Chứng viêm loét miệng, lưỡi

19/03/2008 14:44 GMT+7

Viêm lở môi, miệng, lưỡi khiến việc ăn uống không ngon miệng, khó chịu... Vì đâu?

Theo lương y Nguyễn Công Đức (giảng viên trường Đại học Y Dược, TP.HCM): viêm loét lưỡi, miệng xảy ra, theo y học cổ truyền, thường là do một số nguyên nhân như: dùng nhiều thức ăn cay, béo, ngọt, uống nhiều rượu tạo ra nhiệt tổn làm hại tâm tỳ, sinh chứng lở loét ở khoang miệng; do thấp nhiệt (nhiễm trùng) khiến trong miệng có nhiều vết loét màu trắng làm đau đớn, không ăn uống được; do lúc cơ thể đang suy yếu gây ra chứng loét miệng; tinh thần suy nhược, tâm tình uất ức ảnh hưởng đến vị tâm, thận lâu ngày tích nhiệt cũng sinh ra chứng lở loét ở miệng, lưỡi...


Huyền sâm - Ảnh: K.Vy

Trị theo y học cổ truyền

Theo lương y Nguyễn Công Đức, tình trạng miệng, lưỡi bị lở, viêm loét thường được chia ra các thể như sau:

Thể thực hỏa - do tâm tỳ bị hỏa độc mà sinh ra. Triệu chứng biểu hiện, vết loét sưng đỏ, có mủ, nóng rát, đau nhức, miệng khô, hôi, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, nước tiểu đỏ, cầu táo. Trong trường hợp này, phép trị sẽ là "thanh nhiệt tả hỏa tâm tỳ", với bài thuốc Nam gồm những vị thuốc: cỏ mực, cát căn, mè đen, rau đắng đất (mỗi loại 20gr), cam thảo Nam, lá tre (mỗi loại 16gr). Tất cả đem sắc (nấu) với 4 chén nước (độ 800ml), nấu còn lại 1 chén rưỡi thuốc.


Cúc hoa - Ảnh: K.Vy

Chia làm 3 lần dùng trong ngày, mỗi lần nửa chén. Ngoài ra, thể bệnh này còn có thể trị bằng cách  dùng bài thuốc cổ phương là "Đạo xích tán gia giảm", với các vị thuốc: sinh địa, thạch cao, lô căn (mỗi vị 20gr), huyền sâm, tri mẫu (mỗi vị 16gr), mộc thông, trúc diệp, ngọc trúc (mỗi vị 12gr), cam thảo, thăng ma (mỗi vị 8gr). Đem tất cả nấu với 5 chén nước (1 lít) còn lại 1 chén rưỡi thuốc, dùng lúc còn ấm, mỗi ngày 3 lần, mỗi lần nửa chén.


Tri mẫu - Ảnh: K.Vy

Thể hư hỏa - do vị âm hư, thận âm hư, tân dịch bị hao tổn mà sinh ra. Triệu chứng biểu hiện thường là nổi các vết loét, sưng đau, chảy máu, lưỡi đỏ... Ở thể này, tình trạng lở miệng rất dễ tái phát những khi sức khỏe suy giảm, người mệt mỏi. Phép trị dùng cho thể này là "dưỡng âm, thanh nhiệt", với bài thuốc Nam gồm: mè đen, mắc cỡ, cỏ mực, rễ đinh lăng (mỗi loại 20gr) cùng 16gr rễ nhàu, 12gr sài đất và 40gr đậu đen. Đem nấu với 5 chén nước, nấu còn lại 1,5 chén thuốc, chia 3 lần dùng  trong ngày, lúc thuốc ấm. Nước thứ hai có thể nấu để uống cả ngày. Còn bài thuốc cổ phương ở thể này là bài "Lục vị tri bá gia giảm", gồm các vị: trạch tả, đơn bì, bạch linh, tri mẫu (mỗi vị 8gr), huyền sâm, bạch thược, táo nhân (sao đen), sơn thù, hoàng bá (mỗi thứ 12gr), cùng 16gr hoài sơn và 20gr sinh địa. Đem nấu với 4 chén nước, nấu còn lại 1,5 chén thuốc, chia làm 3 lần dùng trong ngày, lúc thuốc còn ấm.

Ngoài ra, còn có các bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian dùng chữa lở, viêm miệng, lưỡi:

- Dùng mủ trái chuối (chuối nào cũng được) còn non ở trên cây, cắt núm trái chuối cho chảy mủ đựng vào ly nhỏ, rồi dùng miếng gạc quấn vào ngón tay trỏ, thấm mủ chuối và rơ lên lưỡi, chà mạnh cho tróc phần bị tổn thương. Sau đó pha nửa phần mủ chuối với ít mật ong thoa lên lưỡi, mỗi ngày làm 2-3 lần như thế.

- Dùng 100gr lá bồ ngót tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, ngụm một miếng nước cốt rau bù ngót giữ 15 phút. Ngày ngậm 3-4 lần.

- Dùng 100gr vỏ cây xoài còn tươi, cạo bỏ vỏ thô bên ngoài, chặt nhỏ rồi cho cùng 10gr muối hột đem nấu với 1 lít nước, nấu còn lại nửa lít, lọc kỹ, cho vào chai thủy tinh đậy kín. Mỗi ngày cũng làm giống như nước bù ngót nói trên

- Nếu bị viêm vòm miệng có thể dùng 60gr tim sen, 20gr cam thảo, 10gr bồ công anh, đem nấu nước uống cả ngày; hoặc dùng 50gr đậu xanh, 29gr cúc hoa, đem nấu với 2 chén nước, nấu sôi 10 phút, để nguội súc miệng nhiều lần trong ngày...

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.