Xuất thân trong một gia đình giàu có, công tử con một Hoàng Châu Ký thừa hưởng tình yêu dành cho tuồng từ cha, một nhà nho yêu nước tham gia khởi nghĩa Trần Cao Vân - Thái Phiên nhưng thất chí, rất say mê hát bội nên từng bỏ nhà đi theo giảng văn học cho gánh hát. Hoàng Châu Ký có một thời niên thiếu rất phong lưu: làm thơ, viết kịch, diễn kịch, chơi bóng đá, bóng bàn, tập võ ta, quyền Anh, lên cả võ đài... Có thể nhờ được trang bị đầy đủ kiến thức phong phú của cuộc sống nên ông đã thành một thanh niên đầy lý tưởng, tham gia cách mạng từ năm mười sáu tuổi, khi đang học Thành Chung ở Đà Nẵng. Năm 1942 ông vào Đảng thì năm sau đã bị bắt đưa ra xử ở Hà Nội rồi bị giam vào Hỏa Lò. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông về Quảng Nam, tổ chức cướp chính quyền ở mỏ than Nông Sơn, là Bí thư huyện Quế Sơn, Tiên Phước, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Phước Sơn. Ông đã cấp công cụ làm nông, thuốc sốt rét cho dân, dạy nghề rèn, dạy chữ cho họ, và dân vùng thượng du này đã lấy họ Hoàng của ông làm họ của làng mình.
Tình yêu hát bội trong người dân Khu 5 đã bị thử thách, khi nghệ thuật này bị quy là thứ nghệ thuật chỉ toàn đề cập đến bọn công-hầu-khanh-tướng, và bị cấm ở các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Tại Quảng Nam, Ty Thông tin tuyên truyền do Phan Thao phụ trách vẫn tuyên bố nghệ thuật tuồng là của dân tộc, chỉ cấm diễn những vở phản cách mạng và mê tín dị đoan. Năm 1950, Quảng Nam tổ chức hội thảo, kết luận tuồng là vốn quý của dân tộc, đề cao trung-hiếu-tiết-nghĩa, và năm 1952 Đoàn tuồng Khu V được thành lập, giao cho Hoàng Châu Ký phụ trách.
Tháng 5.1955 trên chuyến tàu cuối cùng, ông đã đưa đoàn này tập kết ra Bắc. Ông trở thành thành viên sáng lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và là tổng thư ký đầu tiên của Hội. Ông cũng là người xây nền móng cho trường Nghệ thuật sân khấu và trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường. Khi Nhà hát Tuồng thành lập, ông nghiễm nhiên trở thành giám đốc. Sau khi nước nhà thống nhất, ông về Đà Nẵng, lập trường Trung cấp Nghiệp vụ văn hóa miền Trung, và khi Viện Nghệ thuật sân khấu ra đời năm 1980, ông lại được điều ra làm viện trưởng. Về hưu năm 1992, sống ở Đà Nẵng, ông lại lập Hội Bảo trợ tuồng ở Đà Nẵng, và làm công trình nghiên cứu hát bội cho TP.HCM.
Tác phẩm của Giáo sư Hoàng Châu Ký gồm: Kịch bản tuồng: Ông Ích Khiêm, Nguỵễn Huệ, Quang Trung, Vua Duy Tân, Trưng Nữ vương, Nguyễn Duy Hiệu...; Nghiên cứu: Lịch sử tuồng (1973), Khảo cứu về Nghêu Sò Ốc Hến (1961), Tuồng cổ (1976)...; chỉnh biên các vở: Ngọn lửa Hồng Sơn, Nghêu Sò Ốc Hến... |
Sâu trong trái tim của con người say mê hát bội mang tên Hoàng Châu Ký vẫn còn nhiều nỗi lo, nỗi buồn, khi buộc phải thừa nhận một sự thực cay đắng: sân khấu tuồng - chèo đang bị lãng quên một cách đầy phung phí. Là một nước nhỏ sát cạnh một nước lớn, người Việt Nam qua hàng nghìn năm luôn phải tìm cách tự khẳng định mình, trong đó văn hóa là yếu tố cực kỳ quan trọng. Không chấp nhận sự sao chép, không đồng ý cái nhìn phiến diện dành cho văn hóa Việt Nam, những người con trí thức của dân tộc cứ canh cánh nỗi lo về sự mai một những giá trị văn hóa truyền thống, khiến một ngày kia, con cháu không còn biết bám vào đâu để giữ được bản sắc riêng của mình.
"Phương Tây xây dựng riêng kịch nói, kịch nhạc, kịch múa; còn phương Đông xây dựng kịch nói có nhạc, có múa, lấy kịch làm trung tâm. Triết học của phương Đông là âm dương ngũ hành, cũng như triết học Phật giáo là những minh triết. Tuồng là nghệ thuật phát xuất từ triết lý ấy, trải qua bao năm tháng đã xây dựng hoàn chỉnh, hài hòa các yếu tố cấu thành, có sức biểu hiện sâu sắc tâm tư con người. Muốn cải tiến phải am hiểu nguyên lý ấy". Đó là cái nhìn của GS Hoàng Châu Ký đối với nghệ thuật tuồng, một nghệ thuật cao cấp đúng nghĩa.
Tuổi tác như không tác dụng mấy đối với con người đầy sinh lực nghệ thuật này. Trong bất cứ cuộc tụ hội đông người nào, chỗ nào có mặt ông già Hoàng Châu Ký là chỗ ấy vang lên nhiều tiếng cười nhất. Và không chỉ tiếng cười. Còn cả những kiến thức, những trăn trở, còn vô số những việc muốn làm cho văn hóa - cho lớp trẻ, mà ông chưa có điều kiện và không còn thời gian thực hiện.
Phải nhìn thấy GS Hoàng Châu Ký diễn giảng về tuồng, nghe ông hát, xem ông múa, nhìn ông gõ trống..., người ta mới hiểu vì sao ông chưa bao giờ phôi phai tình yêu dành cho nghệ thuật này, một loại hình mà theo nhận xét của nhà nghiên cứu nổi tiếng người Ba Lan K.S.Mickievich: "Tôi đã gặp cả Shakespeare lẫn B.Brecht trên sân khấu cổ truyền Việt Nam".
Tin buồn Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Chồng, cha, ông chúng tôi là Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Châu Ký, sinh ngày 16.5.1921 tại Kim Bồng, Hội An, Quảng Nam, sau thời gian lâm trọng bệnh đã từ trần tại tư gia 464/6B Trưng Nữ Vương, TP Đà Nẵng vào lúc 13 giờ 20 phút, ngày 31.1.2008 (nhằm ngày 24 tháng chạp, năm Đinh Hợi), hưởng thọ 87 tuổi. Lễ nhập quan vào lúc 1 giờ ngày 1.2.2008 (ngày 25 tháng chạp năm Đinh Hợi). Lễ viếng từ 7 giờ sáng ngày 1.2.2008 (ngày 25 tháng chạp năm Đinh Hợi). Di quan: Lúc 6 giờ ngày 2.2.2008 (ngày 26 tháng chạp năm Đinh Hợi). An táng lúc 8 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Nhân dân, thành phố Hội An. Bà quả phụ Phạm Thị Cưu cùng con, cháu, chắt đồng kính báo. *** Được tin cụ Hoàng Châu Ký, thân sinh của anh Hoàng Hoài Sơn - quyền Trưởng ban Thanh Niên tuần san - từ trần, Ban biên tập cùng toàn thể cán bộ, phóng viên Báo Thanh Niên xin chia buồn cùng anh Hoàng Hoài Sơn và gia quyến. |
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)