Văn học mạng không thể thay thế sách in

24/03/2008 22:37 GMT+7

Lần đầu tiên những vấn đề về văn chương trên internet (bản quyền, tính tự do và chất lượng sáng tác...) mới được xới lên trong một hội thảo của Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL) cuối tuần qua.

Đích đến của sáng tác trên mạng

Gần đây, ngày càng nhiều tác phẩm văn học xuất bản trên internet, hoặc được tải xuống để phát hành dưới dạng sách in. Sáng tác và đăng tải trên internet đang trở thành xu thế phổ biến, không chỉ với người viết trẻ. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã tốn rất nhiều giấy mực để "mổ xẻ" về lĩnh vực mới mẻ này.

Có một sự thật là đích đến của những tác phẩm trên mạng vẫn là xuất bản trên giấy, gây ồn ào trên mạng cũng chỉ để nhắm đến nhà xuất bản và độc giả offline, ví như Tớ là Dâu của Joseph Ruelle, Xin lỗi em chỉ là con đĩ (tác giả Bảo Thê, Trang Hạ dịch), Phải lấy người như anh (Trần Thu Trang), Chuyện tình New York (Hà Kin). Vì sao vậy? Theo dịch giả Cao Việt Dũng, tâm lý chung của độc giả là vẫn thích đọc một quyển sách trên giấy hơn đọc trên máy tính; văn học trên mạng giống với một lựa chọn thêm vào, chứ không phải lựa chọn thay thế. Tác giả Lê Anh Hoài thì phân tích: "Tác phẩm, sau khi xuất hiện trên mạng, vẫn trở về "quy hàng" trên trang giấy... với mong muốn "trường tồn" của chủ nhân. Có nhiều lý do nhưng ngoài thói quen (tiếp nhận), có thể kể đến việc bản quyền tác phẩm trên mạng chưa được bảo vệ thực sự và người sáng tác trên mạng không thu được tiền. Một số sáng tác đi theo con đường ngược lại: đã được in báo, tạp chí hay

"Văn chương chỉ biết đến sự khác nhau giữa các tác giả và sự khác nhau giữa các tác phẩm; sự thay đổi cái nền vật chất để hiển thị tác phẩm xem ra chưa có cơ hội làm nên khác biệt. Điều mà nhiều người gọi là "cơ hội" - mạng internet tạo ra một "cơ hội" mới cho sự tăng trưởng văn học, thì có lẽ cần phải xem lại hàm lượng văn học của cái "cơ hội" đó" - nhà phê bình NGUYỄN CHÍ HOAN
sách, nhưng vẫn đưa lên mạng, cũng chỉ như một sự "thâm canh" bạn đọc”.

Có một thực tế khó phủ nhận: tốc độ công bố tác phẩm trên mạng nhanh hơn hẳn phương thức in truyền thống. Có lẽ vì vậy, văn học mạng dễ đem lại cho người viết cảm giác: viết văn thật dễ dàng. Tuy nhiên, chất lượng thật sự của những tác phẩm ấy đến đâu thì phần lớn những người được hỏi đều tỏ thái độ dè dặt.

Để xác định văn chương trên mạng ở nước ta có thực sự là mảng văn học có giá trị đích thực, cũng như triển vọng của nó ra sao, tác động đến văn học nghệ thuật nước nhà như thế nào, vẫn cần phải bàn luận một cách khách quan, nghiêm túc, thấu đáo hơn. Bởi lẽ, ngay đến nội hàm khái niệm "văn học mạng" ("văn học mạng" chỉ là những sáng tác được đăng trên internet hay bao gồm cả những tác phẩm được công bố thành sách rồi post lên mạng) cũng còn chưa được nhà quản lý và giới nghiên cứu, phê bình làm rõ!

Vô tư "xài chùa"

"Một trong những ưu thế của văn học mạng là tính dân chủ của nó", nhà thơ Inrasara nói. Internet có không gian mênh mông cho người viết thể hiện, người tiếp nhận comment (bình luận). Song, cũng do tính chất tự do, khó kiểm soát của mạng internet, mà việc bảo hộ bản quyền tác giả văn học mạng ngày càng trở nên khó khăn. Tính chất khó kiểm soát của mạng có thể đem lại sự tự do cho cả người viết lẫn người tiếp nhận. Nhưng mặt khác, trong nhiều trường hợp, sự tự do ấy có thể bị đẩy thành quá trớn khi nhiều tác giả, nhiều website cứ vô tư "xài" tác phẩm của người khác theo kiểu "thích thì dùng" mà chẳng hỏi han một lời.

Mới đây, Thanh Niên nhận được đơn "kêu cứu" của tác giả Phan Anh về việc một số truyện ngắn và tùy bút của anh đã đăng tải trên blog và một số website bị một trang web có tên "vietbao.vn" nghiễm nhiên "xài chùa". Phan Anh cho biết: "Phát hiện website vietbao.vn đăng tải truyện của mình mà không xin phép, ngày 28.2, tôi đã liên lạc qua e-mail và đề nghị họ tháo dỡ. Họ nhận sai, nhưng lại nói rằng đáng lẽ tôi nên cảm ơn họ vì họ giúp tôi phổ biến truyện, và được nhiều người biết đến. Tôi bảo rằng không cần nhờ vietbao.vn giúp nổi tiếng và yêu cầu vietbao.vn phải gỡ truyện xuống. Khi đó, họ mới đăng được 12 kỳ, còn bây giờ, đã đăng tới kỳ thứ 19, 20 như một sự thách thức... Tôi chẳng biết làm cách nào để bảo vệ mình, ngoài việc kêu cứu!".

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.