Vụ Trịnh Tiêu Du, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm quốc gia bị tử hình được Tân Hoa Xã xếp vào vị trí số 1 trong danh sách những vụ án "nặng ký" của năm 2007. Khi còn đương chức, ông Trịnh đã tham ô trực tiếp hoặc thông qua vợ và con số tiền tương đương 850.000 USD. Vào ngày 22.6.2007, Tòa án tối cao Bắc Kinh đã tuyên án tử hình đối với Trịnh Tiêu Du vì tội tham ô, lơ là trách nhiệm khiến thuốc giả được lưu thông với số lượng lớn, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Ngày 10.7.2007, Trịnh Tiêu Du bị xử tử.
Xếp tiếp theo là vụ Hà Mẫn Húc, nguyên Phó chủ tịch tỉnh An Huy, tham ô gần 1,2 triệu USD từ năm 1991 đến 2006. Hà Mẫn Húc sinh năm 1955, người huyện Nghi Thủy, tỉnh Sơn Đông, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đảng Cộng sản và chính quyền các cấp tại An Huy và Chiết Giang. Sau khi dân chúng nộp đơn kiện vào đầu năm 2006, cảnh sát đã tiến hành điều tra và phát hiện Hà cùng tay chân đã có hàng loạt hành vi sai trái nhằm trục lợi ở hầu hết các địa phương mà ông ta từng công tác.
Theo Tân Hoa Xã, Hà đã nhận hối lộ của 27 đơn vị và cá nhân, trong đó phần lớn để giúp họ thăng chức hoặc điều động công tác. Ngoài việc bán chức quyền, việc cấu kết với các công ty bất động sản, xin đất công thành đất riêng hoặc xin những đặc ân trong xây dựng cũng là một nguồn hái ra tiền của vị quan tham này. Dưới lớp vỏ một "vị quan trẻ tuổi có năng lực, dám nghĩ dám làm", Hà Mẫn Húc còn là một kẻ háo sắc với vô số người tình rải rác ở các thành phố cùng "tiếng xấu" nổi khắp nơi là "có mới nới cũ", "dám chi mạnh bao người tình". Ngày 27.12.2007, Tòa án tỉnh Sơn Đông đã tuyên tử hình Hà Mẫn Húc với ba tội danh chính: tham ô, lạm dụng chức quyền, tác phong sinh hoạt hủ bại.
Vụ Đoạn Nghĩa Hòa (61 tuổi), nguyên Bí thư thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông, đam mê nữ sắc, nổ bom giết người tình cũng là vụ án chấn động Trung Quốc. Đoạn Nghĩa Hòa xuất thân nghèo khổ, cần cù học tập, được lòng dân bởi tính bình dị, hòa nhã, dễ gần. Mỗi lần ông ta về quê thăm gia đình đều được dân chúng đón mừng. Chỉ sau khi dính vào người tình trẻ trung 31 tuổi Liễu Hải Bình, những ngày tháng đẹp của Đoạn không còn nữa. Để đáp ứng lòng tham vô đáy của người tình, tháng 4.2006, Đoạn đã bỏ ra số tiền tương đương 110.000 USD để mua một căn hộ rộng hơn 130m2 và một chiếc xe hơi cho cô Liễu. Cũng trong thời gian này, cô Liễu luôn thúc giục ông Đoạn kết hôn.
Tuy nhiên, Đoạn không nhất trí vì hai vợ chồng ông đều là bạn thanh mai trúc mã, đồng cam cộng khổ nhiều năm. Cô Liễu tuyên bố rằng hai năm trước, vì muốn bảo vệ hình tượng của ông và để dẹp yên dư luận, cô vội vàng lấy một bác sĩ nhưng vẫn duy trì quan hệ tình ái với ông Đoạn. Sau khi bị chồng phát hiện và ly hôn, cô Liễu cả quyết đứa con trai của cô cũng là con ông Đoạn, nhưng ông này phủ nhận. Điên tiết vì không ép được ông Đoạn bỏ vợ lấy mình, cô Liễu yêu cầu phải được bồi thường khoản tiền tương đương gần 1,4 triệu USD và đâm đơn kiện khi không được đáp ứng. Ông Đoạn đành phải xuống nước đền bù và nảy sinh ý định giết người bịt miệng do cô Liễu biết quá nhiều chuyện.
Theo kết quả điều tra, trong suốt 13 năm quan hệ với cô Liễu, ông Đoạn đã mua cho cô 4 căn hộ cao cấp, 2 chiếc xe hơi, giúp đỡ bố mẹ và em gái của người tình trở thành cán bộ nhà nước... Để có tiền bao bọc người tình và cả nhà cô ta, ông Đoạn không từ bất cứ thủ đoạn kiếm tiền nào. Để không bị lộ, ông Đoạn sai Trần Chí - cháu rể làm công an, từng chịu nhiều ơn của ông - nhận nhiệm vụ giết cô Liễu với kế hoạch rất tinh vi. Ngày 9.7.2007, Trần Chí bí mật cài bom tự tạo trên xe cô Liễu, gây nên vụ xe nổ kinh hoàng trên đường phố Tế Nam. Cô Liễu chết trên đường đến bệnh viện.
Chỉ sau 48 tiếng đồng hồ, Trần Chí bị bắt ở đảo Hải Nam với tấm vé máy bay định trốn sang Hồng Kông. Tại nhà cô Liễu, người ta tìm được khá nhiều chứng cớ về mối quan hệ giữa cô với ông Đoạn như tin nhắn điện thoại, hình chụp chung và bức thư phòng thân của cô Liễu gửi lại cho gia đình với lời nhắn "Nếu con có mệnh hệ gì, đều do Đoạn Nghĩa Hòa gây ra". Trước những bằng chứng không thể chối cãi, ông Đoạn đành cúi đầu chịu tội. Và vào tháng 9.2007, tòa đã tuyên án tử hình vị quan chức tha hóa này.
Các quan tham được "điểm danh" tiếp theo là Triệu Chiêm Kỳ và Tần Dụ. Vào ngày 10.7.2007, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Châu tỉnh Chiết Giang đã ra phán quyết tử hình Triệu Chiêm Kỳ - nguyên Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Chiết Giang - vì tội nhận hối lộ tương đương 900.000 USD. Từ năm 1994-2006, ông Triệu đã đích thân hoặc cử người tâm phúc nhận nhiều khoản hối lộ của các đơn vị xây dựng với danh nghĩa "tiền tư vấn", "tiền cho vay", "tiền chạy dự án".
Đến ngày 20.12.2007, Tòa án tỉnh Cát Lâm đã xử vụ án tham ô của Tần Dụ - nguyên Chủ tịch quận Bảo Sơn, thành phố Thượng Hải, sau khi ông này nhậm chức trên được một tháng. Sinh năm 1964, Tần Dụ từng tốt nghiệp thạc sĩ khoa Triết Đại học sư phạm Hoa Đông, được giữ lại trường làm giảng viên. Từ tháng 1.1995, Tần có cơ hội vào làm việc trong Thành ủy Thượng Hải và bắt đầu con đường thăng quan tiến chức. Từ tháng 4.1998 tới tháng 6.2006, ông Tần đã nhận hối lộ lên tới con số khoảng 900.000 USD. Vụ phanh phui hoạt động đen tối của Tần Dụ khiến nhiều người hết sức bất ngờ vì vỏ bọc hằng ngày của ông ta quá chắc chắn và tinh xảo, lại có ô dù che chở. (Còn tiếp)
Nguyễn Lệ Chi
Bình luận (0)