Giáo sư Condominas nay đã 87 tuổi, vẫn còn rất phong độ. Ông về Quảng Nam và Quảng Ngãi theo một chương trình rất bất ngờ: tìm hiểu về cây quế. Ông nói rõ: đó là cây quế rừng, cây quế tự nhiên từng sống hàng nghìn năm nay ở Trà Bồng và Trà My, và đã làm nên "thương hiệu quế" cho hai vùng đất giáp nhau này. Cái gì khiến giáo sư dân tộc học G.Condominas quan tâm đến cây quế rừng Trà Bồng? Câu trả lời của ông thật đơn giản: ông muốn tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu về cây quế Trà Bồng mà thân phụ ông - quan một Luis Condominas, người từng nhiều năm làm trưởng đồn lính khố xanh ở Trà Bồng trong thời thuộc Pháp - từng theo đuổi nghiên cứu. Rất tiếc, những tài liệu quý báu mà thân phụ ông bỏ công trong nhiều năm mới có được đã bị quân Nhật trong cuộc đảo chính Nhật - Pháp tịch thu hết, và đã thất lạc cho tới bây giờ.
Càng nghe giáo sư Condominas nói, tôi càng ngạc nhiên. Thì ra, ngay từ thế kỷ thứ 6, và có thể trước đó nữa, cây quế Trà Bồng đã được các thương nhân Ả Rập biết đến. Họ đã tới tận Trà Bồng và mua quế của ta mang về tới Tây Á! Quế Trà Bồng đã có "thương hiệu" không dưới một nghìn năm, và đã nổi tiếng thế giới từ trước khi chúng ta biết thế giới này là "thế giới phẳng" ít nhất… 1.500 năm! Nghiên cứu đời sống cây quế rừng Trà Bồng để hiểu về đời sống con người, đời sống các dân tộc từng quần tụ dưới bóng mát và hương thơm của cây quế, chẳng phải là hướng đi độc đáo của một nhà dân tộc học đó sao? Nhưng qua cách mà giáo sư Condominas tiếp bước nghiên cứu của thân phụ mình, tôi lại ngẫm ra một điều: phải yêu mảnh đất này, rừng núi này, cây quế này, và như thế là yêu những dân tộc sống ở "vùng rừng quế" này đến thế nào thì mới dấn bước điền dã nghiên cứu khi đã ngót 90 tuổi chứ! Thân phụ của giáo sư Condominas là một "ông Tây thực dân" chánh hiệu, nhưng lại là người đã say đắm với loài cây "thơm tho ai biết ngát lừng ai hay".
Cho tới giờ, theo hiểu biết thiển cận của tôi, thì hình như chưa có nhà thực vật học nào của Việt Nam nghiên cứu thật sâu sắc và toàn diện về cây quế Trà Bồng, Trà My cả. Mà đó thực sự là một của quý, một "của gia bảo" truyền đời của cha ông mình gửi lại cho con cháu. Rất tiếc, từ sau giải phóng, chúng ta đã hơn một lần vội vã, hời hợt với gia sản này, và đã đưa những giống quế ngoại lai chất lượng kém vào trồng tại Trà Bồng, xóa dần và đẩy cây quế rừng Trà Bồng chánh hiệu lùi sâu vào quên lãng. Nếu có ai đó, từ sau giải phóng, bỏ công sức, thời gian nghiên cứu sâu về cây quế Trà Bồng như cha con giáo sư Condominas đã làm, và bảo vệ, gây dựng cuộc sống xứng đáng cho cây quế "thương hiệu Trà Bồng" thì giờ đây chúng ta đâu đến nỗi sắp tuột tay giống quế tuyệt vời từng nổi tiếng thế giới này?
T.T
Bình luận (0)