Như Thanh Niên đã đưa tin, vụ chìm chiếc thuyền chở 16 người trên đoạn sông thuộc địa phận bản Trường Giang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, xảy ra vào lúc chiều tối, muốn vào hiện trường chỉ có cách đi thuyền từ trung tâm xã với thời gian 40 phút nên việc tiếp cận và cứu hộ diễn ra rất khó khăn.
Một trong những người đầu tiên đến vị trí chìm thuyền, Bí thư Xã Đoàn An Ninh Hồ Anh Minh kể lại: "Lúc đó đã hết giờ làm việc buổi chiều, tôi nhận được tin mọi người gặp nạn lập tức lên đường cùng với hai anh, một là phó công an và một là đoàn viên của xã. Mượn được chiếc bo bo của mấy anh kiểm lâm nhưng lại không có đèn, phải dùng đèn pin soi chạy. Đến nơi đã thấy mọi người tập trung trên bờ sông với nét mặt hoảng loạn, xác chị Lý được tìm thấy đưa lên bờ. Chúng tôi nhóm lửa sưởi ấm và động viên bà con. Khúc sông này chỉ rộng hơn 20m vì đang mùa nước xuống, hai bên là rừng tái sinh rất hẻo lánh. Sau đó đội cứu hộ của huyện cũng có mặt và tiến hành đặt lưới chống trôi xác, thuê thợ lặn tìm kiếm".
Ông Võ Doãn Thuần, 51 tuổi, người đã bơi thoát vào bờ cho biết: "Khi thuyền chạy được khoảng 1 cây số thì có hiện tượng chòng chềnh, do chở nặng và gỗ dài cồng kềnh quá. Khi bị triềng dữ thì mọi người nhảy xuống sông. Nhiều tiếng kêu cứu thất thanh. Tôi là người nhảy sau cùng. Lúc bơi được lên bờ vẫn nghe tiếng kêu cứu của 2 người giữa sông nhưng không biết làm thế nào. Hai anh Hải và Uyền đi cùng cứu được 2 người. Có 2 người đang làm rẫy gần đó (anh Lê Văn Tuấn, công an viên thôn Trường Giang và Nguyễn Mậu Khánh-PV) cũng đến kịp và cứu được mấy người".
Ông Võ Doãn Thuần - người đã may mắn thoát nạn (Ảnh: Q.N) |
Trong số 6 người tử nạn gồm Võ Doãn Ngạnh (58 tuổi), Võ Doãn Hùng (26 tuổi), Võ Doãn Phú (40 tuổi), Võ Thị Lý (32 tuổi), Võ Thị Thoài (44 tuổi), Trương Thị Bích (30 tuổi) thì có đến 4 người ở thôn Hoành Vinh, 2 người còn lại ở 2 thôn khác của xã An Ninh.
Một ngày sau chuyến đi định mệnh, sự ảm đạm thê lương bao trùm lấy thôn Hoành Vinh. Bên bàn thờ đặt di ảnh chị Võ Thị Thoài, 3 đứa con của chị còn đang tuổi ăn tuổi học, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 2 cứ ôm nhau gào lên thảm thiết. Chồng chị, anh Phạc mếu máo nói: "Mẹ mấy đứa đi làm rứa đã 10 ngày rồi, sáng đi tối về, bới cơm theo ăn trưa trên đó luôn. Biết phụ nữ đi làm việc bốc vác rứa là khổ lắm nhưng nghèo thì biết răng được. Hôm qua mẹ hắn nói thôi chịu khó gắng mà làm, lấy tiền cho mấy đứa ăn học. Rứa mà chừ đã đi mãi". Hằng ngày anh Phạc cũng đi làm thợ mộc lấy tiền nuôi con chứ trông chờ vào 4 sào ruộng thì lời lãi được mấy đồng.
Chị Võ Thị Lý ra đi cũng để lại 3 đứa con còn quá dại, cả 3 cháu đều chưa đến tuổi đi học. Trước tình cảnh này, Xã Đoàn An Ninh đã quyết định trích 1.200.000 đồng tiền của các loại quỹ cố định trong năm để hỗ trợ cho các nạn nhân, sau đó đóng góp lại. Xã Đoàn cũng phát thông báo trên hệ thống loa phát thanh của xã kêu gọi đoàn viên thanh niên mở thùng quyên góp giúp các gia đình bị nạn. UBND huyện Quảng Ninh cũng hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng; Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện và Ủy ban MTTQ huyện mỗi đơn vị hỗ trợ mỗi gia đình 500.000 đồng.
Trương Quang Nam
Bình luận (0)