Có một tình hữu nghị chân chính Việt Nam - Singapore

24/02/2008 10:12 GMT+7

Vì lợi ích của Việt Nam, tôi hy vọng vị trí nhà đầu tư số một của Singapore tại Việt Nam sẽ được thay thế bởi những nền kinh tế lớn trong vòng 5 năm tới", đó là lời chia sẻ của Thủ tướng đảo quốc sư tử Goh Chok Tong với Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải vào năm 2003.

Tâm nguyện của một người không muốn đứng ở "vị trí số một" chưa bao giờ thay đổi trong chiến lược hợp tác và hỗ trợ của các nhà lãnh đạo Singapore đối với Việt Nam. Cục diện kinh tế, chính trị khu vực và trên thế giới biến chuyển, cộng với những vấn đề lịch sử, lời khuyên của những nhà lãnh đạo Singapore chứa đựng thật nhiều tình ý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc gặp thân mật với nhân viên đại sứ quán và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Singapore nhân dịp ông sang tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN hồi tháng 11 vừa qua đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ngoại giao đối với đảo quốc sư tử. Theo thủ tướng, Singapore hiện đứng đầu về số địa chỉ đăng ký đầu tư tại Việt Nam, cũng là bạn hàng lớn nhất của nước ta. Đặc biệt, từ cuối năm 2005 hai quốc gia đã có với nhau Hiệp định hợp tác liên thông (Connectivity Agreement), hiệp định duy nhất mà Việt Nam đã ký với nước ngoài, là một khung hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đóng vai trò then chốt trong mối quan hệ mà lợi ích của hai bên có thể nhìn thấy rõ: Singapore có cơ hội khai thác những tiềm năng, những nguồn lợi thiên nhiên và con người vốn rất lớn ở Việt Nam mà Singapore không có; đổi lại, Việt Nam tận dụng được nguồn vốn, công nghệ và quy trình quản lý ở trình độ cao của Singapore, quốc gia bé nhỏ và được xem là trung tâm kinh tế khu vực Đông Nam Á.


Dù gia nhập ASEAN muộn, tiếng nói của Việt Nam ngày càng được đề cao trong khu vực - Ảnh do ASEAN Summit cung cấp
Trên bình diện chính trị, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore hiện đang nắm giữ vai trò tích cực bởi có nền chính trị, xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng cao và đều đặn. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc làm cho vị thế và tiếng nói của nước ta càng được đề cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, gần đây các lãnh đạo Singapore thường tìm đến một tiếng nói chung từ Việt Nam đối với các vấn đề trong khu vực. Lịch sử giữa hai quốc gia chưa từng có một mối bất hòa hay xung đột lợi ích; trong quan hệ kinh tế, hai quốc gia cũng chưa hề có sự tranh chấp. Điều đó cho phép đôi bên đã và ngày càng tiến tới một mối quan hệ hỗ tương, trong sáng, tin cậy lẫn nhau mà không cần những "chữ vàng" để tô điểm hay một sự nhân danh "núi liền núi, sông liền sông", sự tương đồng về lịch sử hay thể chế chính trị nào cả.

Cũng nên thẳng thắn nhìn nhận, Singapore có những tham vọng của mình, đó là trở thành vai trò đầu tàu cả về kinh tế lẫn chính trị trong khu vực Đông Nam Á khi mà nền kinh tế và chính trị của quốc gia đã trở nên vững vàng và đạt những thành tựu thế giới phải thừa nhận. Sự tích cực của Singapore trong chủ trương đưa ASEAN thành một khối liên minh chặt chẽ về thể chế, thịnh vượng về kinh tế được thể hiện rõ nét trong các cuộc họp ASEAN gần đây, đặc biệt là hiện nay trong vai trò Chủ tịch luân phiên của khối. Sự ra đời của bản Hiến chương và Kế hoạch Cộng đồng kinh tế đã được 10 quốc gia thành viên thông qua cuối tháng 11.2007 là một ghi nhận cho sự tích cực đó.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trồng cây bồ đề trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore. Ảnh: Thục Minh
Tuy nhiên, với diện tích bằng 1/3 TP.HCM và dân số bằng 1/20 của Việt Nam, Singapore ý thức rõ sự nhỏ bé của mình. Bởi vậy, họ lấy ASEAN làm mục tiêu, và cũng là chỗ dựa để có tiếng nói mạnh hơn trong cộng đồng quốc tế. Thông điệp mà những nhà lãnh đạo Singapore gửi đến cộng đồng ASEAN là hợp tác chặt chẽ và hội nhập sâu rộng để không bị lấn lướt bởi 2 nền kinh tế khổng lồ đang nổi lên trong khu vực châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Và trong cộng đồng ASEAN, Singapore tìm thấy sức mạnh và thiện cảm Việt Nam. Vậy nên, họ muốn Việt Nam vững mạnh thật sự. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ rằng ông hết sức xúc động và thấm thía trước sự chân thành của Bộ trưởng cố vấn, cựu thủ tướng, cha đẻ của nền Cộng hòa Singapore Lý Quang Diệu, trong cuộc hội đàm tại dinh Istana hồi tháng 8.2007.

Tại đó, ông Lý đã  nói đúng câu mà ông Goh Chok Tong từng nói trước đó 5 năm, rằng: "Tôi nghe nói Singapore vẫn đang là quốc gia dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam mà buồn. Singapore chúng tôi nhỏ bé, không thể giúp Việt Nam đi nhanh, đi mạnh được, mà phải là những nền kinh tế lớn, là châu u, là Mỹ, là Nhật Bản, Trung Quốc. Vì vậy, tôi khuyên Việt Nam hãy mạnh dạn mở cửa hợp tác hơn nữa, để đón nhận đầu tư từ các trung tâm công nghệ lớn của thế giới". Lời khuyên đó chắc chắn không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế, mà cả vấn đề an ninh, quốc phòng...

Những ngày của tháng cuối cùng năm 2007, báo chí Singapore đưa nhiều tin về Việt Nam. Kênh truyền hình quốc tế Channel News Asia của Singapore có tần suất xuất hiện những thông tin về Việt Nam rất dày, nào là đoàn thể thao Việt Nam liên tục giữ vị trí thứ hai tại SEA Games 24 ở Thái Lan, nào là thông tin quảng cáo du lịch đến Việt Nam, các phỏng vấn những nhà đầu tư đã và đang có kế hoạch đổ tiền vào Việt Nam, và đặc biệt là chuyến thăm của Bộ trưởng cao cấp Goh Chok Tong tại Việt Nam. Hình ảnh ông Goh trong các cuộc hội đàm với những nhà lãnh đạo nước ta, trong lễ động thổ khu công nghiệp - đô thị Việt Nam - Singapore (VSIP) tại tỉnh Bắc Ninh, trong cuộc thảo bộ tham quan cụm di sản văn hóa thế giới Huế - Đà Nẵng - Hội An... thật bình dị và gần gũi. Báo The Straits Times mô tả các cuộc hội đàm giữa ông Goh với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải... là thân mật và kéo dài hơn cả dự kiến. Sự thân mật đó có lẽ được thể hiện sinh động nhất qua việc Tổng bí thư Nông Đức Mạnh hỏi ông Goh làm thế nào để Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và hài hòa. Ông Goh, như một người bạn thân không cần câu nệ, thậm chí đã phát biểu rằng các nhà đầu tư nên xây thêm 1 sân golf nữa ở Đà Nẵng, vì theo kinh nghiệm của ông, những người chơi golf thường thích chơi ở một vài sân khác nhau cùng lúc.

Trong bài phát biểu hôm 11.12.2007 tại lễ động thổ VSIP Bắc Ninh, khu công nghiệp thứ 3 giữa Việt Nam và Singapore sau VSIP I và VSIP II ở tỉnh Bình Dương, cựu Thủ tướng Goh Chok Tong nói rằng ông vui mừng thấy rằng từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. "Đó là những dấu hiệu tốt đẹp của tương lai Việt Nam", ông Goh khẳng định. Và ông kết thúc bài phát biểu bằng những lời lẽ thật chân tình: "Kể cả khi Singapore không còn giữ vị trí số một về vốn đầu tư tại Việt Nam, tôi cũng cam đoan rằng Singapore luôn mong muốn góp một phần trong công cuộc phát triển của Việt Nam. Là đối tác ban đầu trong quá trình tăng trưởng của Việt Nam, chúng tôi mong muốn Việt Nam tiến bộ và người dân Việt Nam thịnh vượng. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác giữa chúng ta sẽ nối dài tới tương lai". Còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore hôm 19.11.2007 đã trồng ở đó một cây bồ đề với hàm ý gieo trên đất bạn một tình hữu nghị, hợp tác chân thành và trường tồn.

Thục Minh (VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.