Mới đây, một thủ lĩnh của quân Hồi giáo ly khai đã lên tiếng cảnh báo chính phủ mới của Thái Lan rằng tình trạng bất ổn ở miền nam nước này sẽ tệ hại hơn nếu khu vực này không được tự trị. Thủ lĩnh này là Lukman B.Lima, nhân vật đứng đầu Tổ chức Giải phóng thống nhất Pattani (PULO), hiện sống lưu vong tại Thụy Điển. Ông Lukman cũng khơi gợi khả năng tổ chức trưng cầu dân ý về việc áp dụng quy chế tự trị cho miền nam Thái Lan. Đây là phát ngôn đầu tiên của một thủ lĩnh ly khai kể từ khi Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Chalerm Yoobambrung cách đây không lâu nói chính phủ nên xem xét việc áp dụng quy chế tự trị cho các tỉnh biên giới đang bất ổn.
Ông Chalerm đã bị Thủ tướng Samak Sundaravej chỉ trích là phát ngôn vội vàng về vấn đề này. Thủ tướng Samak nói, sẽ thật nguy hiểm nếu áp dụng quy chế tự trị cho miền nam và ông không muốn có thêm bất đồng quanh vấn đề này. Trong một bản tuyên bố được gửi cho hãng tin AP hôm 22.2, thủ lĩnh ly khai Lukman nói: "Kịch bản xấu nhất có thể tránh được chỉ khi ông Samak và lực lượng quân đội để người dân Pattani tự quyết định tương lai của mình". Hiện người ta chưa rõ tuyên bố trên của thủ lĩnh Lukman có phản ánh quan điểm của các nhóm khác liên quan đến tình hình bất ổn ở miền nam hay không.
Theo một báo cáo của Trung tâm tin tức Issara đặt tại tỉnh Songkhla (giáp với 3 tỉnh bất ổn) được tờ Bangkok Post dẫn lại, mỗi tháng trung bình có 72 người chết, song con số này chưa phản ánh đúng hết tình hình đang leo thang ở miền nam. Trong 15 ngày đầu tháng 2.2008, đã có 25 người chết và 39 người bị thương trong 43 vụ bạo lực. Hầu hết các vụ giết chóc đều là đi xe máy bắn tỉa hay ám sát. Tính từ tháng 1.2004 đến nay, theo Issara, tình trạng bất ổn đã cướp đi sinh mạng của 2.941 người tại miền nam Thái Lan. |
Hôm 22.2, ông Nimukta Waba, một nhà lập pháp Hồi giáo của tỉnh Pattani nói, ông không tin ông Lukman biết người dân ở khu vực này cần gì. Ông nhận định: "Người dân tại đây chỉ yêu cầu công lý, được đối xử công bằng và có các quyền bình đẳng. Tôi nghĩ ít nhất 90% người dân ở đây không muốn áp dụng quy chế tự trị. Việc tổ chức trưng cầu dân ý là vô dụng". Ông Waba cũng là thành viên đảng Puea Pandin trong liên minh cầm quyền của chính phủ mới. Ông Akara, một phát ngôn viên của quân đội tại Yala, trích dẫn việc có tới 75% cử tri ở miền nam đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23.12.2007 vừa qua cho thấy đa số người dân đồng tình với thể chế dân chủ ở Thái Lan và không muốn tách rời khỏi đất nước.
Trong khi đó, tình hình bạo lực tại miền nam Thái Lan trong thời gian qua không hề thuyên giảm. Hôm 19.2 trong một phiên họp quốc hội, ông Chettha Thanajaro, cựu Tư lệnh lục quân trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, đã nói quân ly khai tại khu vực nóng bỏng này đã phát triển thành khủng bố. Ông Chetta, Chủ tịch đảng Ruam Jai Thai Chart Pattana trong liên minh cầm quyền và từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, kêu gọi trao thẩm quyền đầy đủ cho quân đội vùng 4 để kiểm soát tình hình. Theo đó, quân đội cần được tiếp thêm lực lượng để tăng cường tuần tra. Theo ông Chetta, chính phủ nên chấp nhận rằng bất ổn ở miền nam đã phát triển thành hình thức khủng bố. Ông cũng kêu gọi nhà chức trách nên bảo đảm việc ân xá cho những ai đã gia nhập lực lượng ly khai nhưng sẵn sàng quay lại với đất nước trước khi bị kết vào các tội hình sự nghiêm trọng. Điều này, theo ông, sẽ giúp nhiều quân ly khai quay lại với đất nước.
Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Chalerm hôm 22.2 cho rằng, tình trạng bất ổn ở miền nam sẽ không thể kết thúc nếu không đối thoại với quân ly khai. "Tôi dám chắc rằng vấn đề ở miền nam sẽ không bao giờ kết thúc, trừ khi chúng ta đối thoại với quân ly khai", ông nói. Ông cũng cho rằng đối thoại là cần thiết bởi nó sẽ làm thay đổi thái độ của quân ly khai. Cũng hôm 22.2, ông Chalerm một lần nữa bị Thủ tướng Samak nhắc nhở nên cẩn thận khi phát ngôn trên cương vị Bộ trưởng Nội vụ sau khi ông Chalerm nói các tay súng ly khai miền nam là những tên trộm bình thường.
Việt Phương (VP Bangkok)
Bình luận (0)