Hàng loạt sai phạm tại Khu công nghệ cao TP.HCM

02/04/2008 23:01 GMT+7

Từ những đơn thư tố cáo của công dân, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và kết luận có rất nhiều sai phạm trong quá trình thu hồi đất, triển khai xây dựng Khu công nghệ cao (CNC) TP.HCM.

Thu hồi đất vượt quá thẩm quyền

Khu CNC TP.HCM tiền thân là Khu công nghiệp CNC, được thành lập theo Quyết định (QĐ) số 145/2002/QĐ-TTg ngày 24.10.2002 của Thủ tướng. Đến ngày 18.4.2007, Thủ tướng ban hành QĐ 458/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu CNC, với tổng diện tích 913 ha, trong đó có 112 ha đất công (giao thông, sông rạch...) và 801 ha đất phải kiểm kê, thu hồi từ các cá nhân, hộ dân và đơn vị, trải trên 5 phường của Q.9.

Người dân bức xúc nộp đơn khiếu nại liên quan đến Khu công nghệ cao

Liên tục trong những năm qua, nhiều hộ dân Q.9 đã gửi hàng trăm đơn khiếu nại, tố cáo về nhiều khuất tất, sai phạm liên quan đến việc triển khai Khu CNC. Trong đó, vấn đề người dân bức xúc nhất là việc UBND TP đã ban hành các QĐ thu hồi đất của dân để xây dựng Khu CNC là vượt quá thẩm quyền, trái pháp luật và "chạy" Luật Đất đai. Tố cáo này, Thanh tra Chính phủ cho rằng là có cơ sở.

Cụ thể, ngày 13.5.2003 Thủ tướng ban hành QĐ số 95/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể và dự án đầu tư xây dựng giai đoạn I - Khu CNC, với nội dung chủ yếu: "Thông qua quy hoạch tổng thể Khu CNC với tổng diện tích 804 ha; phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn I - Khu CNC; phạm vi thực hiện dự án trên diện tích 298 ha; tổ chức đền bù, di dân, tái định cư, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích 804 ha theo quy hoạch tổng thể với vốn dự kiến là 2.170 tỉ đồng".

Thế nhưng, trước đó gần 1 năm, vào ngày 27.6.2002, Chủ tịch UBND TP đã ban hành QĐ 2666/QĐ-UB với nội dung: "Điều 1: Nay thu hồi 804 ha đất nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng Khu CNC TP.HCM tại các phường Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thành Mỹ và Phước Long B thuộc Q.9 và giao cho Ban quản lý dự án Khu CNC TP.HCM để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý khu đất và tiến hành mời gọi đầu tư nhằm xây dựng Khu CNC TP.HCM phù hợp với quy hoạch được duyệt. Vị trí, ranh giới khu đất thu hồi được xác định trên bản đồ quy hoạch do Viện Quy hoạch thành phố lập".

Việc ban hành QĐ 2666/QĐ-UB trước khi Thủ tướng ban hành QĐ 95/QĐ-TTg là chưa đúng quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất và giao đất. Việc sử dụng bản đồ quy hoạch do Viện Quy hoạch thành phố lập tháng 8.2001 chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt để xác định ranh giới thu hồi đất là thiếu căn cứ pháp lý, xác định ranh giới thiếu chính xác; bản đồ chỉ mô phỏng ranh giới tự nhiên, không xác định ranh giới chính xác nên không đủ điều kiện để xác định ranh mốc trên thực địa. Việc xác định các địa danh thu hồi đất trong QĐ 2666 của Chủ tịch UBND TP không có phường Hiệp Phú là thiếu chính xác (đến ngày 1.11.2006, sau hàng loạt đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân, UBND TP.HCM mới có quyết định số 4877/QĐ-UBND bổ sung thêm phường Hiệp Phú).

Nội dung tố cáo về việc lợi dụng danh nghĩa Khu CNC để thu hồi đất của dân, giao đất không đúng đối tượng cũng đã được Thanh tra Chính phủ xác minh làm rõ. Qua kiểm tra hồ sơ Công ty cổ phần Chíp Sáng, cho thấy: Vào ngày 12.5.2006, ông Phạm Chánh Trực lúc đó là Trưởng ban Quản lý Khu CNC nộp hồ sơ xin đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố và được ông Đào Xuân Đức - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch - Đầu tư ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty Chíp Sáng do ông Phạm Chánh Trực làm Chủ tịch HĐQT. Trước đó, vào ngày 10.4.2006, khi công ty này chưa ra đời thì ông Nguyễn Đình Mai - Phó ban Quản lý Khu CNC (bên A) đã ký Bản thỏa thuận thuê đất với ông Lê Học Lãnh Vân, Giám đốc Công ty Chíp Sáng (bên B), trong đó có nội dung bên A đồng ý cho bên B đặt cọc tiền để giữ 1 lô đất tại Khu CNC với tổng diện tích 6.000m2. Ngày 15.3.2007, Công ty Chíp Sáng được ký hợp đồng cho thuê 5.600m2 đất, thời hạn 50 năm với giá 1 USD/m2/năm. Điều đáng nói, trong các cổ đông sáng lập Công ty Chíp Sáng, ngoài ông Trực còn có vợ hoặc người nhà của một số cán bộ lãnh đạo Ban quản lý Khu CNC, trong đó có cả vợ ông Nguyễn Đình Mai. Việc lập, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê đất đối với Công ty Chíp Sáng vì thế có biểu hiện thiếu minh bạch và vi phạm các quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức và Luật Phòng, chống tham nhũng.

Chưa hết, sau khi thu hồi 804 ha đất, vào ngày 19.5.2004 UBND TP.HCM tiếp tục ra QĐ 2193/QĐ-UB thu hồi tiếp 102 ha đất tại các phường Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Q.9 để mở rộng Khu CNC, nâng tổng diện tích Khu CNC lên 913 ha. Trong khi đó, đến ngày 18.4.2007 Thủ tướng mới ban hành QĐ 458/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu CNC, với tổng diện tích 913 ha (trong suốt thời gian từ 1998 đến 19.5.2004, không có tài liệu nào cho phép mở rộng Khu CNC).

Vì vậy, việc UBND TP quyết định thu hồi đất mở rộng Khu CNC khi chưa được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể là sai về trình tự, thủ tục thu hồi đất và giao đất, không phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đáng lưu ý, QĐ 2193 của UBND TP ban hành trước thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực 41 ngày - đây là thời điểm nhạy cảm, gây bức xúc cho người dân có đất bị thu hồi, là lý do để người dân tố cáo UBND TP ký QĐ "chạy" Luật Đất đai 2003.

Chưa nghiêm túc sửa sai

Còn rất nhiều những nội dung tố cáo khác của người dân được Thanh tra xác minh, làm rõ và nhận định là có cơ sở. Như người dân tố cáo sự thiếu minh bạch trong việc công khai bản đồ quy hoạch liên quan đến thu hồi đất, giao đất xây dựng Khu CNC, đoàn thanh tra đã làm rõ việc công bố quy hoạch có sai sót và không đầy đủ; bản đồ quy hoạch sử dụng đất công bố trước nhân dân chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; việc tổ chức cắm mốc giới có sai sót; đồ án quy hoạch xây dựng Khu CNC thiếu các bản vẽ theo quy định...

Người dân tố cáo chính sách bồi thường bất hợp lý, thực hiện bồi thường không công bằng... Thực tế có 14 hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vượt quá hạn mức theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản của thành phố, trong đó có 11 trường hợp được cấp giấy sau khi Thủ tướng ban hành QĐ 989/QĐ-TTg ngày 4.11.1998 về giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Khu CNC là trái với quy định của Luật Đất đai, làm tăng thêm chi phí đền bù, làm thất thoát ngân sách nhà nước, tạo nên sự thiếu công bằng giữa các hộ dân trong khu vực bị giải tỏa thu hồi đất.

Tương tự, người dân tố cáo trong quá trình triển khai thu hồi đất, thành phố áp dụng chính sách tạm cư không được pháp luật quy định, không phù hợp với thực tế, gây lãng phí. Kết quả xác minh cho thấy, QĐ thu hồi đất được ban hành từ tháng 6.2002 nhưng đến tháng 11.2002 thành phố mới ban hành QĐ quy định về đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong khu quy hoạch xây dựng Khu CNC, và đến tháng 6.2004 mới hoàn thành 2 khu nhà tạm cư và một số lô nền tái định cư. Đến nay đã hơn 5 năm (thời điểm tiến hành thanh tra) vẫn còn những khu tái định cư giải tỏa chưa xong. Tiến độ này là quá chậm; chưa kể việc xây dựng khu tạm cư 84 căn nhưng chỉ bố trí được 5 căn, thể hiện việc đầu tư thiếu tính thực tiễn, hiệu quả thấp, gây lãng phí ngân sách nhà nước...

Điều đáng nói là dù có nhiều sai sót, khuyết điểm, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND TP và Ban quản lý Khu CNC chưa tập trung đúng mức, chưa chủ động phát hiện và xử lý các vướng mắc bất cập trong thực tế, nhất là những vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân có đất bị thu hồi; một số thiếu sót, khuyết điểm không được nhìn nhận, xem xét nghiêm túc, vì vậy biện pháp khắc phục thường bị động, mang tính tình thế, đối phó; dẫn đến khiếu kiện phức tạp.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các cá nhân của UBND TP, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Ban quản lý Khu CNC, UBND Q.9 và các cá nhân có liên quan tới những sai sót khi thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất; thực hiện các dự án đầu tư, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định; cấp giấy đăng ký kinh doanh sai quy định và chậm trễ khi giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Nhóm PV xã hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.