Dân cần nhưng "quan" chưa vội!
Như Thanh Niên ngày 1.1.2008 đã thông tin, sau một cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các sở, ngành hữu quan vào buổi chiều cuối năm 2007, UBND TP.HCM đã quyết định gia hạn lưu hành cho từng loại xe 3, 4 bánh tự chế. Cụ thể, các loại xe 3, 4 bánh tự chế có biển số đăng ký nhưng chưa được đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan nhà nước thẩm quyền, các loại xe 3, 4 bánh tự chế chuyên dùng thu gom, vận chuyển rác thải được lưu hành đến hết ngày 30.6.2008; các loại xe 3, 4 bánh tự chế đẩy tay, các loại xe 3, 4 bánh tự chế không có biển số đăng ký và không có các mục đích sử dụng như các loại kể trên chỉ được phép lưu hành đến hết ngày 29.2.2008.
|
Mặc UBND thành phố chỉ đạo phải quyết liệt, song theo thông tin của Thanh Niên, nhiều sở, ngành, quận huyện hầu như vô cảm trước sự lo lắng mất phương tiện mưu sinh của hàng ngàn hộ gia đình. Đến nay, mới chỉ có SAMCO trình lên các mẫu xe tải nhẹ thay thế các loại xe 3, 4 bánh tự chế, Sở Giao thông - Công chính trình dự thảo đề án chuyển đổi xe 3, 4 bánh tự chế, nhưng chất lượng những tờ trình này cũng không đáp ứng yêu cầu. Trong một cuộc họp cuối tháng 1.2008, UBND thành phố quyết định thành lập Ban Xây dựng đề án chuyển đổi các loại xe 3, 4 bánh tự chế do lãnh đạo Sở Giao thông - Công chính làm Trưởng ban, Phó ban là lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các thành viên là đại diện các sở, ngành liên quan... Ban này có trách nhiệm khảo sát bổ sung, hoàn chỉnh đề án và báo cáo UBND thành phố trước ngày 20.2.
Theo ông Dương Hồng Thanh (Phó giám đốc Sở Giao thông - Công chính), 3 địa phương báo cáo số liệu người chạy xe ba gác, xích lô là Phú Nhuận, Bình Chánh và Hóc Môn, với tổng số xe trên 2.100 chiếc. Trong số này, các xe phải ngưng hoạt động từ ngày mai 1.3 là hơn 1.920 chiếc, chiếm hơn 91%. |
Người nghèo thêm khó!
Không chỉ quá chậm trễ trong việc xây dựng đề án chuyển đổi phương tiện xe 3, 4 bánh tự chế, mà những đề xuất ban đầu của một số cơ quan có trách nhiệm cho thấy nếu áp dụng vào thực tế thì người nghèo lại càng thêm khốn khó. Được giao lập đề án sản xuất, lắp ráp các loại xe 4 bánh để cung cấp, chuyển đổi các loại xe 3, 4 bánh tự chế, SAMCO trình UBND thành phố một loạt mẫu xe 4 bánh phục vụ cho các nhu cầu chở hàng hóa, xe ben chở vật liệu xây dựng, xe chở rác... với giá một chiếc xe khoảng 100 triệu đồng! Với mức giá này, người nghèo không thể với tới, kể cả khi ngân sách hỗ trợ 7 triệu đồng/xe. Ngay cả khi nếu bài toán giá được giải quyết, thì việc sản xuất ra hàng ngàn phương tiện thay thế cho xe 3, 4 bánh tự chế cũng không thể kịp vì thời hạn 30.6 chỉ còn 3 tháng nữa. Mặt khác, khi sử dụng xe 4 bánh thay thế cho xe 3, 4 bánh tự chế, thì những người điều khiển bắt buộc phải học và thi lấy giấy phép lái xe ô tô hạng B2. Theo quy định hiện nay, thời gian học và thi lấy giấy phép B2 là 5 tháng và học phí thi lấy giấy phép lái xe B2 hiện nay khoảng 3 triệu đồng. Trong các quy định hiện hành không có việc hỗ trợ học phí đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người nghèo, nên đây cũng là một cái khó đối với người nghèo.
Đức Trung
Bình luận (0)