Hai người đi khắp Việt Nam

28/02/2008 22:20 GMT+7

Tại trụ sở Hội Nhà báo TP.HCM (14 Alexandre De Rhodes - Q.1) vừa diễn ra cuộc triển lãm ảnh báo chí với chủ đề Xuân - Đất và Người của hai tác giả Bùi Ngọc Tuấn và Hoàng Chí Hùng. Những gì họ đã làm được phải gọi là kỳ tích...

Cày ruộng ở Lào Cai (dân tộc La Chí) - Ảnh: Hoàng Chí Hùng

Ý tưởng thực hiện một chuyến săn ảnh xuyên Việt do Hoàng Chí Hùng đề xuất với CLB Ảnh báo chí (Hội Nhà báo TP.HCM) và nhận được sự ủng hộ của CLB, nhưng vấn đề quan trọng nhất là... tiền tài trợ. Trải qua nhiều cuộc vận động gian nan, cuối cùng họ cũng "gõ trúng cửa" Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn và shop thời trang Sóng Nhạc. Bà chủ Sóng Nhạc ủng hộ vật chất và góp cả đức lang quân của mình vào cuộc hành trình, cộng với phương tiện vận chuyển - đó là anh Bùi Ngọc Tuấn và chiếc xe Toyota Camry.

Lễ xuất quân được tổ chức trang trọng vào ngày 10.3.2007, gồm ba thành viên và một tài xế, từ TP.HCM ngược về miền Tây, xuống mũi Cà Mau rồi ngược ra Bắc, dọc theo quốc lộ 1A, lên tận cao nguyên Đồng Văn - Hà Giang rồi vòng về Tây Nguyên theo đường Trường Sơn, kết thúc tại Tây Ninh ngày 20.8.2007, chỉ còn lại hai người là Bùi Ngọc Tuấn và Hoàng Chí Hùng. Sau lưng họ là cuộc hành trình xuyên Việt suốt 162 ngày đêm không ngơi nghỉ và đầy gian khổ (chỉ tính theo đồng hồ xe, họ đã vượt qua 32.000 km - không tính phần đi bộ, thay hết 4 cặp vỏ xe). Do thiếu kinh nghiệm, đáng lẽ đi ra phía Bắc vào mùa xuân, họ lại xuống miền Tây Nam Bộ thời gian ấy, nên khi ra Bắc Trung Bộ họ được thưởng thức cái nóng rát mặt của gió Lào, còn ra tới biên giới Tây Bắc thì chịu lạnh thấu xương trên những đường đèo sạt lở vô cùng nguy hiểm.

Thác Bản Giốc (Cao Bằng) - Ảnh: Bùi Ngọc Tuấn

Điều khiến họ cảm kích nhất là sự giúp đỡ chí tình từ Hội Nhà báo của 64 tỉnh, thành. Ý định săn ảnh của họ được thâu tóm trong 4 hạng mục: Phong cảnh đất nước - Di tích lịch sử văn hóa - Di tích lịch sử cách mạng - Sinh hoạt, lao động của 54 dân tộc anh em. Đến mỗi tỉnh, họ đều nhờ Hội Nhà báo địa phương tư vấn, nhờ đó tiết kiệm rất nhiều thời gian. Ảnh chụp hoàn toàn tôn trọng thực tế, không hề dàn dựng, không lệ thuộc vào ánh sáng, thời gian, thời tiết... Vậy mà, trong gần 2 triệu bức ảnh đã chụp và 400 bức được chọn để triển lãm, có nhiều tác phẩm khiến giới chụp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp phải xuýt xoa...

Trên bước đường dong ruổi, Bùi Ngọc Tuấn có làm những bài thơ để tự động viên mình và bạn đồng hành, có những câu như "Hai thằng đang đói vượt đèo/Quê hương no mắt cheo leo ngại gì…". Hoàng Chí Hùng kể lại, họ suýt chết cả trăm lần vì sau khi đến Hà Nội, người tài xế bỏ về Sài Gòn, cả hai phải thay nhau cầm lái trên con đường vạn dặm, với một thứ kỹ năng rất... tay mơ, bởi tuy có bằng lái nhưng không hề có kinh nghiệm lái xe thường xuyên. Nhiều lúc xe bị pan hoặc sa lầy giữa đường, Hùng phải tìm vào các bản kêu cứu. Người dân tộc thấy bộ dạng của Hùng (tóc dài, râu quai nón xồm xoàm), thì sợ hãi, trốn biệt hoặc tìm chỗ nấp để quan sát. Những lúc đó, Hùng chỉ sợ, nhỡ họ dùng tên nỏ bắn ra thì hết đường thoát! Nhưng rồi, vượt qua rào cản ngôn ngữ, những người săn ảnh xuyên Việt luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các người mẫu không định trước này. Với Hùng, điều anh ấn tượng nhất là trang phục của đồng bào dân tộc phía Bắc. Bất cứ lúc nào, đồng bào thiểu số cũng mặc trang phục truyền thống, kể cả lúc cày cấy. Giữa bùn đất, sình lầy, những bộ trang phục sặc sỡ nổi bật lên như những bông hoa của núi rừng.

Sống ở nơi cao nhất là dân tộc H'mông, nên nhà của họ cũng dựng ở những nơi cheo leo, hiểm trở nhất. Phía tây Nghệ An có dân tộc Ơ Đu, chỉ còn khoảng gần 200 người nhưng hầu như đã bị Kinh hóa hoặc Thái hóa. Cả bản chỉ còn hai cụ già biết nói tiếng Ơ Đu. Sống quần cư ở phố thị đông nhất là dân tộc Thái ở Sơn La. Món ăn Hùng nhớ nhất là Ong xào măng ở Lạng Sơn và món Bọ xít rang ở Lai Châu. Cảm động nhất là khi mua gương lược đến viếng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc và chụp ảnh ở Nghĩa trang Trường Sơn, nơi nằm lại của 10 ngàn liệt sĩ. Cũng đã nhiều lần các nhà săn ảnh được công an, bộ đội biên phòng hỏi thăm, thậm chí suýt bị bắt giữ vì nghi làm chuyện phi pháp, nếu không nhờ cuốn sổ Nhật ký xuyên Việt đóng đầy dấu đỏ chói của các tỉnh, thành đã đi qua.

Nhà báo Giản Thanh Sơn - Chủ nhiệm CLB Ảnh báo chí cho rằng: "Đây là một chuyến hành trình xuyên Việt dài nhất, ít người nhất, khó khăn nhất... và chắc chắn không có lần thứ hai trong đời làm nghề của Hoàng Chí Hùng và Bùi Ngọc Tuấn".

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.