Thiệt hại 2.400 tỉ đồng do virus
Bộ Công an, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính VN (VNCERT), IDG và hàng loạt chuyên gia châu u đã liên tục đưa ra những lời cảnh báo về tình trạng thờ ơ; không phòng thủ, phòng thủ không chặt chẽ và không hiệu quả của các doanh nghiệp (DN) và hệ thống tín dụng, ngân hàng của VN. Các chuyên gia cho biết năm 2008 rất có thể sẽ là năm thiệt hại nặng về kinh tế của VN khi mà tội phạm công nghệ cao hoành hành; mức độ vi phạm gia tăng và tính chất, quy mô tấn công ngày càng tinh vi và phức tạp.
Gần 200 chuyên gia hàng đầu của các tổ chức an ninh, tổ chức công nghệ tiên tiến đã nhóm họp tại VN từ ngày 19 - 20.3 để cảnh báo hiện trạng lỗ hổng bảo mật, bàn giải pháp khắc phục và cung cấp thiết bị công nghệ để hạn chế những hành vi xâm phạm và thiệt hại. Đáng lưu tâm trong năm 2007 là sự mất ổn định và tình trạng tội phạm công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng. Theo khảo sát của McAfee và Datamonitor thì toàn cầu có tới 67 cty từng bị mất và thất thoát dữ liệu; gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt trong số này có tới 33% gặp sự cố an ninh mạng và phải trả giá bằng cả "sinh mạng" DN mà cụ thể là sự phá sản.
Tại VN, năm 2007 cũng là năm bùng phát tội phạm an ninh mạng, virus và mã độc tấn công. Nếu như trước đây, việc đánh cắp mã tín dụng chỉ là những câu chuyện xa lạ thì năm 2007 tình trạng này đã xảy ra khá liên tục tại VN. Bên cạnh đó, hiện tượng khủng bố bằng virus, tung mã độc để hủy hoại và đánh cắp cơ sở dữ liệu cũng xảy ra thường xuyên. Theo thống kê sơ bộ, tại VN năm 2007 đã có tới gần 20 vụ ăn cắp tiền qua thẻ tín dụng; đồng thời BKIS cũng đã từng phải đưa ra khuyến cáo khi có tới 40% website của các cty chứng khoán có lỗ hổng bảo mật. Đặc biệt, năm 2007, VN đã phải gánh chịu thiệt hại tới 2.400 tỉ đồng khi có tới 33 triệu máy tính nhiễm virus. Những con số trên cho thấy tình trạng mất an ninh mạng và tình trạng tội phạm công nghệ cao tại VN đã đáng báo động tới mức nào.
Tuy nhiên, còn có những vấn đề nghiêm trọng hơn thế khi VN chính thức bị không gian mạng quốc tế coi là một "địa chỉ đen" về giao dịch tín dụng qua mạng. Nhiều chuyên gia CNTT thừa nhận bản thân họ dù rất am hiểu về lĩnh vực này song cũng không dễ để thực hiện việc mua bán, chuyển tiền qua mạng. Đặc biệt theo ông Đỗ Ngọc Duy Trác (VNCERT) thì VN thực tế đã bị "cấm vận mềm" về những giao dịch điện tử. Lý do rất đơn giản là mạng toàn cầu vẫn cho rằng giao dịch có xuất xứ từ VN là không an toàn cho không gian mạng.
VN còn yếu kém trong nhận thức - đầu tư và công nghệ
Đây là thông điệp cảnh báo hết sức quan trọng của các chuyên gia. Đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT), Bộ Công an đều cho rằng các tổ chức, cá nhân tại VN chưa nhận thức đúng và đầy đủ về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu. Từ việc yếu kém trong nhận thức, các tổ chức, cá nhân chưa đầu tư thích đáng cả về tài chính và công nghệ cho vấn đề này.
Hãy tưởng tượng nếu máy tính của bạn nhiễm virus. Ở mức độ nhẹ, máy bị treo và không thể hoạt động trong một thời gian, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. Ở mức độ bị phá hủy, bạn có thể sẽ rơi vào khủng hoảng công việc khi mọi thứ phải làm lại từ đầu. Rõ ràng, chỉ vì vấn đề rất nhỏ là không chuẩn bị công cụ chặn virus và mã độc, bạn đã phải trả giá.
Ở mức độ và quy mô lớn hơn, sự phá hủy trên đã có lúc đồng nghĩa với việc phá hủy cả DN. Thử hình dung với việc bị cài và nhiễm mã độc, bảng chứng khoán và các khoản tín dụng bị đảo lộn, khi đó thiệt hại và khủng hoảng kinh tế sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Tương tự, với các giao dịch tín dụng và ngân hàng lớn có trị giá hàng ngàn, hàng triệu USD, một virus hay mã độc cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối hoặc mất tiền.
Các chuyên gia quốc tế và VN khoanh vùng cảnh báo đặc biệt đối với VN. Lý do khiến nguy cơ rõ ràng hơn bao giờ hết là những lỗ hổng hiện có chính là "mồi nhử" cho tội phạm mạng. Theo ông Nguyễn Tử Quảng (BKIS) thì các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, viễn thông đang phải đương đầu với vấn đề này nhưng lại thiếu giải pháp tổng thể và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý của VN cũng "hổng như mạng" nên thiếu sức mạnh răn đe. Bản thân Bộ Công an cũng nhận định việc thiếu công cụ pháp luật cũng là lỗ hổng lớn khiến bộ này cũng khó khăn trong xử lý; mức độ xử lý cũng chỉ đến xử phạt hành chính là cùng. Từ thực tế trên, các chuyên gia nhận định nếu VN không tích cực hơn trong vấn đề này, năm 2008 rất có thể thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều lần.
An ninh mạng 2007 - 342 website bị hacker trong và ngoài nước tấn công; 140 website có lỗ hổng nghiêm trọng, trong đó có nhiều website thuộc chính phủ bị hacker kiểm soát, hoặc gắn mã độc phát tán virus đe dọa an ninh quốc gia. 33,6 triệu máy tính bị nhiễm virus, trong đó có hơn 6.700 virus mới. - Vũ Ngọc Hà (Hải Phòng) bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an khởi tố về hành vi trộm cắp tiền qua mạng. Adeyemi hacker chuyên nghiệp bị Công an VN truy nã vì đánh cắp mật khẩu tài khỏan tín dụng tại VN và quốc tế để đặt vé máy bay cho Cty Hoàng Yến Minh của Nguyễn Hoàng Yến. Sau đó, Nguyễn Hoàng Yến cũng bị bắt vì tội này. - Năm 2007 còn xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo qua mạng và email, điển hình là vụ lừa đảo qua Colony Invest. Đặc biệt, tháng 7.2007 tại VN có tới hơn 50.000 máy tính nhiễm virus W32.Ukuran.Worm. Virus này phá hủy toàn bộ dữ liệu DBF, LDF, MDF, BAK của FoxPro và SQL. Những đơn vị bị ảnh hưởng nặng thuộc ngành tài chính, tiền tệ. |
Theo Phạm Anh/Báo Lao Động
Bình luận (0)