Tàu cá nằm bờ

13/03/2008 23:09 GMT+7

Sản lượng đánh bắt thấp, giá cá hạ, tư thương ép giá, giá dầu tăng cao... là những nguyên nhân khiến ngư dân rơi vào cảnh "trơ mắt" nhìn tàu thuyền nằm bờ.

Càng đi biển càng lỗ

Thời gian này đang vào mùa đánh bắt. Vậy mà có hơn 50% tàu thuyền của ngư dân Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) đánh bắt xa bờ phải nằm bờ. Ông Huỳnh Nơi, chủ tàu PY5193, buồn bã nói: "Chi phí mỗi chuyến đi biển dài ngày hơn 100 triệu đồng. Trong khi sản lượng khai thác đạt thấp, giá cả lại hạ, tư thương ép giá. Với tình trạng này, ngư dân khó mà đưa tàu thuyền ra khơi đánh bắt. Tàu nằm bờ thì ngư dân vỡ nợ!". Trong chuyến đầu tiên của mùa khai thác, ông Nơi phải vay mượn để sắm chuyến, nhưng rồi chuyến biển về lại lỗ trên 10 triệu đồng, đành neo bờ gần tháng nay. Biết rõ tàu đi khơi sẽ không có lãi, nhưng nhìn tàu nằm bờ bị hàu bám, ông Nơi lấy làm sốt ruột, phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền để sắm chuyến mới. Đùng một cái, giá dầu lên, đành bấm bụng nhờ cơ sở bán xăng dầu cho ký nợ nửa số tiền dầu để chuẩn bị ra khơi.

Giá cá ngừ loại một (đạt phẩm cấp xuất khẩu nguyên con - PV) dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg. Ông Đặng Văn Hùng, ngư dân Đông Tác (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) bức xúc: "Chi phí một chuyến biển gần 100 triệu đồng. Muốn lấy lại chi phí thì phải đánh bắt hơn 1,2 tấn cá ngừ loại một, nhưng thực tế mỗi chuyến chỉ cầu mong bắt được chừng vài trăm ký loại một là mừng lắm rồi, lấy đâu ra chừng ấy cá loại một".

Anh Ngô Văn Phú (29 tuổi), ở xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) đã không nhớ nổi mình đã mời bao nhiêu người mua chiếc tàu đang nằm bờ. Trước đây, gia đình anh Phú vay ngân hàng 100 triệu đồng, lấy vốn cổ đông mua chiếc tàu trên 290 triệu đồng. Sau 4 năm tàu vươn khơi, anh lỗ trên 200 triệu đồng. Vụ này chi phí sắm chuyến, tiền dầu tăng quá cao, anh Phú đành đi bạn cho tàu khác để lo kinh tế gia đình, đồng thời đang kêu bán chiếc tàu với giá 150 triệu đồng để trả nợ!

Hiện nhiều ngư dân đang vay mượn vốn mua dầu, sắm chuyến và "đặt cược" số phận may rủi vào chuyến ra biển thứ hai trong vụ này. Nếu tàu tiếp tục hoạt động lỗ vốn, thì đời sống của ngư dân không biết sẽ đi về đâu. Do vậy, nhiều ngư dân kiến nghị  có chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá dầu cho tàu thuyền để có điều kiện vươn khơi khai thác thủy sản...

Tìm biện pháp hỗ trợ ngư dân

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để đánh bắt được 1 tấn sản phẩm hải sản, trung bình cần từ 900 - 1.000 lít dầu. So với giá dầu trước tháng 11.2007 là 8.700 đồng/lít và trong tháng 2.2008 là 10.500 đồng/lít thì mỗi kg sản phẩm phải chịu thêm 1.800 đồng. Trong hai năm qua, giá nhiên liệu tăng đến 40% trong khi giá sản phẩm chỉ tăng bình quân 10-15%.

Kết quả khảo sát trong tháng 2 (thời điểm trước khi dầu tăng giá) do Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một loạt các tỉnh, thành cho thấy, hầu hết các chi phí cho nhu cầu phục vụ chuyến biển đều tăng mạnh, trong khi giá sản phẩm hải sản lại tăng không đáng kể. Đối với đội tàu lưới kéo đôi, công suất khoảng 900 CV tại ngư trường Tây Nam Bộ, chi phí nhiên liệu cho một chuyến đi khoảng 40 ngày tăng từ 328 triệu đồng lên 382,8 triệu đồng và chiếm tỷ trọng đến 78,2% tổng chi phí tăng thêm toàn chuyến đi; trong đó doanh thu chuyến biển tăng từ 620 triệu đồng lên 640 triệu đồng làm cho thu nhập của chủ tàu và người lao động giảm rất mạnh, dẫn đến một loạt các đội tàu lưới kéo tại các tỉnh trọng điểm như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang và Cà Mau phải nằm bờ.

Trước thực tế này, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn chỉnh văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho ngư dân. Theo đó, kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ 20% lượng dầu tiêu hao thực tế và thực hiện chi trả bằng tiền tại thời điểm mua nhiên liệu.

Đức Huy - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.