Đưa tranh Đông Hồ lên chất liệu đồng

12/03/2008 14:35 GMT+7

Đưa những bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng lên chất liệu đồng là ý tưởng độc đáo của nghệ nhân Nguyễn Văn Điền ở làng đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình (Bắc Ninh).

Thực hiện thành công ý tưởng này từ năm 2000, ông Điền đã đóng góp một phần quan trọng vào việc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh của cả làng đúc đồng Đại Bái, làm hồi sinh làng nghề ngàn năm tuổi đang có nguy cơ mai một. Với nhiều sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ tinh xảo, có chất lượng cao, hàng loạt mặt hàng đồ đồng của làng thủ công truyền thống Đại Bái đã đến với đông đảo bạn hàng trong và ngoài nước.

Năm nay 60 tuổi nhưng ông Điền vẫn nặng lòng với nghề đúc đồng, mê say sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị mỹ thuật và giá trị kinh tế cao. Nghề đúc đồng ở Đại Bái có từ hàng ngàn năm, đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, nên ông rất trăn trở tìm hướng để khôi phục, phát triển nghề trong thời kỳ sản xuất kinh doanh theo cơ chế mới.

Năm 2000, khi có dịp đến thăm làng tranh Đông Hồ, ông đã say mê và ước mong đưa được tranh lên chất liệu đồng. Khi mới bắt tay vào làm các mặt hàng, ông gặp không ít khó khăn, những nét vẽ tinh tế của tranh Đông Hồ trên các bức tranh "Tố nữ", "Mục đồng thổi sáo", "Đánh ghen", "Đám cưới chuột", "Hứng dừa"... thật khó thể hiện trên chất liệu đồng. Qua nhiều lần thử nghiệm với sự giúp đỡ của những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ, ông đã thành công. Từ đó, ông tiếp tục mở rộng phạm vi sản xuất, bên cạnh tranh Đông Hồ ông còn làm tranh chữ, tranh phong cảnh theo yêu cầu của khách. Đến giờ, tranh đồng của gia đình ông đã trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất, và được bán ra khá nhiều thị trường thuộc các tỉnh miền Bắc.

Không chỉ trụ vững ở thị trường trong nước, sản phẩm của ông đã bước đầu vươn tới các thị trường "khó tính" như Đài Loan, các nước Đông Nam Á. Thành công của ông đã lôi kéo được nhiều người quay lại với nghề truyền thống, mang lại sức sống mới cho làng đúc đồng, tạo điều kiện cho hàng trăm cơ sở sản xuất, làm ra các sản phẩm tinh xảo, có giá trị như chóe, tượng, phù điêu…

Hơn 20 năm gắn bó với nghề đồng, ông Nguyễn Văn Điền đã dành được nhiều danh hiệu và giải thưởng tại các triển lãm, các cuộc thi trong tỉnh và cả nước. Đặc biệt, sản phẩm “Chóe ngũ sắc” (đen, đỏ ròng, vàng, xanh, bạc) của gia đình ông được Hiệp hội Hỗ trợ Phát triển tài năng Việt Nam trao tặng danh hiệu “Tinh hoa đất Việt”. Từ một xưởng đúc nhỏ bé, một mình phải đảm đương nhiều công đoạn sản xuất, đến nay ông đã có trong tay một xưởng đúc gần 1.000 mét vuông, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Hơn 40 thợ làm việc trong xưởng đúc của ông đều có thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Hằng ngày, tuy bận bịu với việc sản xuất nhưng ông vẫn tận tâm dạy nghề cho thanh thiếu niên trong làng để con cháu tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống, làm ra các sản phẩm có chất lượng hơn trong cuộc sống mới hôm nay.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.