1. Sau 6 lần xuôi ngược đò giang từ thị xã Hội An vượt Cửa Đại - điểm cuối của dòng Thu Bồn chảy ra biển lớn, tôi mới gặp được mẹ và hai em của kiến trúc sư tương lai Trần Văn Đào. Đó là một buổi sáng chủ nhật, trời dịu nắng sau nhiều tháng mưa dầm dề. Bà Phạm Thị Bảy, mẹ Đào đang loay hoay giê một đống lúa vừa thu hoạch từ hai sào ruộng hiếm hoi đối với dân miền biển. Ruộng ít, lại chỉ gieo được một mùa duy nhất trong năm. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, năng suất giảm 1/3, đa phần còn lại lép xẹp bay tứ tán trước cơn gió nhẹ. Cô em gái đang học lớp 10 xin phép mẹ, chào khách, rồi tất tả đạp xe đến bến đò, sang sông trọ học. Bà Bảy nói: "Mỗi tuần nó về một lần. Mỗi lần về là một lần lo. Ngày xưa thằng Đào cũng vậy. Ba năm học THPT là ba năm nó ở trọ. Cũng may cháu nó chịu khó học, an ủi gia đình phần nào. Thấy các con học được, dù gia cảnh khó khăn, chồng tôi cũng cố đi biển để các cháu không bỏ học nửa chừng. Mới đi nửa năm thì...". Nói xong bà rưng rưng xúc động. Tháng 5.2006, tin dữ từ biển xa bay về, cả ba và bác ruột (bà nội Đào có hai con trai) mất xác giữa lòng biển khơi. Nỗi đau đến quá đỗi bất ngờ, tác động lớn đến việc học hành của anh em Đào. Nén lòng, đến ngày ứng thí, Đào lặn lội vào TP.HCM thi vào trường kiến trúc. Dù rất cố gắng, nhưng em cũng chỉ đạt được 15 điểm. Rớt. Ở quê ai cũng nghĩ, vậy là ước mơ làm kiến trúc sư của thằng này tan như bọt biển!
2. Nhận giấy báo, Đào buồn lắm. "Ngày nào nó cũng ra bờ biển nhìn tuốt đâu đâu. Suốt hai ba tháng liên tục như vậy, tui lo lắm. Mấy đứa bạn đến rủ nó đi tàu, theo nghề biển như cha, như bác nó, chứ ở nhà buồn thêm. Tui đâm lo, có lẽ nó sẽ theo bạn lên tàu. Nào ngờ, bữa nọ nó tươi tắn hẳn, gói đồ, rồi nói: mẹ cho con lên thị xã Hội An ôn thi lại. Báo Thanh Niên lập quỹ học bổng giúp con nạn nhân bão Chanchu học hết đại học. Con sẽ cố gắng đi thi. Tui nghe nó nói rứa, mừng quá trời! Ước vọng của chồng chỉ mong con cái học hành đến nơi đến chốn mà chú. Cực thì mình đã xác định rồi, nhưng con cái học được thì cha mẹ nào nỡ bắt nó phải nghỉ" - bà Bảy vừa kể vừa khóc.
Trao học bổng cho con nạn nhân bão Chanchu - Ảnh H.T
3. Lại đi trọ học. Hết tuần này đến tuần khác, hết đông tới hè, Đào chăm chỉ đạp xe từ nhà lên Hội An, rồi từ Hội An đạp ra Đà Nẵng tìm thầy ôn luyện... Đợt tuyển sinh năm 2007 - 2008, lại khăn gói vào Sài Gòn. Lần này, Đào đã vượt qua đợt sát hạch gay go để trở thành tân sinh viên trường kiến trúc với số điểm 22. Con đường sáng mở ra dưới đôi chân người con trai ngư dân vùng cát Duy Hải. Nghe tin Đào thi đỗ vào trường kiến trúc, nhiều người dân ở xã hết sức hân hoan. Bà Bảy vui mừng xen lẫn âu lo, giấu mãi mà nước mắt cứ trào ra. "Có hai sào ruộng, làm một mùa lúa trúng lắm cũng thu 15 - 20 ang. Xong vụ, quay ra trồng khoai, sao mà nuôi nổi nó đi học đại học. Cũng may đầu năm có tiền từ quỹ của báo, chứ không tui chẳng biết lấy ở đâu mà lo cho mấy con" - bà tâm sự.
4. Cứ vào mùa khai giảng năm học, Báo Thanh Niên lại tổ chức trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho con nạn nhân bão Chanchu. Số lượng học sinh nhận học bổng mỗi năm đều tăng. Đặc biệt có nhiều em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Số tiền chi ra năm sau cao hơn năm trước càng làm tăng niềm vui của những người sáng lập và điều hành quỹ. Bởi chúng tôi biết rằng, nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của quỹ học bổng, rất nhiều em đã vượt qua khó khăn, mất mát, vươn lên trong học tập. Và minh chứng rõ ràng, thuyết phục nhất chính là khát khao cháy bỏng, nỗ lực tuyệt vời của Trần Văn Đào.
5. Tôi, mồ côi từ năm lên 10. Thời phổ thông, ngồi nhờ xe đạp ngang của bạn đưa đến lớp. Tốt nghiệp đại học ba năm còn nợ học phí của trường nên thấu hiểu khó khăn, vất vả của những người vì nhiều lý do nào đó phải chịu cảnh mồ côi. May mắn, khóa tôi học là năm cuối hệ học phần nên chuyện nợ nần cũng tương đối dễ. Còn bây giờ, học tín chỉ, học phí giục sau lưng... Chiều cuối năm, tâm sự với tôi qua điện thoại, Đào nhỏ nhẹ: "Ước mơ của em là trở thành kiến trúc sư. Dù nhà khó lắm, nhưng em phải cố học thật giỏi". Đầu năm học, đến các trường ở Quảng Nam, Đà Nẵng trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho con nạn nhân bão Chanchu, tôi đều nghe các em nói thiệt lòng: "Bọn con cố gắng học giỏi để không phụ niềm tin của Báo Thanh Niên".
Hữu Trà
Bình luận (0)