Nhàm chán game show

24/03/2008 23:05 GMT+7

Không ít khán giả màn ảnh nhỏ cho biết họ đã nhàm chán với trò chơi truyền hình (game show). Lý do chính là tuy xuất hiện ở nhiều đài truyền hình, nhưng chúng lại na ná nhau...

Có thể nói, game show là một loại hình giải trí dễ thu hút sự quan tâm của khán giả, cũng giúp tăng nguồn thu đáng kể cho nhà đài từ quảng cáo. Nhưng nếu trước đây, người ta bị cuốn hút bởi sự mới lạ, thú vị và bổ ích khi xem (dù có game chỉ đơn thuần là giải trí) thì bây giờ, nhiều game show chỉ còn hấp dẫn đối với người... dự thi. Chính vì giải thưởng béo bở và kiếm tiền khá dễ (cứ được thi ắt sẽ có tiền), nên người người đổ xô đi "săn" game show mà tham dự, và nhà đài lại tăng cường sản xuất chương trình. Tuy nhiên, chất lượng chương trình lại không được chú trọng như số lượng, nên tất yếu người xem bị "quá tải". Nhận ra điều này, những người làm chương trình của Đài truyền hình VN đã chủ trương dừâng lại ở mức bình quân 2 game/ngày và phát xen kẽ nhau. "Dù có nhiều lời mời nhưng chúng tôi không nhận thêm nữa, như vậy là đủ rồi. Có chăng là chỉ thay đổi, cải tiến để nâng chất cho chương trình", biên tập viên Bùi Thu Thủy, Phó trưởng ban Thể thao - Giải trí và Thông tin kinh tế, Đài truyền hình VN cho biết.

Không ít người xem than phiền rằng tại sao các nhà sản xuất game show lại chấp nhận để các chương trình của mình cứ "giông giống" như chương trình đài khác. Trước đây, nhiều người thắc mắc tại sao đã có Rồng vàng (HTV - Đài truyền hình TP.HCM) rồi lại có thêm Ai là triệu phú (VTV - Đài truyền hình VN), trong khi cả hai đều có cách chơi gần giống nhau. (Không giống sao được, vì tuy khác format nhưng cả hai đều có nguồn từ chương trình Who wants to be a millionaire, ra đời tại Anh quốc). Hình thức đoán giá trong Siêu thị may mắn (HTV) và Hãy chọn giá đúng (VTV) cũng chẳng khác gì mấy. Đây cũng là hai game show bị cho là thuần quảng cáo, tính giải trí không cao, cũng không cung cấp nhiều kiến thức cho người xem. Rồi những câu hỏi khám phá thế giới tuổi thơ trong Chuyện nhỏ, Bí mật gia đình (HTV) cũng được thấy đâu đó trong Ô cửa bí mật (phiên bản mới của Ở nhà chủ nhật) và Ngộ nghĩnh tuổi thơ (VTV)... Tuy mỗi đài có đối tượng khán giả riêng, hoặc gu giải trí của người xem phía Nam không như phía Bắc, nhưng theo bà Bùi Thu Thủy thì "những người làm chương trình nên nhìn xem các kênh khác đã có gì để tránh trùng lắp, tránh gây nhàm chán". Còn "nếu tình cờ giống nhau thì chương trình nào dở hơn, tự khắc sẽ mất dần khán giả", đại diện Phòng sản xuất game show của Công ty Đông Tây khẳng định.

Đúng là với những chương trình chỉ mang tính giải trí, người sản xuất cần phải đề cao sự sáng tạo, bởi nhu cầu thưởng thức, sự kén chọn của người xem truyền hình ngày một nâng cao. Tuy nhiên, ở các chương trình truyền hình thực tế và game show mang tính nhân văn như: Một điều ước, Tiếp sức (VTV), Ngôi nhà mơ ước, Câu chuyện ước mơ, Vượt lên chính mình (HTV)..., thì dù ý tưởng có "đụng hàng" nhưng những hoàn cảnh, số phận khác nhau của nhân vật, cảm xúc của người làm chương trình lại tạo nên bản sắc, sự thu hút riêng đối với người xem.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.