Vào lúc đang dự hội thảo kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu được tổ chức cuối năm ngoái tại Quy Nhơn, Bình Định, tôi chợt nhớ... Bình sinh, Xuân Diệu là điển hình cho những người bận rộn trên khắp cõi nhân gian... lộn xộn này. Cứ như nhà thơ lớn của chúng ta không còn biết... chơi là gì nữa, vì "hết ngày dài lại đêm thâu" ông làm việc còn vất vả hơn cả "trâu kéo cày" như chính ông nhiều lần thú nhận trong nụ cười. Hơn 50 tác phẩm, trong đó 15 tập thơ trong suốt cuộc đời sáng tạo của mình, và tác phẩm nào cũng vào cỡ "đại pháo" của Xuân Diệu đã khiến chúng ta kinh ngạc về sức làm việc của ông.
Vậy Xuân Diệu thư giãn, nghỉ ngơi vào lúc nào nhỉ? Nhiều lần có dịp đi thực tế sáng tác hay theo ông trong các cuộc nói chuyện thơ của ông, tôi nhận thấy Xuân Diệu cứ vào cuộc họp là... ngủ. Và cứ ngồi lên ô tô là... ngủ. Ông tự cân bằng mình bằng những giây phút "tranh thủ ngủ" hiếm hoi như thế. Để có sức mà làm việc. Nhất là với những cuộc họp vô bổ mà Xuân Diệu không thể bỏ, thì ông đành... ngủ vậy. Xuân Diệu cũng nhiều lúc tự tách mình ra khỏi công việc để vui chơi với đám trẻ chúng tôi hồi đó. Ông rất có ý thức khi giao du với đám trẻ như vậy. Vì chơi với người trẻ hơn mình thì dường như mình cũng được "trẻ lây", và nhất là không phải quá đắn đo hay đối phó gì, như chơi với các "đấng bậc" ngang mình hay trên mình. Đó cũng là một cách lựa chọn thư giãn độc đáo của Xuân Diệu. Mà trong khi chơi, cả với trẻ con chẳng hạn, Xuân Diệu còn tìm được nguồn cảm hứng để làm được những bài thơ hay, kiểu như bài thơ Các cháu cho chú một quả si mà tôi cho là một bài thơ tuyệt vời trong trẻo và ngây thơ của Xuân Diệu.
Nãy giờ mải nói về nhà thơ lớn của chúng ta mà những chuyện về ông có thể kể qua nhiều ngày vẫn chưa hết, tôi e có lạc đề về chuyện "anh thư giãn như thế nào". Nhưng nói như thế để thấy một người suốt đời quá bận rộn như Xuân Diệu vẫn tìm được cách cho mình được "xả stress", huống chi một kẻ vốn hay "lang thang cơ nhỡ" như tôi. Nhiều lúc, tôi cứ mong người ta "đặt hàng" cho mình thật nhiều để có việc làm liên tục, nhưng quả thật, gặp lúc việc đổ dồn vào mình như ngay cái đận áp Tết này, thì phải thú thật, cũng... ớn. Đúng là ớn, không phải là ớn công việc, mà ớn cái áp lực của công việc dồn xuống mình. Những lúc ấy, tôi chỉ còn một cách mà nhiều người vừa làm văn học vừa làm báo hay làm: rủ vài ba người bạn tâm giao lủi ngay vào một quán nhậu bình dân nào đó. Làm vài ve. Có thể nhiều người không uống được bia hoặc không thích bia rượu, họ sẽ tìm cách thư giãn khác. Còn tôi, có lẽ "ngay từ thuở còn nằm nôi" đã tỏ ra có năng khiếu lai rai rồi, nên bây giờ dù tuổi cao sức yếu, đã phải chừa nhiều thứ, nhưng thứ nước có độ cồn thấp như bia thì không chừa được. Không uống được nhiều như thuở còn trai tráng, nhưng vài ba chai, vài ba lon thì còn khỏe. Với tôi, chỉ cần khoảng hơn một tiếng đồng hồ ngồi lai rai như thế, tán đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với bạn bè như thế, là đủ năng lượng làm việc cho hai hay ba ngày rồi.
Nhưng nếu gặp thời mà người ta cứ mời ăn nhậu mãi, nhất là những nơi mình không thật tâm đắc, thì phải nói thật là hơi bị... hãi. Cái sự "hãi" vì ăn nhậu ấy không chỉ có ở tôi, nhưng tự tôi cảm nhận điều ấy khá sâu sắc cho riêng mình. Vậy thì, đành phải nói lời từ chối, tuy biết như vậy nhiều khi khiến "đối tác" không hài lòng, thậm chí... giận. Nhưng "giận thì giận" chứ biết làm sao! Làm việc đã mệt muốn chết rồi, mà còn thêm "ăn nhậu mệt muốn chết" nữa thì sẽ ra sao? Do nhiều lý do cá nhân, vài năm nay tôi ít có những chuyến đi chơi xa, vì với tôi, thực ra làm việc cũng là "chơi" thôi. Chính cách biến công việc mình đang làm thành "trò chơi" đã cứu tôi khỏi bị stress, và cũng khiến tôi lúc nào cũng vui vẻ, hài hước với mọi thứ. Hài hước, nếu bạn có được điều đó, thì không cần phải uống thuốc hay dùng bất cứ liệu pháp tâm lý nào để "xả stress". Cứ nói vui vui, tưng tửng, trước hết là tự trào, tự giễu mình, bạn sẽ thấy như mình được giải tỏa ngay lúc hoàn cảnh khó khăn hay công việc dồn dập nhất. Vậy thì để mình được thư giãn, theo tôi cũng không cần phải quá căng hay phải tốn tiền. Như trường hợp của tôi, hôm nào hết tiền hay "đứt mối" không ngồi quán cóc được, thì tôi ở nhà chơi với... cháu nội.
Cu cháu nội tôi mới hơn một năm tuổi, chơi với nó đã lắm, mà chẳng tốn kém, vì nó chưa biết đòi đi siêu thị hay vũ trường, cũng không bắt ông nội phải mua quà cáp biếu xén gì. Nó cũng chưa biết nói, nên mình không cần phải đắn đo dè sẻn lời ăn tiếng nói với nó. Và có lẽ do chưa biết nói, chưa biết đọc biết viết như nhiều thần đồng khác, nên cháu nội tôi cứ sướng là cười, thích là... đánh. Đối tượng luôn bị "ăn đòn" của nó chính là ông bà nội và cha mẹ nó. Được trẻ con đánh, sướng lắm! Nó khác hẳn với cảm giác khi ta bị "người nhớn" đánh. Chỉ cần mỗi ngày được chơi với cháu nội một giờ đồng hồ, là bao cực nhọc lo âu toan tính bay biến. Mình lại như mới, như sạch sẽ tinh tươm mà không cần dầu gội hay dầu xả, không cần cả thuốc tuần hoàn não hay yoga. Thì ta vẫn có cách để "thiền" ngay trong những lúc bình thường vô ý vô lý do nhất cơ mà. Các thiền sư đã dạy như vậy! Vào bếp lặt rau cũng là thư giãn hay "thiền". Viết bài bóng đá hay cả những bài bình luận chính trị thời sự xã hội cũng là một "hành động thiền", nếu ta tự ý thức điều đó.
Thanh Thảo
Bình luận (0)