Hữu Châu miên man tình già

28/01/2008 22:54 GMT+7

Cứ mỗi mùa kịch Tết, khán giả lại gặp Hữu Châu trong vai người tình già. Nghe Hữu Châu tự sự về bạn nghề, chuyện nghề, sẽ thấy những vai diễn ấy đã lắng đọng trong anh nhiều tâm tư, nỗi niềm với đời, với nghề.

"Tết này, tôi có hai vai thì cả hai đều là vai người tình già: ông Tư bún mắm trong vở Cũng cần có nhau (Sân khấu 7 Trần Cao Vân), và ông giáo sư trong vở Yêu đi thôi (Sân khấu IDECAF). Tính ra hơn mười năm nay, tôi đã đóng trên 40 vai người tình già. Thời còn ở sân khấu mini Hòa Bình, tôi đóng cặp với má Ngọc Giàu, sau đó là với những bà bồ bà vợ khác như các chị Tú Trinh, Kim Xuân, Ngọc Đáng, Phi Phụng, Diệu Đức... Trong đó, người đóng cặp ăn ý nhất, tình tứ nhất, người mà trên sân khấu tôi có thể ôm vào lòng một cách thoải mái là chị Tú Trinh. Chúng tôi rất hiểu ý nhau, hôm nào tôi thấy mệt thì chị Tú Trinh hiểu ý để nương, còn chị Tú Trinh mệt thì tôi cũng hiểu để nương. Đóng vai cặp tình nhân Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ trong Bí mật vườn Lệ Chi cũng vậy. Sau này, Hồng Ánh vào vai Thị Lộ có cái hay riêng của Hồng Ánh, nhưng chỉ khi diễn với chị Tú Trinh, mới nhìn vào mặt nhau đã thấy cảm xúc thật trọn vẹn, nước mắt rưng rưng...

Sau chị Tú Trinh là má Ngọc Giàu. Diễn với má Ngọc Giàu có cái sướng là chỉ mới nghe giọng má là đã được khơi gợi cảm xúc rồi. Dĩ nhiên, đóng với má Ngọc Giàu thì thường chỉ là ngồi bên nhau, nói chuyện hoặc nắm tay thôi, không có những cảnh âu yếm, tình tứ như với chị Tú Trinh hay những bạn diễn khác.

Ngay hồi còn học trong trường, từ năm thứ hai tôi đã "chuyên trị" vai tình già. Tôi không cố ý theo con đường này, nhưng lúc đó thầy cô cứ khen, còn sau này thì các đạo diễn cứ mời... Nhiều vai cứ diễn đi diễn lại cả trăm lần. Để cảm xúc không mòn, tôi thường vén màn nhìn xuống sân khấu, tìm những cặp tình nhân nào đẹp đôi, và nghĩ rằng đêm nay, tôi sẽ diễn câu chuyện tình này tặng riêng cho cặp tình nhân ấy...

Bởi phải diễn nhiều vai tình già, tôi buộc phải tìm cách làm cho những nhân vật ấy có những cung cách khác nhau. Tôi tập thói quen quan sát: khi gặp các mẫu người già đặc biệt hay lạ lạ, tôi lại "cất" mọi cử chỉ, hành động, biểu hiện... của họ vào bộ nhớ để làm tư liệu. Bởi vì, tuy cùng là người già nhưng cái lưng còng của một người cả đời khuân vác phải khác cái lưng còng của một người chuyên ngồi trong phòng để nghiên cứu. Ông Út Hoa trong vở Tiếng vạc sành là một người nông dân hay khiêng vác lúa nên khi diễn, tôi cố ý cho cái chân hơi bị niễng. Còn ông Thôi Ứng trong Thử yêu lần nữa là thợ bạc nên tôi cố ý để ông hễ cầm cái gì cũng táy máy, tỉ mỉ săm soi... Khán giả bây giờ tinh lắm, họ nhận ngay ra điều đó. Mà nghệ sĩ nếu đi xem nhau diễn, cũng quý nể nhau qua những chi tiết như vậy.

Tôi hay đọc sách sử ta, sử Tàu, chuyện lịch sử ngấm vào người cho nên tôi dễ cảm nhận được tình yêu của ông bà mình thời xưa. Tôi thấy ông bà mình ngày xưa yêu nhau không chỉ bằng trái tim mà bằng cả cái tâm. Họ rất tôn trọng bạn tình của mình, làm gì cũng sợ bạn tình phật ý, không vừa lòng. Cuộc sống cá nhân của tôi cũng có nhiều nỗi niềm, nên khi diễn những vai bi kịch, có khi không phải là nhân vật khóc mà là chính tôi rơi nước mắt trên sân khấu.

Nghệ sĩ ảnh hưởng nhiều nhất đối với tôi chính là nghệ sĩ Bảy Nam. Tôi học hỏi nhiều từ cách diễn của ngoại Bảy Nam, đó là khi thoại, lời nói không phải từ cổ họng mà phải là từ trong ruột gan mình. Nên tôi ghét cái kiểu diễn viên trên sân khấu cứ lềnh lềnh, hềnh hệch một cách nhợt nhạt, hời hợt. Gia đình tôi ăn cơm tổ hơn 70 năm rồi nên tôi đâu được phép lơ là, mà luôn thấy mình phải có trách nhiệm trong từng vai diễn. Tôi luôn nói với các em nghệ sĩ trẻ: "Các em đừng làm cho mọi người tưởng rằng nghề diễn viên là một nghề dễ dàng. Phải diễn sao để mình thì mệt không ra hơi mà khán giả lại sướng, đó mới gọi là diễn".

Ngày còn trẻ, tôi cũng có nhiều thói hư tật xấu lắm. Nhưng may mắn là thập niên 1980 tôi về Đoàn kịch Kim Cương, được gần gũi với những nghệ sĩ tài năng, đầy tư cách. Chính họ đã dạy cho tôi tình yêu nghề, trách nhiệm với nghề. Tôi còn nhớ như in, khi ấy ngoại Năm Sa Đéc đã già yếu, lúc diễn vở Lá sầu riêng tôi phải dìu ngoại từ phòng phục trang ra cánh gà. Vậy mà, vừa bước ra sân khấu là ngoại bước đi nhanh nhẹn, hùng hổ quát tháo trong vai một bà hội đồng nanh ác. Chao ôi, chao ôi, lúc đó tôi cũng sướng như điên. Năm ấy ngoại Năm Sa Đéc đã tám mươi tuổi, ngoại Bảy Nam khoảng bảy mươi tám, vậy mà...

Nên bây giờ, nếu cho tôi một điều ước thì tôi ước rằng lúc về già, tôi mong vẫn diễn được như ngoại, như má!".

Quang Thi (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.