Nước mắt đoàn tụ sau 35 năm
Khác với những lần trước, số 4 đã đẩy cao trào lên ngay từ đầu, khi anh Nguyễn Hữu Phước, người đã từng lên tiếng tìm kiếm người thân thất lạc từ số 2 của chương trình, được mời trở lại trường quay. Thực ra ở thời điểm biết thông tin về chương trình, anh Phước nằm bệnh viện nhưng cũng đã gắng gượng viết một bức thư và nhờ chị Thiên Thị Mai, ở P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, mang đến đăng ký. Và ngay cả câu chuyện giữa chị Mai với anh Phước cũng khiến người ta phải rung động về lòng nhân ái.
Anh Phước chỉ cung cấp được cho chương trình một bức hình cũ của cha, tên là Nguyễn Văn Tài, lấy từ di ảnh trên bàn thờ, cùng với câu chuyện thất lạc chỉ vỏn vẹn có mấy dòng. Anh kể, ngày nhỏ thường vào sân bay Đức Phổ chơi. Đến tháng 4.1975, một lần vào chơi thì xảy ra trận đánh ác liệt, anh được cha đưa lên máy bay vào Sài Gòn, còn mẹ và các anh chị em khác bị kẹt lại và từ đó không còn tin tức gì của họ.
Anh nhớ mẹ nấu ăn rất ngon, tên Nghi, gốc người Huế còn các anh chị em trong gia đình là chị Lý, anh Chính và một đứa em không nhớ tên. Vào Sài Gòn lúc mới 9 tuổi nên anh Phước cũng không nhớ gì nhiều. Hai cha con tá túc ở nhà chị Mai chưa lâu thì chuyển xuống Long Thành (Đồng Nai). Nhưng ở đó một thời gian ngắn thì cha anh qua đời, mà chẳng kịp trăn trối thông tin gì cho con trai. Lúc bấy giờ, mẹ của chị Mai đã từ TP.HCM xuống Long Thành làm đám tang cho bạn chồng, sau đó rước anh Phước về nuôi dưỡng.
Anh Phước nay đã là một người đàn ông 42 tuổi, đã có vợ và một con. Anh bảo hy vọng duy nhất là một người có tên Phan Đại Hoàng Công. Anh Công từng sống gần nhà anh ở Bình Định và sau này cùng ở cạnh nhau tại Long Thành. Hy vọng gặp được anh Công thì sẽ biết nhiều thông tin về gia đình mình hơn. Chương trình đã tìm ra anh Công, đang công tác tại Cục Thuế Đồng Nai, nhưng hy vọng của anh Phước đã tắt lịm vì anh Công cũng không có thông tin gì.
Nhưng ở một hướng khác, từ Gia Lai, người dì ruột của anh Phước đã theo dõi chương trình trên truyền hình, choáng váng khi thấy cháu mình thông báo tìm mẹ và các anh chị. Những cái tên đều trùng khớp và khuôn mặt "giống như đúc" đã khiến người đàn bà này như thét lên khi bốc điện thoại gọi về Huế cho chị Lý. Và chính từ cú điện thoại đó, anh Phước đã khiến hàng triệu khán giả truyền hình tối 1.3 vừa qua không thể cầm được nước mắt khi lần lượt đoàn tụ với anh trai, chị gái và đứa em út của mình. Những người đàn ông như đã trôi ngược lại tuổi thơ của mình và họ khóc như chưa bao giờ được khóc.
"Ông Tây Việt Cộng" Andre Menras - một người bạn của nhân dân Việt Nam từ những năm chiến tranh cũng đã có mặt trong chương trình tìm kiếm người thân tối 1.3 tại trường quay và kể câu chuyện về một người bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa những năm 1970 khiến ai nấy đều cảm phục. Ông nói sau sự kiện treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ông bị chính quyền Sài Gòn tống giam vào khám Chí Hoà và sau đó họ muốn vu khống ông là người điên để vô hiệu hóa "quả bom" giữa Sài Gòn mà ông đã cùng với người bạn của mình thực hiện. Họ đã ép một bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa làm chuyện ấy nhưng người bác sĩ chính trực đó đã kiên quyết từ chối. Gần 40 năm đã trôi qua và giờ đây ông mong muốn nhờ chương trình tìm kiếm giúp người bác sĩ ấy. |
Hai chị em mất mẹ
Và tại trường quay, khi những giây phút nghẹn ngào trong cảnh đoàn tụ của gia đình anh Phước chưa kịp tan thì khán giả đã bị cuốn theo câu chuyện thương tâm của hai chị em chị Phạm Thị Lời. "Thưa chị, chị tìm ai?", vẫn câu hỏi quen thuộc của MC Hồng Phúc mỗi khi dừng micro trước một vị khách mời. Chị Lời nói muốn nhờ chương trình tìm giúp em gái tên Phụng, ba tên Phạm Văn Du và một người chị cùng mẹ khác cha tên Trần Thị Lạc.
Chị kể ba chị đi kháng chiến, sau giải phóng mới về sống với gia đình nên từ lúc mới sinh đến năm mười mấy tuổi chị mới biết mặt cha. Nhưng năm 1978, má chị giận ba nên dẫn chị và em gái, tên Phụng bỏ nhà lên Tây Ninh ở với một người bà con xa. Khi hết giận, trên đường từ Tây Ninh đưa hai con thơ trở về thì bệnh lao của bà trở nên trầm trọng nên phải vào bệnh viện. Rồi ngay ngày mồng một Tết năm 1979, bà đã trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện.
"Còn lại hai chị em tôi, suốt 10 ngày lang thang trong viện, đến ca trực của bác sĩ nào thì bác sĩ ấy cho ăn. Rồi thì bệnh viện đưa hai chị em tôi vào Nhà thiếu nhi Thủ Đức. Năm đó tôi 12 tuổi, em tôi lên 8. Được một thời gian thì có người xin hai chị em làm con nuôi nhưng tôi không chịu. Người ta mượn em tôi, nói là cho đi chơi vài hôm rồi về nhưng đã đưa đi luôn", chị Lời nhớ lại.
"Chị đã thử đi tìm chưa?". Trả lời câu hỏi này của MC Hồng Phúc, chị Lời nói: "Năm 1984 tôi tình nguyện đi thanh niên xung phong và lên công tác ở Đắk Nông, sau đó cũng có mấy lần quay về trường hỏi tin em Phụng nhưng không có gì". Khi được hỏi những thông tin về gia đình trước đây, chị nói chỉ còn nhớ là nhà ở Giồng Trôm, gần sông Vàm Cỏ. Ba chị da đen, tóc xoăn sát đầu, ngoài chị và em gái, ba chị còn có thêm 3 người con riêng là anh Lịch, chị Nga và chị Những. Thường thì đến đây, MC Hồng Phúc sẽ hướng về khán giả với câu: "Số điện thoại của chúng tôi là 08 264 7777. Xin hãy lên tiếng". Nhưng tối hôm ấy nhà báo Thu Uyên đã nhìn vào hồ sơ và nói như reo vui: "Vâng, chính xác rồi. Mời chị nhìn lên màn hình đi, chúng tôi có thông tin cho chị".
Một phóng sự dài về cảnh vùng quê nông thôn ở huyện Đức Hòa (Long An) được chiếu lên, chị Lời đã nhìn thấy sông Vàm Cỏ với những địa danh thân quen trong ký ức tuổi thơ của mình và những người thân. Chị đã vỡ òa lên nghẹn ngào ngay từ lúc ấy. Và chị không thể ngờ rằng ngay tại trường quay, chương trình đã mang đến cho mình tất cả những người thân, kể cả một lời chia buồn là ba chị, ông Ba Du, đã mất hơn một năm rồi.
Chương trình sẽ được phát lại trên VTV1 lúc 14 giờ 55 ngày 7.3.2008 (thứ sáu) và phát lại trên Thanhnien Online tuần này.
Võ Khối
Bình luận (0)