Sài Gòn chống ngập

26/03/2008 22:21 GMT+7

Ngày 26.3, nhiều nhà khoa học đã có ý kiến phản biện và góp ý đề án “Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập úng cho TP.HCM”.

Trước mắt cần chống ngập cục bộ

Cách đây 10 ngày, Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất giải pháp chống ngập úng cho TP.HCM, do GS Nguyễn Sinh Huy (Viện Địa lý TP.HCM) cùng với 12 thành viên trong Tổ đã báo cáo với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và lãnh đạo TP.HCM kết quả nghiên cứu về giải pháp chống ngập, nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng của lũ, triều cường và nước biển dâng do biến đổi khí hậu trong tương lai. Giải pháp công trình được đề xuất trong đề án nghiên cứu này là xây dựng hệ thống cống chính và các cống nhỏ nằm trên tuyến đê bao, đồng thời là những trục đường giao thông, nhằm khép kín toàn bộ khu vực đô thị phát triển của TP.HCM và một phần của tỉnh Long An, để kiểm soát mực nước thủy triều và lũ.

TS Hồ Long Phi (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng, đề án đã đề ra một quy mô tương ứng với tầm nhìn khá xa của các tác giả, tuy nhiên "nước xa không cứu được lửa gần". Ông Phi đề nghị trước mắt cần phải tập trung chống ngập dứt điểm các khu vực ngập cục bộ do triều cường như: Văn Thánh, Bình Quới (Q.Bình Thạnh), Q.6, Q.7, Q.8, Q.12, Q.Thủ Đức... bằng các giải pháp trung hạn hoặc ngắn hạn. Về lâu dài, các hệ thống này sẽ trở thành một phần của dự án tổng thể. Song song với việc chống ngập bằng các dự án kiểm soát triều cục bộ, việc hoàn thành các dự án ODA lớn (các dự án vệ sinh môi trường TP.HCM) trong vòng 3-5 năm tới sẽ có thể làm giảm hơn 70% số vị trí ngập trên toàn thành phố. TS Hồ Long Phi kết luận, điều cấp bách không kém là phải nghiên cứu và ban hành ngay quy chế phát triển đô thị mới theo hướng sinh thái, sao cho không còn phát sinh những điểm ngập mới trong thời gian chờ đợi một phương án kiểm soát triều tổng thể theo diễn biến của tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu.

Mưa lớn là "bó tay"

Góp ý với tư cách cá nhân, TS Tô Văn Trường (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam) cho rằng trong thời gian chờ đợi các giải pháp công trình, cần quan tâm đặc biệt đến giải pháp phi công trình - đó là việc tuyên truyền giáo dục cộng đồng không xả rác bừa bãi xuống hệ thống cống và kênh rạch. Nếu không coi trọng, thì đến khi có dự án đê bao, cống kiểm soát triều cũng không phát huy được hiệu quả như mong muốn. TS Tô Văn Trường nói: "Đừng để người dân ngộ nhận dự án chỉ cần gần 11 ngàn tỉ đồng là giải quyết triệt để ngập lụt cho TP.HCM. Khi dự án hoàn thành cũng chỉ có tác dụng hạ mực nước ở kênh hở chính của thành phố, cải thiện điều kiện tiêu thoát nước và kiểm soát ngập do đỉnh triều. Nếu gặp các trận mưa lớn thì vẫn "bó tay.com", cho nên phải kết hợp giữa dự án này với các dự án chống ngập TP.HCM đang thực hiện trong bài toán tổng thể".

Theo TSKH Lê Long (Hội Cấp thoát nước TP.HCM), nhóm nghiên cứu cần có nhiều phương án, nêu rõ ưu khuyết điểm của từng phương án xây dựng đê bao, vì ông lo ngại khi nước biển dâng sẽ làm cho nước mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến các nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.