Chuyện lạ trên thị trường chứng khoán 2007

05/02/2008 15:26 GMT+7

Thị trường chứng khoán năm 2007 đã khép lại với đầy kịch tính: Sự đóng băng kéo dài trên thị trường OTC; hàng loạt CP blue-chip mất điểm; nguồn tài chính bị hạn chế do Chỉ thị 03 quy định về tỷ lệ cầm cố chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước...

Câu lạc bộ các Nhà báo Chứng khoán cũng đã tổng kết những sự kiện nổi bật của thị trường chứng khoán 2007. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều chuyện lạ, có những chuyện "chỉ có trên TTCK VN" trong năm tài chính vừa qua. 

1 "Đầu heo vàng, đuôi chuột nhắt": Đây là cách mà nhiều người nhận định về TTCK 2007. Năm 2007 là năm "heo vàng", ngay những tháng đầu tiên của năm này, TTCK đã đạt kỷ lục khi VN - Index đạt 1.170,67 điểm vào ngày 12.3.2007, tăng hơn 55% so với phiên cuối cùng của năm 2006 và là mức kỷ lục cho tới thời điểm hiện nay. Với cách khởi động đầy hào hứng và phấn khích này, hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ thực sự "đẻ ra vàng" như mùa bội thu năm 2006. Nhưng thực tế lại đi ngược lại với kỳ vọng này. Ngay sau khi lên tới đỉnh vào giữa tháng 3.2007, thị trường niêm yết rơi vào tình trạng lình xình, thị trường OTC đóng băng tới thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Cận cuối năm, khi hàng loạt các công ty công bố doanh thu và lợi nhuận để tăng mức hấp dẫn cho CP của mình thì chứng khoán tụt một mạch, phá vỡ ngưỡng kháng cự 900 điểm, 850 điểm... Bên lề các sàn giao dịch, các nhà đầu tư thở dài kết luận, chứng khoán năm 2007 đã phát triển theo kiểu "đầu heo vàng, đuôi chuột nhắt".

2 Một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hoạt động của TTCK VN do Báo Thanh Niên phát hiện: CTCK Thiên Việt bổ nhiệm Tổng giám đốc khi đích danh người được bổ nhiệm không biết và cũng chưa từng ký hợp đồng làm việc với công ty.

3 Năm 2007 cũng là năm ra đời CP thâm niên, CP quyền: Không ít nhà đầu tư nước ngoài đã "mắt tròn, mắt dẹt" khi nghe đến các loại CP này. Đây cũng là vụ lùm xùm ầm ĩ nhất của TTCK VN năm 2007. Thay vì mua bán CP thì rất nhiều nhà đầu tư đã bỏ bạc tỉ để mua thâm niên công tác, mua quyền của các nhân viên làm việc trong các DN này. Nổi bật nhất là vụ mua CP thâm niên của Ngân hàng Ngoại thương VN (VCB) và Bệnh viện Bình Dân... Hậu quả là Bệnh viện Bình Dân ngưng CP hóa, IPO VCB giá khá khiêm tốn so với giá mua CP thâm niên được rao bán trước đây. Hàng loạt nhà đầu tư rơi vào cảnh "mất cả tình lẫn tiền" (tình cảm bạn bè, người thân vì đa số các trường hợp mua CP thâm niên là mua lại của người thân, bạn bè...).

4 Xuất hiện CP hàng hiếm: Thông thường, các CP blue-chip, các DN có quy mô lớn, doanh thu cao, lợi nhuận nhiều, thương hiệu mạnh... thì được các nhà đầu tư quan tâm, giá CP sẽ tăng cao. Tuy nhiên, trong năm 2007 đã xuất hiện tình trạng những CP của các công ty có quy mô nhỏ, vốn thấp nhưng giá vẫn tăng vùn vụt. Thậm chí trong khi thị trường hoặc lình xình, hoặc mất điểm, các CP này vẫn tiến lên theo phương thẳng đứng. Dẫn đầu là CP BMC với giá chào sàn khá khiêm tốn, chỉ 50.000 đồng/CP nhưng BMC đã lập một kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" khi tăng trần liên tiếp 27 phiên, đạt một mức giá kinh hoàng là 769.000 đồng/CP. Nối gót đàn anh BMC, hàng loạt các CP LBM, TCT... cũng liên tục tăng nóng đến mức độ được gọi là CP hàng hiếm. Tăng không lý do, không lý giải và phải giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về mức tăng khó hiểu này. Tuy nhiên, vụ việc cuối cùng cũng chìm xuống mà không đưa ra được lời giải thích hợp lý nào hết.

5 Lá bùa niêm yết: Đây là cách mà các nhà đầu tư đặt tên cho hiện tượng đua nhau lên sàn để "cứu giá" mà hàng loạt các công ty áp dụng trong thời điểm cuối năm 2007. Do thị trường OTC đóng băng nên các CP trên thị trường này rơi vào tình trạng mất giá trầm trọng. Không chỉ thế, hầu hết các giao dịch trên thị trường này cũng bị ngưng trệ. Thực hiện phương châm "tự cứu mình trước khi trời cứu", hàng loạt DN đã đẩy nhanh tốc độ lên sàn để cứu giá CP. Lá bùa niêm yết có hiệu lực đến mức, ngay sau khi có thông tin chuẩn bị lên sàn, giá CP của các công ty này đã tăng vùn vụt, lên tới gấp đôi giá trước đó chỉ trong một thời gian ngắn. Đơn cử như CP của Công ty Đạm Phú Mỹ (DPM) trước khi có thông tin niêm yết chỉ ở mức khoảng 65.000 đồng/CP nhưng ngay sau khi có thông tin chuẩn bị lên sàn đã được đẩy lên trên 100.000 đồng/CP. Đây cũng là mức giá chào sàn mà DN này đưa ra tại phiên giao dịch đầu tiên. Tương tự là CP của Công ty Hòa Phát; Cao su Đồng Phú, Hoàng Anh Gia Lai... và trào lưu "lên sàn cứu giá" đã được thiết lập vào cuối năm 2007.

6 Cổ phiếu cũng có họ tên? Nghe có vẻ buồn cười nhưng đây là chuyện có thực trên sàn HN. Đây là cách gọi của các nhà đầu tư đối với nhóm CP họ Sông Đà (SD) như SD4, SD5, SD6, SD7, SDC, SDT, SDA, S99. Các CP này có chung một mẹ là Sông Đà, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hoặc tư vấn xây dựng. CP họ SD nổi lên như một hiện tượng các CP hàng hiếm khi tăng giá liên tục tại sàn HN trong thời gian khá dài. Đây cũng là lựa chọn hàng đầu của các tay lướt sóng trong thời gian qua.

7 Giới tính của cổ phiếu: Năm 2006, CP ngành tài chính  - ngân hàng dẫn đầu trong các CP được các nhà đầu tư săn lùng nhiều nhất. Đến mức nhiều ngân hàng mới chỉ lên đề án thành lập nhưng CP đã được rao bán trên mạng. Sức hấp dẫn mãnh liệt của CP ngân hàng khiến giới đầu tư gọi CP ngành này là CP vua (giới tính: nam). Sang năm 2007, cùng với những cơn sốt liên tục xảy ra trên thị trường bất động sản, CP bất động sản trở thành ngôi sao sáng trên sàn niêm yết. Giá đất tăng vùn vụt khiến các nhà đầu tư đua nhau lùng sục các CP có dính dáng đến nhà, đất, xây dựng. Chẳng thế mà theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose), có tới gần 90% các công ty niêm yết trên Hose có dính dáng đến bất động sản. Thậm chí, hàng loạt các công ty, các thương hiệu mạnh trong các lĩnh vực khác cũng chuyển hướng, coi đầu tư bất động sản là lĩnh vực kinh doanh chính của mình. Ngôi vua đã được CP ngành ngân hàng - tài chính lấy mất, giới đầu tư "sắc phong" cho CP bất động sản là CP hoàng hậu (nữ). Giới tính của CP được xác lập. Giang hồ chứng khoán vẫn đùa rằng "lệnh ông không bằng cồng bà". Ý nói CP bất động sản mặc dù là "phái nữ" nhưng vẫn "mạnh" hơn các "quý ông". Trên thực tế, điều này hoàn toàn đúng, được mệnh danh là "CP vua" nhưng năm 2007 là một năm tẻ nhạt đối với CP ngân hàng với sự mất giá trầm trọng trong khi CP bất động sản tuy có lúc thăng lúc trầm theo thị trường nhưng vẫn được các nhà đầu tư săn đón.

8 Những người sợ giàu: Nếu như các doanh nhân trên thế giới tự hào và luôn cố gắng phấn đấu để được xếp vào danh sách những người giàu có nhất do các tạp chí có uy tín như Forbes, Business Week hay Fortune bình chọn thì ở VN, "bị" xếp vào danh sách những người giàu có là một điều đáng sợ đối với hầu hết các doanh nhân. Năm 2007 là năm thứ 2 báo điện tử VN Express tiến hành bình chọn "Người giàu nhất trên thị trường chứng khoán VN". Tuy nhiên, hầu hết những người trong danh sách này khi được phỏng vấn đều cảm thấy không thoải mái khi "bị" giàu. Một số người từ chối thẳng thừng việc trả lời báo chí về vấn đề này; một số người cho rằng CP không phải là tiền mặt nên họ không phải là giàu; nhiều người bực bội, khó chịu vì bị công bố công khai về số lượng tài sản do mình nắm giữ bằng CP… Sợ giàu, chuyện chỉ có trên sàn chứng khoán VN.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.