Cựu Tổng thống Indonesia Suharto qua đời

Cựu Tổng thống Indonesia Suharto qua đời

27/01/2008 22:47 GMT+7

Ngày 27.1, cựu Tổng thống Indonesia Suharto đã qua đời ở tuổi 86 sau khi bị suy đa cơ quan lần thứ hai trong tháng này.

"Tổng thống thứ hai của Indonesia Haji Muhammad Suharto đã qua đời vào lúc 13 giờ 10 phút", Hãng tin BBC dẫn lời sĩ quan cảnh sát cao cấp Dicky Sondani nói với các phóng viên tại Bệnh viện Pertamina ở Jakarta. Ông Suharto luôn trong tình trạng đau yếu kể từ ngày 4.1, khi ông phải nhập viện để chữa trị các vấn đề liên quan đến thận, tim và phổi. Các bác sĩ đã kéo dài sự sống của ông bằng cách truyền máu và dùng máy thở, nhưng tình trạng sức khỏe của ông trở nên tồi tệ hẳn vào cuối tuần.

Toàn bộ 6 người con của ông Suharto, nhân vật cầm quyền trong 32 năm trước khi bị lật đổ vào năm 1998, đều có mặt ở bệnh viện vào lúc ông qua đời. Binh lính và cảnh sát đã buộc phải đẩy lui những đám đông người ủng hộ ông Suharto để dọn đường cho xe cứu thương chở thi thể ông Suharto rời bệnh viện về nhà ở trung tâm Jakarta, trước khi đưa đến Solo ở miền trung Java vào sáng nay để tiến hành tang lễ. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã chủ trì buổi cầu nguyện ông Suharto. Ông Yudhoyono nói rằng đây là lúc tri ân ông Suharto vì "những hành động phục vụ đất nước" và kêu gọi người dân Indonesia cầu nguyện cho ông Suharto. Chính phủ Indonesia cũng tuyên bố một tuần lễ quốc tang. Về phần mình, con gái cả của ông Suharto, bà Siti Hariyanti "Tutut" Rukmana đã cầu mong người dân Indonesia tha thứ cho cha của bà "nếu ông ấy có lỗi lầm gì".

Những thời điểm đáng lưu ý của ông Suharto:

- Chào đời tại Java vào tháng 6.1921

- Nắm quyền vào năm 1966 sau khi lật đổ Tổng thống Sukarno

- Thực hiện các chương trình hiện đại hóa vào thập kỷ 70 và 80, cải thiện mức sống ở Indonesia

- Ra lệnh thôn tính Đông Timor vào cuối năm 1975

- Khủng hoảng tài chính châu Á tác động đến Indonesia vào thập niên 90, giá cả tăng vọt và sự bất mãn buộc ông Suharto từ chức vào tháng 5.1998

- Các thẩm phán ra phán quyết ông không thể ra tòa để bị xét xử về tội tham nhũng vào năm 2000

- Tổ chức Minh bạch Quốc tế đặt ông vào vị trí hàng đầu trong danh sách những người tham nhũng nhất mọi thời đại vào tháng 3.2004.

Ông Suharto lên cầm quyền vào năm 1966 sau khi lật đổ vị tổng thống đầu tiên của Indonesia, ông Sukarno. Những thành công về kinh tế lớn lao trong thời kỳ ông cai trị bị che mờ bởi những hành động đàn áp chính trị đẫm máu, vi phạm nhân quyền và tham nhũng trên quy mô lớn. Hãng tin AP dẫn lời các tổ chức nhân quyền và LHQ cho biết phần lớn những vụ tàn sát chính trị xảy ra vào những năm đầu ông nắm quyền hành, với ít nhất nửa triệu đảng viên cộng sản và những người có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản bị sát hại. Những năm sau đó, khoảng 300.000 người bị giết, mất tích hoặc bị giam cầm ở các khu vực như Đông Timor, Aceh và Papua. Dù ông Suharto đã giúp cho nước này có được sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ khiến nhiều quốc gia đang phát triển phải ghen tị với Indonesia, nhưng hàng tỉ USD đã rơi vào túi của những bạn bè và thân nhân của ông khi nạn tham nhũng và tình trạng "con ông cháu cha" trở nên phổ biến. Cuối cùng, ông bị lật đổ sau hàng loạt vụ bạo động và biểu tình ủng hộ dân chủ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

Sau khi rời khỏi dinh tổng thống, ông Suharto sống âm thầm ở Jakarta và thường xuyên nhập viện rồi xuất viện. Dù ông bị buộc tội biển thủ khoảng 600 triệu USD trong suốt hơn 3 thập kỷ cầm quyền, nhưng ông không phải ra tòa xét xử do sức khỏe kém. Các bác sĩ cho biết hai cơn đột quỵ đã khiến ông bị tổn thương não vĩnh viễn. Những nỗ lực đưa ông ra trước công lý về những tội ác vi phạm nhân quyền ở Đông Timor, Aceh và Papua cũng gặp khó khăn do thiếu bằng chứng. Những ý kiến trong dư luận ở Indonesia về thời kỳ cai trị của ông Suharto hiện rất khác nhau. 

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.