Titan ở Việt Nam - Kỳ 1: Trên bản đồ titan thế giới

28/01/2008 23:47 GMT+7

Titan được xem là vật liệu của tương lai. Ngành công nghiệp khai thác titan non trẻ của Việt Nam đang ở đâu trên lộ trình phát triển?

Tại Hội nghị Titan toàn cầu với chủ đề "Tiêu điểm châu Á" được tổ chức cuối năm 2007 tại Singapore, Việt Nam có hai đoàn đại biểu đến từ Tổng công ty Khoáng sản - Thương mại Hà Tĩnh và Công ty Đất Quảng - Chu Lai. Tham dự hội nghị có 260 nhà nghiên cứu, đầu tư, khai thác, chế biến titan của 230 đơn vị đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một "rừng" sách về titan được bày bán rộng rãi tại chỗ cũng làm họ choáng ngợp. Giá không hề rẻ: bình quân mỗi cuốn 100 trang xấp xỉ 10.000 USD, nếu mua trọn bộ tốn chừng 1 triệu USD! Do ngành chế biến titan Việt Nam còn mới mẻ, các đại biểu Việt Nam không trình bày tham luận mà chủ yếu lắng nghe, trao đổi học hỏi, hầu định hướng đầu tư, tìm ra những hướng đi để xây dựng ngành titan Việt Nam trong tương lai phát triển bền vững. 


Khoáng vật titan lẫn trong cát biển - ảnh do kỹ sư Tai H.Do cung cấp

Trước đó, từ đầu năm 2007, Bộ Công nghiệp đã đệ trình Chính phủ phương án quy hoạch ngành titan Việt Nam và tháng 7.2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng titan giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến 2025. Theo đó, trữ lượng quặng titan Việt Nam, bao gồm quặng sa khoáng và quặng gốc đã xác định và dự báo khoảng 34,5 triệu tấn. Đi kèm quặng sa khoáng titan còn có quặng zircon với trữ lượng khoảng 3,6 triệu tấn. Khu vực hoạt động được Chính phủ phê duyệt bao gồm các vùng: Thái Nguyên, Thanh Hóa - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế, Bình Định - Phú Yên, Bình Thuận - Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong số đó có 8 khu vực đã có dự án đầu tư thăm dò với tổng vốn giai đoạn 2007 - 2010 là 64 tỉ đồng. Quyết định nhấn mạnh: đảm bảo thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên titan tiết kiệm, có hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với việc bảo vệ an ninh, quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản titan. Khai thác, chế biến quặng titan một cách đồng bộ đến chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu, giảm dần và dừng xuất khẩu quặng tinh vào thời gian thích hợp và gần nhất.

Nguyên tố titan tuy chiếm tỷ lệ cao trong vỏ trái đất (0,6%), nhiều hơn gấp 6 lần carbon (0,1%) nhưng việc tách nó ra khỏi các hợp chất rất khó nên titan vẫn là kim loại hiếm.

Titan có những ưu việt mà không kim loại nào có: nhẹ, chịu nhiệt, ít ăn mòn hóa học, độ cứng cao nhưng vẫn giữ độ dẻo khá. Những chi tiết, thiết bị chế tạo bằng titan đáp ứng mọi yêu cầu trong công nghiệp dân dụng lẫn công nghiệp hàng không, vũ trụ và công nghiệp quân sự.

Kỹ sư cao cấp Tai H. Do, một người Mỹ gốc Việt, hiện là chuyên gia tư vấn về công nghệ hàng không và không gian của Tập đoàn Alcoa (Mỹ), người từng đề xuất trên Báo Thanh Niên chiến lược 8 điểm phát triển bền vững titan tại Việt Nam, khá vui mừng trước quyết định này. Ông cũng được tin về sự kiện đại diện Việt Nam đã có mặt tại Hội nghị Titan toàn cầu mà đúng ra ông đã dự nếu sắp xếp được thời gian. Theo ông, điều này cho thấy, ngành công nghiệp non trẻ nhiều tiềm năng này của Việt Nam bắt đầu hội nhập, xuất hiện trên bản đồ titan thế giới dù còn khiêm tốn. Ông nói: "Trong tương lai không xa, khi quặng titan Việt Nam được tinh luyện thành sản phẩm titan 6Al- 4V, chúng đủ khả năng làm ra cơ phận khớp nối do tôi và cộng sự sáng chế đang được sử dụng trên máy bay thân rộng A380". 

Theo ông Nguyễn Thượng Đắt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đất Quảng, sơ bộ đánh giá thì trữ lượng titan của VN chiếm khoảng 5% tổng trữ lượng titan thế giới, đứng sau Canada, Mỹ, Na Uy, Ấn Độ và Úc. Cùng với sự hội nhập của đất nước, các ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ tạo ra nhu cầu về khoáng chất công nghiệp - đặc biệt những sản phẩm từ quặng titan đang có tốc độ tăng trưởng rõ rệt. Trong vài năm gần đây nhu cầu về bột Zircon siêu mịn và bột màu TiO2 pigment tăng trung bình 15%/năm. Hiện nay nguồn nguyên liệu này đang phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá trị mỗi năm lên đến trên 40 triệu USD. Chính vì thế tài nguyên khoáng sản titan là một trong những tiềm năng lợi thế của nước ta. "Vấn đề là chúng ta cần phải khai thác, chế biến thế nào để vừa đạt được mục đích phát triển kinh tế mà vẫn tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và quan trọng hơn là phát triển một cách bền vững, đúng theo tinh thần quyết định về quy hoạch ngành titan do Thủ tướng đã ban hành" - ông Đắt nói (còn tiếp).

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.