"8 tháng 3 để làm gì?", ai muốn chắc, có thể tra cứu các tài liệu. Sẽ có đầy đủ lịch sử của những cuộc đấu tranh đòi quyền được làm người, quyền được có ý kiến, quyền được bầu cử, hay chỉ giản đơn là quyền được ra phố mà không phải trùm kín cả khuôn mặt...
"Tìm hiểu mà làm gì, chỉ là một ngày để các bà đòi quà và hành tội đàn ông thôi!", một anh bạn lầm bầm như vậy, rồi đọc câu thơ vui: "Hôm nay mồng tám tháng ba/tui giặt dùm bà cái áo của tui...".
Giật mình, bởi hình như lâu nay, ta đơn giản nghĩ về 8 tháng 3 như một ngày "lễ", một ngày "trả nợ" cho phụ nữ. Ngày đó, thôi thì hoa hồng, thôi thì lời chúc mừng, thôi thì quà tặng, thôi thì ga lăng, thôi thì tất cả chị em là nhất trên đời. Một ngày nhiều thật nhiều niềm vui, nhiều thật nhiều hoạt động chúc mừng. Xã hội càng văn minh, thì người ta càng chăm sóc nhau nhiều hơn trong những ngày đặc biệt như thế này. Đó là điều thật sự đáng quý!
Nhưng bấy nhiêu cái đáng quý như vậy có lẽ chưa đủ, và chưa xứng tầm với một ngày tôn vinh phụ nữ. Vì không lẽ cả thế giới đấu tranh trong suốt hàng trăm, hàng ngàn năm, bằng rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu chỉ để có một ngày để vui, để chúc tụng nhau?
8 tháng 3, ẩn sau những niềm vui, những ga lăng, những chúc tụng này, còn có một câu chuyện khác: đàn ông đang nghĩ gì về vai trò và khả năng thật sự của phụ nữ, và phụ nữ đang nghĩ gì về vai trò và khả năng thật sự của chính mình ở khắp mọi nơi, trong gia đình, cơ quan và cả trong xã hội?
Từ ngàn xưa, "tam cương" (quân-thần, phụ-tử, phu-thê) và "ngũ thường" (nhân-lễ-nghĩa-trí-tín) là chuẩn hành xử của đàn ông. Còn phụ nữ phải bó mình cùng "tam tòng" (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và "tứ đức" (công-dung-ngôn-hạnh). Cái "xương sống" của xã hội vẫn chỉ là "quân-sư-phụ" mà không hề có bóng dáng của người phụ nữ... Trên cái nền nhận thức như vậy, đàn ông mặc nhiên được xem là "phái mạnh" trong xã hội, là "người chủ" của gia đình. Chính vì thế, nhiều người vô tư bảo: "Phải đi làm kiếm tiền nuôi vợ con". Nuôi con thì được, nhưng tại sao lại là "nuôi vợ"? Hình như có cái gì đó rất... ban ơn trong câu nói này. Có lẽ nhiều người vẫn chưa nhìn nhận một cách xác đáng vai trò và năng lực của người phụ nữ, ngay cả trong gia đình. Nhưng, nhiều chị em cũng thản nhiên chấp nhận mình "được nuôi" mà không tự đánh giá đúng về vai trò của mình với một núi những đóng góp thầm lặng, không tên mà vĩ đại.
Và trong cơ quan, ở đâu đó vẫn còn có những ái ngại khi bổ nhiệm một phụ nữ làm "sếp". Những phụ nữ làm "tổng giám đốc" thì vẫn được xem là "phi thường", thường được gắn vào người những các mác "siêu nhân", "ma-đam sắt"... Những câu chuyện minh chứng cho vai trò và khả năng của phụ nữ cũng đã và đang được thông tin mỗi ngày, nhưng cách nhìn lúc nào cũng có cái gì đó kỳ lạ hay nghi ngại, chứ ít ai mặc nhiên thừa nhận như chuyện tự nó phải là như vậy.
Chắc hẳn nỗ lực của những người phụ nữ như bà Hillary Clinton đang chạy đua vào chiếc ghế tổng thống của một siêu cường, bà Angela Merkel đang làm Thủ tướng Đức, bà Nguyễn Thị Bình đã thành công với vai trò trưởng đoàn đàm phán cấp cao của Việt Nam đi ký hiệp định Paris, hay chị dân quân Nguyễn Thị Tuyển cõng thùng đạn hàng trăm ký chạy băng băng qua cầu Hàm Rồng... cũng đã góp phần cải thiện "cách nhìn nhận của đàn ông về phụ nữ" và "cách nhìn nhận phụ nữ về chính mình".
Liên Hiệp Quốc, cơ quan đã chọn ngày 8 tháng 3 hằng năm là ngày "nói lên quyền của phụ nữ". Khi phải "nói lên quyền", tức nữ quyền vẫn còn là một điều bị xâm phạm, ít nhất là trong suy nghĩ của mỗi con người. Ngày nay, cái đích cao nhất mà loài người hướng đến là "phẩm giá của con người", là "sự bình đẳng"... Và để cải thiện một cách căn bản "vai trò của phụ nữ", còn có một cách, như một câu nói lừng danh thế giới của một nhà khai sáng vĩ đại người Nhật: "Trời không sinh ra người ở trên người. Trời cũng không sinh ra người ở dưới người. Tất cả đều do sự học mà ra".
Giản Tư Trung
Bình luận (0)