Nhiều đột phá trong sản xuất kinh doanh của các chủ vườn hoa Đà Lạt

06/02/2008 15:53 GMT+7

(TNO) Đầu Xuân mới Mậu Tý 2008, phóng viên Thanhnien Online đã xông đất một số trang trại hoa nổi tiếng ở Đà Lạt (Lâm Đồng) như LangBiang Farm, Công ty Rừng Hoa Đà Lạt... để nghe các chủ nhân tỏ bày những dự định và kế hoạch kinh doanh sản xuất trong năm con chuột này.

Biến trang trại thành điểm tham quan du lịch

Đó là ý tưởng mới của ông Trần Huy Đường, chủ nhân LangBiang Farm. Thật ra LangBiang Fram được nhiều người biết đến bởi đây là trang trại hoa tư nhân đầu tiên ở Đà Lạt có trang web riêng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài nước. Khi mỗi độ xuân về đến thăm trang trại này chúng tôi cảm nhận luôn có những nét mới. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Huy Đường cho biết: Trước khi Festival Hoa Đà Lạt 2007 diễn ra, ông có chuyến chu du các nước Hà Lan, Bỉ, Pháp để tham quan, học tập cách trồng hoa và làm du lịch của họ. Sau chuyến đi đó ông quyết định thay đổi “tư duy”, phải biến trang trại thành điểm tham quan du lịch khám phá.

Bước đầu ông đưa phòng thí nghiệm, nuôi cấy mô (invitro) ra bên ngoài để du khách tham quan. Khách có thể học cách nhân giống hoa dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư, sau đó tự tay thao tác nhân giống hoa trong ống nghiệm. Tất nhiên để tham gia các công việc đó du khách phải trả một khoản tiền nhất định.

Tiếp đó du khách lên khu vườn bậc thang để tham quan mô hình trồng dâu tây, rau sạch, hoa tuylip, thủy tiên… bằng phương pháp thủy canh độc đáo; học hỏi cách canh tác rau, hoa bằng dung dịch, không gây ô nhiễm môi trường; rau, dâu tây sản xuất ra ăn được ngay, không cần rửa. Trang trại dành một khu trưng bày và bán các loại hoa do trang trại sản xuất, đặc biệt LangBiang Farm vừa nhập công nghệ laze để khắc tên, hoặc các hàng chữ theo yêu cầu của du khách vào lá và hoa, đây là quà tặng ý nghĩa, độc đáo lần đầu có tại Đà Lạt. Các thiết bị công nghệ sinh học, phương tiện, công cụ sản xuất hoa công nghệ cao cũng được bày bán trong trang trại. Ông Đường tâm sự: "Bấy lâu ở nước ta các trường đại học nặng về truyền thụ lý thuyết, sinh viên ít được thực hành, tiếp cận với mô hình thực tế, với mô hình này chúng tôi sẵn sàng đón tiếp các đoàn sinh viên đến thực tập, học hỏi phương pháp canh tác các loại rau, hoa".

Vậy trang trại sẽ giảm bớt diện tích canh tác các loại hoa? Không, chúng tôi có 6ha tại Măng Linh (phường 7, Đà Lạt) đang được đầu tư hàng loạt công nghệ thiết bị mới hiện đại. Chúng tôi đang nhập hệ thống tưới và bón phân cho hoa hoàn toàn tự động, điều khiển bằng máy vi tính trị giá 50 ngàn USD, xây dựng các nhà kính tự động điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió để cây phát triển tốt nhất. Hướng đi của trang trại là sản xuất ra những giống hoa chất lượng cao để xuất khẩu.

Ông Trần Huy Đường vốn là dân kỹ thuật Bưu điện, nhưng lại yêu thích nghề trồng hoa nên tự xin "nghỉ hưu non” về làm nông dân. Sau gần 10 năm tiên phong trong việc nhập giống, thay đổi công nghệ canh tác hoa đem lại hiệu quả cao được nhiều nhà vườn đến tìm hiểu, học tập. Ông được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch thường trực Hiệp Hội hoa Đà Lạt. Năm qua dưới sự điều hành của ông hiệp hội có những hoạt động thiết thực hơn nhằm hỗ trợ nhau trong việc canh tác, phát triển các giống hoa hướng đến thị trường xuất khẩu.

Trang trại hoa hiện đại bên thung lũng tình yêu

Nguyễn Đình Sơn sinh ra và lớn lên tại xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, lấy bằng cử nhân đại học xong Sơn lập Công ty công nghệ sinh học Rừng Hoa. Buổi đầu, Sơn lập phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, sản xuất giống hoa sạch bệnh cho nông dân. Sau đó đầu tư sản xuất hoa thương phẩm. Sơn bỏ công sức và tiền bạc bay sang Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... tham quan, học hỏi cách trồng hoa. Khi vụ hoa đầu tiên thu hoạch, Sơn may mắn gặp một đối tác đến từ Nhật Bản, họ đánh giá cao về chất lượng hoa do Công ty Rừng Hoa sản xuất và đồng ý mua hoa. Thế nhưng do thiếu kinh nghiệm trong việc bảo quản, đóng gói, vận chuyển nên những bông hoa Đà Lạt tươi thắm khi đến Nhật Bản trở thành hoa úa, bị trả về.

Vạn sự khởi đầu nan, không nao núng, Sơn tìm tòi học hỏi để khắc phục các nhược điểm. Cuối năm 2005, Nguyễn Đình Sơn mạnh dạn mang 5 loại hoa Đà Lạt bay thẳng tới Tokyo (Nhật) tham gia đấu xảo. Thật bất ngờ, hoa của trang trại Rừng Hoa được nhiều đối tác chấp nhận, vì chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp. Từ đó đến nay mỗi tuần Công ty Rừng Hoa đều đặn gửi hai chuyến hàng bằng đường hàng không hoặc đường biển tham gia thị trường Nhật thông qua Trung tâm đấu xảo hoa Tokyo. Sơn cho biết: ”Qua hình thức đấu xảo người sản xuất không bị ép giá, đồng thời biết được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để có kế hoạch sản xuất phù hợp”.

Được biết ngoài thị trường Nhật, hằng tuần Công ty Rừng Hoa còn xuất khẩu hoa sang Indonesia, Bỉ, Nga… mỗi chuyến từ 5.000 đến 10.000 cành hoa gồm cúc, arum, hồng môn, lili, hoa hồng... Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đây là công ty hoa tư nhân đầu tiên ở Đà Lạt xuất khẩu hoa tươi trực tiếp. Năm 2007, Công ty Rừng Hoa xuất khẩu được trên 800 ngàn cành hoa các loại ra nước ngoài.

Được nhà nước cho thuê 2ha đất  trên một khu đồi cằn cỗi bên cạnh Thung lũng Tình Yêu, Sơn bỏ ra 15 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhập khẩu công nghệ thiết bị nhằm  đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu hoa và giống hoa. Chỉ sau một năm, một phòng thí nghiệm cấy mô (Invitro) công nghiệp với trang thiết bị hiện đại trên diện tích 2.000m2 ra đời, mỗi năm sản xuất 7 triệu cây giống; hệ thống vườn ươm với diện tích 1ha, cung cấp 400 ngàn cây con giống mỗi tháng. Sơn vừa hoàn thành đưa vào sử dụng hệ thống kho lạnh, nhà đóng gói hiện đại trên diện tích 1.500m2 với công xuất 2 triệu cành/tháng. Hiện tại Rừng Hoa đang gửi 5 cử nhân sinh học qua Bỉ học tập nâng cao trình độ, hằng năm tiếp tục gửi kỹ sư qua Bỉ tu nghiệp. ”Phải đầu tư bài bản thế này mới có thể “ăn nói” với đối tác nhập khẩu hoa, giống hoa" - Sơn nói.

Ước nguyện đầu năm của anh là gì? Nguyễn Đình Sơn chân tình thổ lộ: "Bấy lâu nông dân và các doanh nghiệp sản xuất hoa Đà Lạt chỉ “bán cái mình có”, còn thị trường hiện nay vận hành theo phương châm “bán cái người ta cần”, thực lực và tiềm năng hoa xuất khẩu của Đà Lạt rất lớn thế nhưng hoạt động của ngành hoa Đà Lạt tựa như một bản hợp xướng không có người chỉ huy, tình trạng mất cân đối cung - cầu đẩy ngành hoa Đà Lạt vào vòng bế tắc luẩn quẩn không lối thoát. Tôi mong ước liên kết với nông dân tổ chức sản xuất hoa xuất khẩu đạt chất lượng và số lượng theo yêu cầu của đối tác”.

Cách làm của Công ty Rừng Hoa được đánh giá là táo bạo, mới mẻ, từ đây hé mở một hướng đi mới cho thị trường hoa Đà Lạt.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.