Chính phủ Anh thì khẳng định sẽ “phản đối mọi nỗ lực của Nhật Bản trong việc coi thường các công ước quốc tế khi tiếp tục tiến hành cái gọi là đánh bắt cá voi vì mục đích khoa học”. Đến tháng 11.2007, Chính phủ Mỹ cũng đã gia nhập nhóm “chống Nhật”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack vào hôm 19.11.2007 lên tiếng: “Trong khi thừa nhận những quyền lợi hợp pháp của Nhật về việc tiến hành săn bắt theo Công ước săn bắt cá voi, chúng tôi cũng lưu ý rằng không có “phương pháp chết chóc” nào được phép tiến hành để nghiên cứu số lượng cá voi”.

Người Nhật vẫn đánh bắt cá voi

Sự phản đối và chỉ trích kịch liệt từ nhiều phía đã làm người Nhật có phần chùn tay. Cách đây vài ngày, Chánh văn phòng nội các Nobutaka Machimura cho biết Tokyo đã quyết định tạm ngưng việc săn bắt cá voi lưng gù. Theo Hãng tin BBC thì Nhật Bản có thể ngưng việc săn bắt loại cá voi này trong vòng một năm. Còn việc săn các loại cá voi khác thì vẫn tiếp tục.

Lập trường của người Nhật càng rõ ràng hơn khi vào ngày 24.1, đích thân Thủ tướng Yasuo Fukuda lên tiếng bảo vệ việc săn cá voi ở khu vực quanh Nam Cực. Thủ tướng Fukuda nói ông biết có sự phản đối nhằm vào hoạt động “săn cá voi vì mục đích khoa học” của Nhật Bản nhưng ông khẳng định rằng nước Nhật không hề vi phạm một luật lệ nào. “Tôi không cho rằng việc chuyển cuộc tranh luận thành những hành động đầy cảm tính, đặc biệt là các hành động bạo lực đối với đội tàu nghiên cứu của Nhật vừa qua, là đúng đắn. Nếu cứ hành động như vậy thì tình hình sẽ càng phức tạp hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích để mọi người hiểu rõ việc đánh bắt cá voi này được thực hiện vì mục đích khoa học”, BBC dẫn lời Thủ tướng Fukuda.

Lời của ông Fukuda cho thấy người Nhật Bản vẫn giữ lập trường của mình, đó là việc săn bắt cá voi của họ chỉ nhằm mục đích khoa học và không vi phạm luật pháp quốc tế. Trước mắt, bất chấp sự phản đối của nhiều nước và tổ chức, người Nhật vẫn đánh bắt cá voi. Họ dự định sẽ giết khoảng 1.000 con cá voi trong mùa đánh bắt kéo dài tới tháng 4.2008.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.