“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

13/04/2008 00:16 GMT+7

Kỳ 5: Bác sĩ Trần Kim Tuyến Bruce Russell, thông tín viên thường trú của Reuters tại Sài Gòn gọi điện thoại cho ông Ẩn: "Anh có nghe thấy gì không?". Phạm Xuân Ẩn: "Có nghe tiếng súng nổ nhỏ, sau tiếng nổ lớn". Russell: "Anh liên lạc ngay với các nguồn tin". Ông Ẩn gọi điện cho Trần Kim Tuyến. Bác sĩ Tuyến nói không biết gì hết.

Trần Kim Tuyến sinh năm 1925 ở Nga Sơn, Thanh Hóa trong một gia đình Công giáo. Thời nhỏ ông học trường dòng ở Thanh Hóa, năm 1943 ra Hà Nội có một thời gian học ở Đại Chủng viện, sau khi đỗ tú tài về lại Thanh Hóa dạy học cũng tại một trường dòng. Năm 1949 lại ra Hà Nội học Luật và Y khoa. Tốt nghiệp khoa Luật nhưng về Y khoa ông chưa học xong thì bị động viên vào quân đội (thuộc Pháp), vào học trường Quân Y và ra trường với cấp bậc trung úy (trình độ chuyên môn tương đương y sĩ). Gọi là "bác sĩ" nhưng thực ra ông chưa có bằng bác sĩ và chưa bao giờ hành nghề y cả.

Trong thời gian ở Hà Nội ông kết thân với Ngô Đình Nhu, lúc đó đang làm việc ở Viện Viễn đông bác cổ, và làm nhiều việc để giúp đỡ Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm. Sự gắn bó giữa ông Tuyến với ông Nhu bắt đầu từ đó.

Khi Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng vào năm 1954, Ngô Đình Nhu lập đảng Cần lao để làm lực lượng chính trị hậu thuẫn cho anh mình. Trần Kim Tuyến gia nhập đảng này và trở thành cộng sự thân tín của Ngô Đình Nhu. Khi Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, cố vấn Ngô Đình Nhu trở thành nhân vật có thực quyền lớn nhất của chế độ. Trần Kim Tuyến được cử làm Giám đốc Sở nghiên cứu chính trị xã hội, thực chất là trùm mật vụ Phủ Tổng thống, quyền hành chỉ đứng sau ông Diệm, ông Nhu.

Trần Kim Tuyến tổ chức và chỉ huy toàn bộ mạng lưới tình báo chiến lược, hệ thống mật vụ, các đơn vị đặc nhiệm, cài cắm gián điệp ra miền Bắc... Hai mục tiêu chính của Sở Nghiên cứu chính trị là: chống phá cách mạng và kiểm soát, thanh trừng lực lượng chống đối để bảo vệ chế độ.

CIA cung cấp tài chính cho Sở Nghiên cứu chính trị, chủ yếu để phục vụ cho mục tiêu thứ nhất. Tuy nhiên, thiếu tướng anh hùng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc), người từng làm việc trong Sở Nghiên cứu chính trị xã hội của Trần Kim Tuyến kể với tôi: Năm 1956, Mỹ cấp cho Sở Nghiên cứu chính trị xã hội 50 triệu đồng (tiền Sài Gòn lúc đó) để tổ chức biệt kích đưa ra đánh phá miền Bắc. Biệt kích thì bác sĩ Tuyến chọn trong những người Công giáo di cư, hầu hết là người Bùi Chu - Phát Diệm để người Mỹ huấn luyện. Số tiền 50 triệu đó được dùng để mua một chiếc tàu viễn dương loại tốt dùng cho hoạt động này, nhưng "bác sĩ Tuyến lại quan tâm đến việc khác nhiều hơn", nên ông ta đã dùng đến 30 triệu để chi cho công việc của Đảng Cần lao và tài trợ để củng cố Tổng liên đoàn lao động của Bùi Lượng chống lại Tổng liên đoàn lao công của Trần Quốc Bửu do Mỹ khống chế. 20 triệu còn lại dùng vào việc mua tàu, nhưng người của Sở này ăn bớt một ít, người đi mua ăn bớt một ít nữa, thực tế không còn bao nhiêu nên chỉ mua được một chiếc tàu cũ nát không ra gì. Sau khi mua tàu và trong khi triển khai chương trình, CIA vẫn nhận được tin tức miền Bắc. Nhưng đùng một cái, người Mỹ sinh nghi, bởi họ kiểm tra những tin tức được gửi về, thấy không phải gửi trực tiếp từ Hà Nội hoặc các nơi khác ở miền Bắc mà từ những người của Trần Kim Tuyến được cài ở Lào và Campuchia gửi về. Bởi vậy, đến năm 1958, người Mỹ yêu cầu kiểm soát chương trình này. Để đối phó, Trần Kim Tuyến chỉ đạo tạo ra sự cố cho chiếc tàu này nổ luôn ở ngoài khơi, phi tang luôn chiếc tàu kém chất lượng này và cho phép thuyền trưởng, thuyền phó nhảy khỏi tàu để thoát nạn.

Chuyện đó cho thấy ông Tuyến lợi dụng người Mỹ, việc làm theo người Mỹ chỉ làm lấy lệ. Nhưng ban đầu Phạm Xuân Ẩn chưa đánh giá được thực chất quan hệ giữa Trần Kim Tuyến với CIA.

Phải đến ngày 11.11.1960, lúc này Phạm Xuân Ẩn đã làm thêm cho hãng tin Anh Reuters (nhưng vẫn còn làm cho Sở Nghiên cứu chính trị xã hội và Việt tấn xã), ông mới biết một tin tức quan trọng về Trần Kim Tuyến. 4 giờ sáng ngày hôm đó, Bruce Russell, thông tín viên thường trú của Reuters tại Sài Gòn gọi điện thoại cho ông Ẩn: “Anh có nghe thấy gì không?”. Phạm Xuân Ẩn: “Có nghe tiếng súng nổ nhỏ, sau tiếng nổ lớn”.

Russell: “Anh liên lạc ngay với các nguồn tin”. Ông Ẩn gọi điện cho Trần Kim Tuyến. Bác sĩ Tuyến nói không biết gì hết. Ông gọi cho Lê Văn Thái, ông Thái cũng không biết gì. Ông gọi cho Nguyễn Chánh Thi, chỉ huy trưởng Lữ đoàn dù nhưng điện thoại của Nguyễn Chánh Thi đã bị cắt. Gọi cho Bùi Huy Lợi, trưởng phòng tác chiến thì viên sĩ quan trực bảo Lợi đang họp.

Lúc đó Tổng giám đốc Nguyễn Thái gọi điện cho ông, bảo: “Có đảo chính” và nói với Phạm Xuân Ẩn rằng ông ta phải đổi chỗ ở, sẽ liên lạc lại sau khi tình hình tạm yên. Ông ta còn dặn thêm ông Ẩn “nhớ viết tin cho đúng đường lối”. Sau này ông Ẩn mới biết ông Thái “có quan hệ” với CIA và người tham gia vào cuộc đảo chính đó.

Phạm Xuân Ẩn lái xe đến nhà Bruce Russell trao đổi tin tức và khẳng định cuộc đảo chính do quân nhảy dù tiến hành chống Ngô Đình Diệm. Hai người đến Bưu điện để đánh điện tín gửi tin về Reuters, nhưng Bưu điện đã bị quân dù chiếm. Hai người đến nhờ người chỉ huy tình báo Anh ở tòa đại sứ Anh gửi điện dùm. Sau đó Phạm Xuân Ẩn ghé qua nhà Trần Kim Tuyến, lúc đó trời rạng sáng, ông Tuyến vẫn đang ở nhà. Ông Ẩn nói: “Bác sĩ ơi. Đang đảo chính. Ông phải chạy đi và nhớ đưa vợ con lánh nạn. Lính dù bao vây đến dinh Tổng thống rồi, chính mắt tôi trông thấy. Bác sĩ đi đâu nhớ gọi điện và cho tôi số điện thoại để liên lạc”. Tiếp đó ông Ẩn đến nhà Lê Văn Thái, ông Thái cũng đang ở nhà. Ông khuyên ông Thái như đã khuyên ông Tuyến.

Trở lại tòa đại sứ Anh để đón Bruce Russell, ông Ẩn bất ngờ thấy vợ con ông Tuyến vừa đi xe đến tá túc tại nhà viên chỉ huy tình báo mà ông vừa nhờ gửi điện. Một ý nghĩ lập tức hiện ra trong đầu Phạm Xuân Ẩn: Trần Kim Tuyến không phải làm cho CIA. Ông ta làm cho tình báo Anh.

Rời tòa đại sứ Anh, Phạm Xuân Ẩn đi vòng quanh để thu lượm tin tức về cuộc đảo chính. Gặp đại tá Nguyễn Chánh Thi đang chỉ huy quân dù, ông bảo: “Đại tá còn đợi gì mà chưa ra lệnh tấn công vào dinh Tổng thống?”. Nguyễn Chánh Thi nói: “Anh làm báo mà nóng nảy hơn tui làm nhà binh. Cần chờ lệnh trên và cần thương thuyết với ông Diệm”. Tiếp đó ông còn liên lạc được với thiếu tá Bùi Huy Lợi đang cùng với đại tá Vương Văn Đông chỉ huy cuộc đảo chính.

Trong một thời gian ngắn diễn ra cuộc đảo chính, Phạm Xuân Ẩn đã nhanh chóng liên lạc được với cả hai phe đảo chính, chống đảo chính và thực hiện một tác nghiệp nổi trội. Đối với nghề báo, ông đã cung cấp cho hãng Reuters những tin tức đầy đủ và chính xác nhất từ đầu cho đến khi đảo chính thất bại. Đối với Nguyễn Thái, khi biết chắc chắn cuộc đảo chính không thành, ông Ẩn tìm gặp ông ta để đưa về lại Việt tấn xã và chuẩn bị phát bản tin ngay sau đó. Sự chu đáo này làm Nguyễn Thái cảm động nên về sau ông Nguyễn Thái đã giúp rất nhiều cho ông. Đối với các sĩ quan đảo chính, Phạm Xuân Ẩn cũng gây được cảm tình.

Đặc biệt đối với Trần Kim Tuyến (cũng như Lê Văn Thái), ông thể hiện sự quan tâm lo lắng đến sinh mạng của họ và gia đình họ, củng cố sự tin cậy lâu dài về sau. Và qua đây ông đã biết rõ về bản chất mối quan hệ chính trị của Trần Kim Tuyến. Nếu không biết rõ về con người này, Phạm Xuân Ẩn đã không thực hiện thành công những điệp vụ ngoạn mục vào đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước.

Khi nói với tôi về bác sĩ Trần Kim Tuyến, ông Ẩn dùng từ thận trọng. Ông bảo nói cho đúng là ông Tuyến "cộng tác" với tình báo Anh, vì ông ta có mục đích riêng. Trao đổi chuyện này với ông Mười Nho, tôi hỏi tình báo Anh cần gì ở ông Tuyến, ông Mười Nho nói: “Người Anh muốn biết mưu đồ của Mỹ ở Việt Nam để đối phó với Mỹ trên thế giới”.

Như vậy là Trần Kim Tuyến cũng cần đến Phạm Xuân Ẩn để “biết Mỹ”... (còn tiếp).

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.