Đê biển xuống cấp nghiêm trọng

24/03/2008 22:53 GMT+7

Hầu hết các tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đều không đảm bảo yêu cầu, nhiều đoạn đê bị vỡ, nhiều khu dân cư đang bị biển nuốt dần...

Mưa to là sạt lở

Ngày 24.3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã triệu tập cuộc họp đánh giá về thực trạng đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, với sự tham dự của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Theo cảnh báo của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hiện tượng nước biển dâng. Nếu mực nước biển dâng lên 1 mét, Việt Nam sẽ thiệt hại 17 tỉ USD/năm, khoảng 1/5 dân số sẽ mất nhà cửa, 12,3% đất trồng trọt sẽ biến mất, khoảng 40.000 km2 diện tích đồng bằng và 17 km2 diện tích bờ biển các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu tác động của những trận lũ ở mức độ không thể dự đoán được.

Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, bờ biển từ tỉnh Quảng Ngãi đến Bình Thuận hiện bị sóng biển xâm thực khá mạnh, nhiều khu vực có tốc độ sạt lở bờ biển từ 15-30m/năm. Dải ven biển Đông từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến mũi Cà Mau cũng có một số đoạn bị sạt lở làm cho thảm rừng ngập mặn nhiều nơi bị thu hẹp dần, thậm chí có đoạn không còn rừng phòng hộ. Trong khi đó, hệ thống đê biển để bảo vệ đất liền lại đang xuống cấp nghiêm trọng. Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết: "Hiện toàn khu vực từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang có 903,3 km đê biển, được hình thành qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn khác nhau với mục đích cũng khác nhau, vì vậy thiếu sự đồng bộ, không đồng nhất về các chỉ tiêu thiết kế, xây dựng và hầu hết đều không đảm bảo chất lượng yêu cầu".

Cụ thể, đoạn từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có một vài đoạn đê kè đã cứng hóa mặt đê cho phép lũ tràn qua và kết hợp giao thông, còn lại khoảng 218 km đê chưa được gia cố nên thường bị sạt lở, lầy lội nhất là trong mùa mưa bão, nhiều công trình cống tiêu thoát lũ dưới đê đã bị xuống cấp hư hỏng. Đoạn từ TP.HCM - Cà Mau có 5,3 km đê không được rừng phòng hộ bảo vệ, có nguy cơ bị sạt lở chân; khoảng 243 km chưa đảm bảo cao trình thiết kế, cao độ đê chỉ từ 2,5 - 3,5m trong khi cao độ thiết kế yêu cầu phải từ 3,5 - 4,5m...

Chọn trước mắt hay lâu dài? 

Theo dự tính của Bộ NN-PTNT, tổng kinh phí để hoàn thiện toàn bộ hệ thống đê biển 15 tỉnh, thành từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang khoảng 10.703 tỉ đồng. Tại hội nghị, nhiều nhà khoa học băn khoăn: "Chúng ta nên xây dựng tuyến đê biển để khắc phục những thiệt hại trước mắt hay xây dựng theo thiết kế với tầm nhìn vài chục năm nữa, đúng với dự báo mực nước biển dâng lên?". Ông Lê Quang Tín - Cục trưởng Cục Đê điều (Bộ NN-PTNT) - kiến nghị: "Không thể xây dựng chương trình đê biển mà không đưa vào yếu tố nước biển dâng cao, phải làm vững, làm kiên cố, đoạn nào chưa làm được thì phải báo cáo với Chính phủ, đồng thời nói rõ cho dân biết rằng đoạn đê này sẽ bị vỡ nếu có bão lớn, để dân chuẩn bị di tán khi có bão. Vấn đề nước dâng không phải chỉ trong vòng trách nhiệm của Bộ NN-PTNT mà phải nói với toàn dân, toàn Chính phủ biết để huy động sức của tất cả mọi người vì đây là một cuộc chiến chống lại thiên tai". 

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu ý kiến: "Bây giờ chúng ta mới bắt đầu nghiên cứu xây dựng đê biển thì đã muộn rồi. Chúng ta phải làm nhanh trong tình hình khí hậu thời tiết diễn biến bất thường, trong tình hình miền Trung và khu vực TP.HCM phải chịu áp lực nước từ 3 hướng: nước mưa, nước lũ và nước biển dâng cao. Chúng ta không chỉ lo giải quyết tình trạng trước mắt mà phải tính đến lâu dài, nên chia ra từng khu vực để xây dựng vì làm cuốn chiếu sẽ lâu lắm". Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết: "Chính phủ yêu cầu Bộ phải sớm trình đề án xây dựng đê biển khu vực Quảng Ngãi - Kiên Giang, tuy nhiên việc hoàn tất đề án này phải trễ khoảng một quý, Bộ phải dành thời gian để nghiên cứu kỹ hơn những đánh giá về vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đề án cũng phải chỉ ra được những vấn đề trước mắt. Tuy nhiên, các biện pháp cấp thời sẽ không trái với tầm nhìn lâu dài. Cuối năm nay Bộ sẽ trình một dự án hoàn thiện hơn để Chính phủ phê duyệt và thực hiện".

Q.T 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.