Hai lần giỏi nhất nước Anh

05/02/2008 10:03 GMT+7

Tháng 7.2007, 30 trường đại học hàng đầu Anh quốc đã bầu chọn Nguyễn Chí Hiếu là Sinh viên giỏi nhất nước Anh. Đây cũng là lần thứ hai trong vòng 3 năm (2004-2007), chàng sinh viên tuổi Tý (sinh năm 1984) quê Bình Định được vinh danh tại xứ sương mù.

Nguyễn Chí Hiếu luôn khiêm tốn cho rằng những thành công gặt hái được trong quá trình du học là một sự may mắn và rất tình cờ. Với Hiếu, học không phải để giành danh hiệu mà chỉ để "bạn bè khỏi cười chê". 5 năm trước, khi đang học ở TP.HCM, một người bạn rủ Hiếu tham gia phỏng vấn du học Anh. Ban đầu chỉ nghĩ đi cho vui, nào ngờ nhờ vốn tiếng Anh lưu loát (từng đoạt giải nhì Anh văn quốc gia), Hiếu đoạt luôn suất học bổng toàn phần sang Anh học dự bị đại học (A-level).

Nguyễn Chí Hiếu tốt nghiệp loại ưu tại LSE (Ảnh: Nguyễn Chí Hiếu cung cấp)

Một mình nơi đất khách quê người, Hiếu đã thể hiện được tài năng nổi trội. Vừa học, vừa tranh thủ làm thêm ngoài giờ kiếm tiền trang trải chi phí học tập, nhưng Hiếu đã đứng đầu bảng tổng sắp hơn 330.000 sinh viên trong kỳ thi dự bị đại học năm 2004. Kỳ tích này đã chinh phục lãnh đạo Học viện Kinh tế - Chính trị London (LSE) và họ đã không ngần ngại cấp học bổng toàn phần để Hiếu tiếp tục con đường học vấn. Sự kỳ vọng của những người có trách nhiệm ở LSE đã được đền đáp xứng đáng khi Hiếu liên tục đạt danh hiệu thủ khoa các năm học. Năm 2007, nhóm các trường đại học danh tiếng ở Anh một lần nữa công nhận Nguyễn Chí Hiếu là Sinh viên giỏi nhất nước Anh chuyên ngành Kinh tế. 

Không phải con đường du học nào cũng trải hoa hồng. Theo Hiếu, bí quyết thành công là biết cân bằng giữa việc học và cuộc sống. Hòa nhập vào môi trường học tập "đa quốc gia" giúp Hiếu nhanh chóng trưởng thành. Trong đó, câu chuyện của một người bạn đồng môn đã làm Hiếu thay đổi suy nghĩ về cuộc sống: "Mình có một người bạn Đức, sau khi học xong dự bị đại học, bạn ấy nghỉ một năm để đi làm từ thiện trong các trại tỵ nạn ở Trung Đông. Hết một năm, bạn ấy lại tiếp tục công việc từ thiện giúp các nạn nhân chiến tranh ở Afghanistan. Liệu một người như thế có bị xem là thất bại trong cuộc sống? Mình rất thích câu: Đừng phí thời gian theo đuổi một giấc mơ mà ai đó đã vẽ ra cho bạn, khi bạn biết chắc rằng đó không phải là giấc mơ của mình".

Khi Hiếu được Viện Giáo dục quốc tế (IIE) bầu chọn là 1 trong 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới năm 2006, trường Đại học Stanford danh tiếng đã đưa Hiếu vào "tầm ngắm" để tài trợ, đào tạo chương trình tiến sĩ kéo dài 5 năm với suất học bổng toàn phần trị giá đến 375.000 USD. Thay mặt cho Đại học Stanford, Giáo sư Timothy F.Bresnahan, Trưởng khoa Kinh tế bày tỏ: "Chúng tôi đã xếp bạn đứng đầu của một nhóm cạnh tranh cao và rất hy vọng rằng sẽ thu hút được bạn đến Stanford". Các trường đề nghị tiếp nhận đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế cho Hiếu còn có Cambridge, LSE, Columbia, Northwestern, nhưng Hiếu đã quyết định chọn Stanford (Mỹ). Dự định của Hiếu là sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ sẽ khởi đầu với ngành tài chính vì đây là lĩnh vực đang rất phát triển trên thế giới; hoặc có thể là một công việc nghiên cứu kinh tế trong một tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế...

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.