Để du lịch Đà Nẵng cất cánh

14/02/2008 14:52 GMT+7

(TNO) Đà Nẵng hiện có 42 dự án đầu tư về du lịch với tổng vốn đầu tư lên đến 26.393 tỉ đồng. Tuyến biển Sơn Trà - Điện Ngọc chuẩn bị đưa 10 khu du lịch đi vào hoạt động và cần khoảng 5.000 lao động.

Trong khi đó, các trường ĐH, CĐ, Trung cấp trên địa bàn tỉnh chỉ cung cấp khoảng 1/10 yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch mỗi năm. Đây là vấn đề rất đáng lo khi Đà Nẵng chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển.

Thiếu hụt nguồn nhân lực

Hiện nay bộ phận kinh doanh, tiếp thị, xúc tiến du lịch, tổ chức các sự kiện du lịch ở Đà Nẵng chưa thật chuyên nghiệp và năng động. Chất lượng đội ngũ làm du lịch còn thấp, chỉ có 0,32% có trình độ trên đại học, 37,74% tốt nghiệp đại học, cao đẳng, số còn lại có trình độ trung - sơ cấp và chưa qua đào tạo. Trong tổng số hơn 300 hướng dẫn viên (HDV) có tới 1/3 chưa có bằng đại học, HDV thành thạo các thứ tiếng “hiếm” như Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái, Nhật... rất ít.

Bộ phận trực tiếp quan hệ với khách như HDV, lễ tân, nhân viên buồng - nhà hàng... là những bộ phận vừa thiếu và yếu. Các nhà tuyển dụng thường “vò đầu, bứt tóc” với tình trạng chung là sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ nhưng không biết giao tiếp, ngược lại, người có khả năng giao tiếp lại không giỏi ngoại ngữ. Đà Nẵng chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên nghiệp về du lịch, chỉ duy nhất trường Trung cấp Nghề Việt - Úc (VAVC) - là một địa chỉ hiếm hoi đào tạo du lịch bài bản. Các học viên (HV) thường chỉ tập trung đông vào những lớp HDV, lễ tân... trong khi, vị trí này chỉ chiếm 7 - 10% nhân lực kinh doanh du lịch. Ngược lại, các lớp như phục vụ buồng, phục vụ nhà hàng, đầu bếp... học viên theo học ít hơn và lực lượng này lại chiếm đến 10 - 15% nguồn nhân lực làm du lịch. Các SV theo học ngành du lịch rất ảo tưởng về nghề, nghĩ du lịch là một nghề bay bổng nhưng thực chất nghề này đòi hỏi rất khắt khe. Bộ phận nhân sự của KS Hoàng Anh Gia Lai khi tuyển 300 nhân viên cho KS đã kêu trời khi những người dự tuyển không biết viết một lá đơn xin việc cũng như không xác định rõ mình sẽ làm công việc gì sau khi được tuyển.

Làm sao để du lịch Đà Nẵng cất cánh?

Nhiều vị có tiếng nói trong ngành du lịch địa phương trả lời rằng phải “xã hội hóa” du lịch. Nhiều người tâm huyết cho rằng chúng ta đã quá lạm dụng từ ngữ. Xã hội hóa là phải làm gì, phải bắt đầu từ đâu? Giải pháp cụ thể đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện nay, những cuộc thi dành cho nhân viên ngành du lịch rất ít được tổ chức, nếu có lại bó hẹp trong phạm vi nội bộ, muốn phát triển du lịch, phải tôn vinh những người làm nghề này. Tiến sĩ Trương Sỹ Quý, Trưởng bộ môn Du lịch (ĐH Kinh tế Đà Nẵng) phân tích: “Trong kinh doanh du lịch, lực lượng trực tiếp chiếm số lượng rất đông. Tăng thu nhập quá cao cho bộ phận này là điều không thể nhưng nếu doanh nghiệp biết tạo ra môi trường làm việc thân thiện, cơ hội thăng tiến, họ sẽ mải mê gắn bó với nghề”.

Thành phố cần phải giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng đào tạo du lịch của các trường cao đẳng, trung cấp. Những cơ sở nào bảo đảm tính chuyên nghiệp mới cho hoạt động, không nên cho ra ào ạt. Ngay cả với những trường đang đào tạo cũng phải hội đủ điều kiện, nếu chỉ đào tạo cho có “số lượng” mà không cần “chất lượng” thì bài toán du lịch vẫn tiếp tục là vấn đề nan giải. 

Đà Nẵng đã thu hút được nhiều dự án du lịch tầm cỡ với số tiền đầu tư lên đến 4 - 5 trăm triệu USD. Điều kiện “đủ” Đà Nẵng đã đạt, chỉ thiếu mỗi điều kiện “cần” là giải quyết bài toán về nhân lực du lịch. Nhà nước cần làm gì? Doanh nghiệp làm gì và các cơ sở đào tạo phải làm gì? Nếu giải quyết rốt ráo những vấn đề ấy, du lịch Đà Nẵng mới thực sự cất cánh.

Luân Quỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.