“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

11/04/2008 23:43 GMT+7

Kỳ 4: Đường vào cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống "Sở Nghiên cứu chính trị xã hội cũng đang muốn đặt người của Sở sang Việt tấn xã để theo dõi hoạt động của số nhân viên được gửi đi làm tình báo ở các nước, dưới danh nghĩa Việt tấn xã. Tôi sẽ bàn với ông Tuyến bố trí anh vào làm việc này" (lời Lê Văn Thái nói với Phạm Xuân Ẩn)

Chuyện ông Ẩn đi học ở Mỹ 2 năm (*) và thời điểm ông Ẩn về nước, chúng tôi đã đề cập qua trước đây theo lời kể của ông. Nay xin nói kỹ hơn theo báo cáo của ông với cấp trên mà ông Mười Nho đã ghi chép lại.

Phạm Xuân Ẩn về đến Sài Gòn vào ngày 10.10.1959. Dù ông tin chắc là các cán bộ cấp trên của ông không bao giờ khai báo, nhưng biết đâu địch có thể lần ra những sơ hở của đường dây, nên ông bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất với tâm trạng bồn chồn lo lắng. Nhưng sau khi gặp mẹ và em trai, ông biết tung tích của ông chưa bị lộ. Nếu ông Ẩn không có niềm tin chắc chắn vào cấp trên thì có lẽ cuộc đời ông đã rẽ sang một ngã khác, vì có thể ông đã bỏ học và tìm cách trốn sang một nước khác rồi (cuối năm 1958 ông đã biết những cán bộ cấp trên của ông là ông Mười Hương, ông Dương Minh Sơn và ông Nguyễn Vũ đều bị bắt, qua một bức thư có ám hiệu của người em trai).

Thẻ hoạt động báo chí khi ông Ẩn thực tập tại Sacramento Bee

Biết mình vẫn an toàn, ông đi chào hỏi bà con và gặp gỡ cám ơn những người đã giúp ông đi học, cả người Việt lẫn người Mỹ. Tiếp đó, ông phải "tự lực cánh sinh", vì không còn ai chỉ đạo.

Theo kế hoạch dự định từ trước, nhiệm vụ của ông là trở thành nhà báo để tiếp tục hoạt động. Ông hướng tới một trong hai nơi: Việt tấn xã hoặc The Time of Việt Nam - tờ báo tiếng Anh duy nhất ở Sài Gòn hồi đó. Nhưng trước tiên ông phải đến gặp Giám đốc Quỹ Á châu (The Asia Foundation) là ông Howard Thomas. Vì mùa hè năm 1959 Quỹ này đã cấp cho ông một học bổng ba tháng để thực tập tại báo Sacramento Bee để chuẩn bị cho một chương trình huấn luyện các ký giả Việt Nam viết báo theo kiểu Mỹ. Ông Thomas nói với ông: "Chương trình mà tôi đã trao đổi với anh trước đây, tôi đã thảo luận và đề nghị ông Nguyễn Thái, Tổng giám đốc Việt tấn xã, hợp tác. Việt tấn xã sẽ đứng ra tổ chức, còn chúng tôi tài trợ về tài chính cho chương trình. Anh nên gặp ông Nguyễn Thái, ông ta sẽ đón tiếp anh nồng hậu, vì chúng tôi đã thống nhất cử anh phụ trách chương trình này". Như vậy là Quỹ Á châu đã theo dõi chặt chẽ để sử dụng người được đào tạo từ Mỹ về.

Đúng như ông Thomas nói, ông Nguyễn Thái đã tiếp đón Phạm Xuân Ẩn một cách trọng thị. Ông Thái nói: "Chúng tôi đang chờ anh về và sẽ giao công việc cho anh ngay. Nhưng chúng tôi đang gặp một khó khăn. Đó là Việt tấn xã chưa được phép tuyển thêm người cho đến khi có lệnh mới. Nếu anh có quen ai bên Phủ Tổng thống thì anh nên xin vào làm ở đó, rồi Phủ Tổng thống biệt phái sang đây là ổn nhất".

Trong khi đó, USOM cũng cho ông Ẩn biết, nếu ông chưa tìm được chỗ làm việc thích hợp thì họ sẽ giới thiệu cho ông vào làm cho các cơ quan của Mỹ ở Sài Gòn, chẳng hạn như làm cho phái đoàn Michigan State Univercity... Nhiều tờ báo Việt ngữ cũng ngỏ ý mời ông về làm với họ.

Như vậy là ông đang có nhiều hướng lựa chọn, chỗ nào cũng thuận lợi cả. Nhưng ông nghĩ, phải chọn một nơi có thể làm bình phong tốt nhất, ở đó vừa có điều kiện quan hệ rộng mà không bị các cơ quan an ninh nhòm ngó. Ông thấy đề nghị của ông Nguyễn Thái là tối ưu.

Ông điểm lại các quan hệ đang có thế lực ở Phủ Tổng thống. Bùi Quang n thì bị Ngô Đình Diệm cho "ra rìa" rồi, Nguyễn Đình Thuần cũng vậy... Cuối cùng ông tìm được một người mà ông thân quen 1 năm trước khi đi Mỹ. Đó là Lê Văn Thái (thường gọi là "Thái Trắng"). Ông Thái lúc này đang làm ở Sở Nghiên cứu chính trị xã hội, tức cơ quan mật vụ Phủ Tống thống do Trần Kim Tuyến đứng đầu.

Bằng lái quân xa lúc ông Ẩn làm việc cho Phòng Quân huấn

Ông trình bày câu chuyện cho Lê Văn Thái nghe. Ông Thái nói: "Vấn đề của anh rất dễ giải quyết". Coi Phạm Xuân Ẩn là người tin cậy của mình, Lê Văn Thái tiết lộ: "Sở Nghiên cứu chính trị xã hội cũng đang muốn đặt người của Sở sang Việt tấn xã để theo dõi hoạt động của số nhân viên được gửi đi làm tình báo ở các nước, dưới danh nghĩa Việt tấn xã. Tôi sẽ bàn với ông Tuyến bố trí anh vào làm việc này". Tuy nhiên, ông Thái cũng nói thật cho ông Ẩn biết là hiện có mâu thuẫn nội bộ khá nặng giữa nhóm mật vụ của Ngô Đình Nhu (Sở Nghiên cứu chính trị của Trần Kim Tuyến) và nhóm mật vụ của Ngô Đình Cẩn (Đoàn công tác đặc biệt của Dương Văn Hiếu). Ông Thái vừa ngẫm nghĩ vừa nói với Phạm Xuân Ẩn: "Tôi biết anh là người chân thật, nên tôi đang nghĩ không biết có nên để anh dính với nhóm của Trần Kim Tuyến hay không. Tôi sợ có chuyện gì anh sẽ bị vạ lây". Qua Lê Văn Thái, Phạm Xuân Ẩn cũng được biết Tổng giám đốc Việt tấn xã Nguyễn Thái thuộc nhóm Ngô Đình Cẩn. Ông Ẩn nói: "Không sao đâu. Tôi có một người anh rể họ là Lê Khắc Duyệt, Giám đốc Công an cảnh sát Trung phần được ông Ngô Đình Cẩn tin lắm, dù tình huống nào thì chắc cũng không có vấn đề gì xảy ra. Vả lại, tôi chỉ theo nghề làm báo chứ không thích làm chính trị".

Qua mối quan hệ đó, ít lâu sau Trần Kim Tuyến mời Phạm Xuân Ẩn đến. Trùm mật vụ Trần Kim Tuyến chắc chắn biết rõ "lý lịch trong sạch" của ông Ẩn, vì chính cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống và An ninh quân đội đã thẩm tra cẩn thận nhân thân của ông trước khi cấp giấy tờ cho ông sang Mỹ học. Trần Kim Tuyến chấp nhận ngay đề nghị của ông, bố trí ông làm việc ở cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống, ăn lương chỉ số 420, tức lương cấp cử nhân, và biệt phái sang Việt tấn xã.

Sau khi gặp Trần Kim Tuyến, Phạm Xuân Ẩn báo cho Nguyễn Thái biết. Ông Thái niềm nở nói thêm với Phạm Xuân Ẩn: "Ngoài việc ông Thomas đề nghị, bác Ngạc (tức kỹ sư Lê Sĩ Ngạc, là bạn của ba Phạm Xuân Ẩn) có gửi gắm anh với tôi. Bác Ngạc coi anh như người trong nhà, nên anh với tôi từ nay trở thành người thân. Chúng mình tin tưởng cộng tác với nhau. Ngoài ra, có anh ở đây bác sĩ Tuyến cũng không hiểu lầm là tôi chống bác sĩ".

Đến đây, Phạm Xuân Ẩn bắt đầu trở thành "người nhà" của một nhân vật đặc biệt, nhân vật quyền lực số 3 của chế độ Ngô Đình Diệm: bác sĩ Trần Kim Tuyến.

Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ chống cộng khét tiếng, người gắn liền với những câu chuyện giật gân rùng rợn và đầy mâu thuẫn. Nhưng lạ lùng nhất, Trần Kim Tuyến cũng là người gắn chặt và là "chỗ dựa" của ba nhà tình báo lừng danh nhất của "Việt cộng" là thiếu tướng anh hùng Phạm Xuân Ẩn, thiếu tướng anh hùng Đặng Trần  Đức và đại tá anh hùng Phạm Ngọc Thảo, là người mà chính Phạm Xuân Ẩn đã "giải cứu" vào ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến. Nếu đánh giá một cách đơn giản về Trần Kim Tuyến thì không thể hiểu đúng bản chất của các hoạt động của ba nhà tình báo của chúng ta, không thể hiểu được tính logic của các điệp vụ ngoạn mục mà họ đã làm.

Khi nói chuyện với chúng tôi, Phạm Xuân Ẩn rất ít nói về các hoạt động cũng như con người Trần Kim Tuyến, thỉnh thoảng ông đề cập đến nhân vật này qua một số chuyện cụ thể. Còn ông Ba Quốc thì nói với chúng tôi khá nhiều những chuyện "thâm cung bí sử" của cơ quan mật vụ mà Trần Kim Tuyến trực tiếp chỉ huy nhưng cũng không bình luận nhiều về con người Trần Kim Tuyến.

Vì vậy muốn "giải mã" Phạm Xuân Ẩn (cũng như Ba Quốc và Phạm Ngọc Thảo) thì không thể không "giải mã" Trần Kim Tuyến... (Còn tiếp)

H.H.V

(*) Mới đây tác giả Larry Berman đã cung cấp nhiều thông tin về thời gian ông Ẩn học ở trường Orange Coast trong cuốn Điệp viên hoàn hảo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.