Bế tắc chính trị tại Zimbabwe

05/04/2008 23:35 GMT+7

Đất nước Zimbabwe đã rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

Cách đây một tuần, cử tri Zimbabwe đã đi bỏ phiếu để bầu ra quốc hội và tổng thống mới. Đây là cuộc chạy đua được cho là có nhiều thách thức đối với Tổng thống Robert Mugabe, người đã lãnh đạo Zimbabwe suốt 28 năm qua. Đối thủ chính của ông Mugabe và đảng ZANU-PF cầm quyền lần này là Phong trào Cải cách dân chủ của ông Morgan Tsvangirai.

Cuộc bầu cử đã diễn ra khá êm thấm, nhưng những gì xảy ra sau đó chẳng êm thấm chút nào. Trong khi phe đối lập của Tsvangirai liên tiếp tuyên bố thắng cử và kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngày càng phụ họa tuyên bố đó thì bầu không khí chính trị cũng căng thẳng dần lên. Hồi giữa tuần trước, theo BBC, Ủy ban Bầu cử Zimbabwe đã công bố kết quả chính thức của bầu cử Hạ viện. Theo đó, đảng của Tsvangirai chiến thắng với 99 ghế, so với 97 ghế của phe cầm quyền. Việc mất thế thượng phong ở Hạ viện đã đẩy ông Mugabe vào tình thế rất khó khăn. Kết quả bầu cử Thượng viện thì mới chỉ kiểm tra được 10 trên tổng số 60 ghế, trong đó phe đối lập chiếm 5 ghế và phe cầm quyền 5 ghế.

Cùng với sự thắng thế ở quốc hội, ứng viên Morgan Tsvangirai cũng tuyên bố thắng cử tổng thống với 50,3% phiếu bầu. Con số này vừa đủ để khỏi tổ chức vòng hai, theo luật bầu cử của Zimbabwe. Tuy nhiên, tuyên bố của Tsvangirai chưa được Ủy ban Bầu cử xác nhận và đến hôm qua, sau gần một tuần kể từ khi cử tri đi bỏ phiếu, kết quả cuộc bầu cử tổng thống vẫn chưa được công bố và phe đối lập đã nộp đơn kiện lên tòa. Điều này càng làm cho đám mây ngờ vực lan tỏa, khi có nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Mugabe đã thất thế trong cuộc bầu cử này, và rằng ông ta có thể dùng vũ lực để níu giữ quyền lực. Trên thực tế, đã có một số dấu hiệu về một chiến dịch mạnh tay của ông Mugabe. Trong hai ngày vừa qua, báo chí phương Tây cho biết quân đội và cảnh sát đã bố ráp một số cơ sở của phe đối lập.

Thực ra, trước khi bầu cử diễn ra, giới phân tích cũng đã dự đoán về khả năng thất cử của Tổng thống Mugabe, người đã lãnh đạo đất nước suốt 28 năm qua, và trong vòng 10 năm trở lại đây, những chính sách sai lầm của ông đã khiến Zimbabwe khủng hoảng toàn diện. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong giai đoạn 2000 - 2007, tỷ lệ lạm phát tại Zimbabwe trung bình là 66.000%/năm, trong đó có năm lên tới hơn 105.000%. GDP bình quân đầu người trong khoảng thời gian này giảm 40%, trong khi sản lượng nông nghiệp giảm 51%, sản lượng công nghiệp giảm 47%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Zimbabwe thì gần như đã bốc hơi hoàn toàn, từ 400 triệu USD vào năm 1998 xuống còn 30 triệu vào năm 2007. Người dân Zimbabwe từ nhiều năm qua phải chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp cao tới 80% cùng với sự khan hiếm điện, nhiên liệu, thịt, bánh mì và nhiều loại nhu yếu phẩm khác.

Hình ảnh nền kinh tế nước này được thể hiện rõ nhất qua sự mất giá thảm hại của đồng đô la Zimbabwe (ZWD). Vào năm 1996, cứ 9,13 ZWD thì đổi được 1 USD. Vào năm 2006, phải tới 101.196 ZWD mới đổi được 1 USD, đó là trên thị trường chính thức, còn ngoài chợ đen thì phải tới 550.000 ZWD mới đổi được 1 USD. Khi đó, tiền Zimbabwe là đồng tiền có giá trị thấp nhất thế giới. Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ Zimbabwe đã định giá lại đồng tiền vào giữa năm 2006, theo đó cứ 1.000 ZWD cũ thì được định lại thành 1 ZWD mới. Tuy nhiên, động thái "cưỡng ép" trên đã không ngăn được ZWD rơi vào một chu kỳ sụt giảm mới. Nếu như sau khi định lại giá, cứ 750 ZWD đổi được 1 USD thì hiện tại phải tới 30.000 ZWD mới đổi được 1 USD (tỷ giá chợ đen là 35.000 ZWD = 1 USD). Để giúp người dân "mang vác" tiền dễ dàng hơn, ngày 4.4 vừa qua, Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe đã phát hành tờ tiền có mệnh giá tới 50 triệu ZWD.

Cuộc khủng hoảng toàn diện này đã khiến Tổng thống Mugabe và chính đảng của ông mất uy tín trầm trọng, điều này đã được thể hiện phần nào trong cuộc bầu cử vừa qua. Nhưng chính lá phiếu bất tín nhiệm của người dân cùng với tham vọng quyền lực của ông Mugabe có thể đẩy đất nước Zimbabwe vào một cuộc khủng hoảng mới, nghiêm trọng hơn. 

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.