Chuyên gia phân tích của hãng, Doug Friedman, cho rằng yếu tố buộc Nvidia phải đi đến quyết định nói trên là bởi chiến lược phát triển hiện nay của AMD và “gã khổng lồ” Intel tiềm tàng “không ít hiểm họa” cho Nvidia.
Đó chính là chiến lược tích hợp nhân xử lý đồ họa trực tiếp lên nhân chip vi xử lý. Nếu làm được điều này, AMD - với lợi thế nắm trong tay công nghệ đồ họa ATI Technologies từng cạnh tranh khốc liệt với Nvidia - sẽ có cơ hội tăng hơn nữa thị phần trên thị trường đồ họa máy tính. Điều này đồng nghĩa với việc Nvidia sẽ phải mất đi không ít thị phần và điều cốt lõi nhất là doanh thu. Intel hiện cũng đang theo đuổi một chiến lược tương tự.
“Mua lại AMD, theo tôi, là một bước đi hoàn toàn hợp lý với Nvidia. Không những có cơ hội loại bỏ nguy cơ tiềm tàng mà Nvidia còn có thể tạo lập nên một đối thủ cạnh tranh mới để tấn công Intel”, chuyên gia Friedman nhận định.
Cùng lúc đó AMD cũng đang phải chịu áp lực tái cơ cấu lại doanh nghiệp từ phía các cổ đông. Một trong những mục tiêu hàng đầu của tiến trình tái cơ cấu chính là thay đổi đổi ngũ lãnh đạo. Tình hình kinh doanh tồi tệ trong những quý gần đây, chậm tiến độ trong việc ra mắt chip vi xử lý lõi tứ, chip đồ họa hỗ trợ DirectX 10… là những nguyên nhân hàng đầu khiến cổ đông AMD gây áp lực buộc ban lãnh đạo hãng phải tiến hành tái cơ cấu.
Ông Jen-Hsun Huang - Giám đốc điều hành Nvidia - được dự báo sẽ trở thành “nhạc trưởng” điều hành việc tái cơ cấu lại AMD giúp hãng này làm ăn có lãi hơn, nếu nhận định trên đây của American Technology Research trở thành hiện thực. Tuy nhiên, Nvidia cũng phải đối mặt với một thách thức khá lớn khi mua lại AMD. Đó là những thỏa thuận trao đổi bản quyền sử dụng công nghệ qua lại giữa AMD và Intel. Điều này có nghĩa các công nghệ liên quan đến sản xuất chip vi xử lý x86 của AMD sẽ không được phép chuyển giao cho một hãng thứ ba khác. Như vậy, nếu Nvidia sáp nhập với AMD thành lập nên một công ty mới thì công ty này sẽ không thể sử dụng được công nghệ sản xuất chip x86 hoặc bất kỳ công nghệ nào mà Intel đã cấp phép cho AMD.
Một thách thức nữa mà Nvidia cũng có thể phải đối mặt khi ra quyết định mua lại AMD chính là “con mắt giám sát” của các cơ quan quản lý độc quyền. Các cơ quan này sẽ khó có thể để cho hai hãng sản xuất chip đồ họa thống thị trên thị trường toàn cầu Nvidia và ATI Technologies - hiện đã thuộc về AMD - hợp nhất làm một.
Theo Xbit-Labs, Tuổi Trẻ
Bình luận (0)