“Chiêu độc” của dân đánh giày

16/03/2008 22:34 GMT+7

Không ít người đánh giày dạo phố đang áp dụng chiêu bảo dưỡng, chăm sóc định kỳ đôi giày cho khách hàng mà không lấy tiền để giữ mối quen.

Như mọi ngày, quãng 8h30 sáng, anh Nguyễn Tiến Cường (nhân viên một công ty có trụ sở đóng trên đường Kim Mã) có mặt ở quán nước trà ngay đầu phố trên phố Trần Huy Liệu. Mới nhấp ngụm nước trà đặc sánh nóng bỏng môi, chưa kịp ngó qua tỉ số lượt về vòng "nốc ao" Cúp C1, Tiến Cường thoáng giật mình bởi câu nói: "Chú để cháu xem qua cho đôi giày". Tuy là "xem qua", nhưng Văn - tên cậu bé đánh giày (quê Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng tháo dây buộc, dùng chổi lông thô lau qua lớp bụi, vết mờ xuất hiện trên mặt da, viền sát đế của đôi giày, kế đến là cầm miếng vải nhung màu gụ chà qua chà lại nhiều lần - khiến bề mặt đôi giày da đen mới được chính tay cậu đánh xi buổi chiều hôm trước càng thêm bóng. Đây là chiêu bảo dưỡng giầy miễn phí mà cậu bé dành cho ông khách hàng mới của mình.

Cũng đánh giày, bảo dưỡng, chăm sóc định kỳ giày cho khách tại mấy quán cafe, quán ăn điểm tâm kế bên khu vực khách sạn Hà Nội, mà không tính thêm tiền công vào mỗi lần đánh giày như Văn, nhưng cái cách làm của Sửu (quê Kiến Xương, Thái Bình) còn công phu hơn nhiều. Trong chiếc hộp gỗ, ngoài những hộp xi, bàn chải, chổi lông, đệm mút... đồ nghề của Sửu còn lỉnh kỉnh hộp keo 502, keo Dog, dao kéo, kim cùng chỉ khâu giày. Giơ đôi giày da nâu - kiểu dáng mặc quần jean rất sang trọng, Sửu cười tươi tiết lộ: "Đôi này của anh Hải, khách quen của em từ hai năm nay đấy. Sáng qua cũng mới đánh, nhưng trưa nay tới quán, thấy giày bị há một chút ở chỗ da tiếp xúc với phần đế ở đầu mũi. Em bảo ngay anh ấy tháo, để em dùng keo ép, rồi khâu chỉ dù vàng... bảo dưỡng qua bằng mút, lại tươm như mới".

Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có nhiều dân ngoại tỉnh làm nghề đánh giày. Nhưng đánh giày "kiêm" bảo dưỡng, chăm sóc những phần hỏng trên đôi giày cho khách, tại những địa điểm quen thuộc như Cường, Sửu lại không nhiều. Phần vì làm vậy xi đánh giày bỏ ra không đáng, nên "ngại" hỏi thêm tiền công và cũng còn vì phải rong ruổi thêm nhiều quán để tìm khách đánh. Bên cạnh đó, nếu đem so sánh với các "đồng nghiệp" chỉ đánh xi mới cho giày, thì thời gian cũng như công sức bỏ ra của những Cường, Sửu... là nhiều hơn.

Tuy nhiên, "Chúng nó thế mà khôn, chẳng phải đi đâu xa cho mệt. Cứ khách quen, đúng giờ là tới quán uống nước. Nay đánh, mai bảo dưỡng qua cho họ không lấy tiền, ngày kia lại đánh xi mới", bà chủ quán nước tên Huyền trên phố Giảng Võ nhận xét. "Mấy cậu hay đánh giày ở quán tôi đều có thu nhập ổn định hơn những cậu đi rong khắp các quán trên phố. Nhiều hôm uống hết cốc nước, chưa thấy bọn trẻ đến, khách đều gọi thêm điếu thuốc, đĩa hạt dưa... nấn ná đợi mấy nhóc xuất hiện để đánh giày", anh Thiệu - chủ quán cafe trên phố Triệu Việt Vương cho biết.

Như trước đây, đi rạc chân cả ngày, hết Nguyễn Du, qua Triệu Việt Vương, lên Bờ Hồ, ra khu vực phố Hàng Hành, Nhà Thờ... hên lắm thì Dương (Duy Tiên, Hà Nam) cũng chỉ đánh được 7 - 9 đôi giày. Và mọi chuyện đổi khác khi cậu kiêm luôn công việc của thợ sửa giày, bảo dưỡng, chăm sóc định kỳ không tính công cho khách. "Giờ em chỉ đánh ở mấy quán nước trên phố Nguyễn Du và Triệu Việt Vương thôi. Nhưng một ngày cũng được 13 tới 15 đôi, đỡ hơn hẳn. Chỉ có việc là em phải nhớ thói quen của khách là hay tới quán vào khoảng giờ nào".

Gặp anh Vũ Viết Lâm (công tác trong một cơ quan trên phố Bà Triệu) ngồi chờ Dương chăm sóc đôi giày bằng miếng vải nhung tại quán cafe gần hồ Hale. Anh Lâm kể: "Mình hay mang giày nâu. Nếu nhiều người đánh, mỗi người một màu, nâu nhạt, đôi khi lại nâu đậm, rồi màu ca cao..., nên mình chỉ để cậu Dương đánh. Nhiều hôm giày sứt mũi, bung chỉ cậu ấy cũng  nhiệt tình sửa giúp mà không tính tiền. Lịch của mình là sáng thứ hai đánh xi mới, sáng thứ ba bảo dưỡng, đánh qua bằng vải, chổi mút một lần, rồi tới sáng thứ tư lại đánh xi tiếp, cứ thế... Giá đánh xi một đôi giày là 4.000đ, nhưng lần nào đánh mới mình cũng giả cu cậu 6.000đ".

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.