Chuyện liên quan đến bác sĩ Trần Kim Tuyến chúng tôi sẽ lần lượt đề cập trong những điệp vụ của ông Ẩn. Lúc mới đến làm việc ở Việt tấn xã với tư cách là người của cơ quan mật vụ cử sang, Phạm Xuân Ẩn có 5 nhiệm vụ chính: thứ nhất là theo dõi, đốc thúc các điệp viên được Sở Nghiên cứu chính trị đưa đi làm tình báo ở nước ngoài dưới vỏ bọc của Việt tấn xã. Thứ hai, đọc các tin tức lấy từ báo chí từ các tòa đại sứ ở nước ngoài gửi về, rồi phân tích, tổng hợp thành báo cáo để Tổng giám đốc Việt tấn xã gửi cho Văn phòng báo chí Ngô Đình Diệm. Thứ ba, giúp Việt tấn xã viết cho xong cuốn sách về nghề báo lấy tên là "Săn tin" được các cố vấn Mỹ cùng các biên tập viên ở đây đang soạn thảo. Thứ tư, thay mặt tổng giám đốc đi họp hàng ngày với Giám đốc báo chí Bộ Thông tin, Giám đốc Phòng Thông tin Mỹ, Giám đốc Phòng Thông tin Anh, khi Nguyễn Thái bận việc. Thứ năm, lo việc giao tế với các cơ quan nước ngoài, nhất là Mỹ, Anh và Phủ Tổng thống về những tin tức va chạm đến các cơ quan này.
Trong loạt ký sự trước đây (Tướng tình báo chiến lược, kỳ 5: Từ mật vụ đến nhà báo), chúng tôi đã nói về chuyện ông Ẩn "trị" đám điệp viên mang danh nhà báo của Trần Kim Tuyến như thế nào. Nhóm này được CIA huấn luyện gồm 4 người là Nguyễn Sơn, Nguyễn Thúy Phượng, Lê Đức Đạt và Nguyễn Trọng. Họ lấy danh nghĩa nhà báo mà không có bài vở gì cả, chẳng khác gì "la lên cho cả làng biết là tôi làm tình báo đây", lại coi thường Tổng giám đốc Việt tấn xã, nhưng ông Nguyễn Thái không dám trị vì sợ đụng chạm với Trần Kim Tuyến. Việc ông Ẩn chấn chỉnh đám này (buộc họ phải viết bài nghiêm chỉnh, có định mức) không những khiến cho ông Thái hả dạ mà còn làm cho Trần Kim Tuyến tâm phục khẩu phục.
Có lẽ bị ám ảnh từ chuyện này mà Phạm Xuân Ẩn coi thường các điệp viên trong các cơ quan tình báo của chế độ Sài Gòn. Do vậy mà sau này có một vài tin tức ông lấy từ các điệp viên của Đặc ủy Trung ương tình báo báo về được gửi về từ Tokyo, nhưng do đánh giá thấp trình độ các điệp viên này nên ông đã không báo về trên, khi sự kiện xảy ra mới biết đó là các tin tức quan trọng.
Phạm Xuân Ẩn trở thành phóng viên của Hãng Reuters là do ông Nguyễn Thái ráp nối. Nguyên do ban đầu là Reuters có hợp đồng trao đổi tin tức với Việt tấn xã, sau đó họ cần người chuyên trách để mở đại diện ở Việt Nam phụ trách luôn cả 3 nước Đông Dương, nên ông Thái giới thiệu ông Ẩn. Cũng qua ông Thái, Phạm Xuân Ẩn quen với trùm CIA Colby và một loạt các chuyên viên CIA cấp dưới khác. Từ Lansdale đến Colby, Phạm Xuân Ẩn đã thiết lập được một mối quan hệ vững chắc với người Mỹ. Về phía chính quyền Sài Gòn, thời gian này ông cũng tạo được quan hệ tin cậy với các chính khách, tướng tá của chế độ thông qua Trần Kim Tuyến và những "người quen cũ" nay đã có nhiều vai vế. Lúc này ông không những "đọc được tất cả các bản tin mật của Bộ Quốc phòng" mà đã có thể "lên trực thăng của Phủ Tống thống đi khắp mọi nơi", thông qua Tổng giám đốc chiến tranh tâm lý Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Châu - người của đảng Cần Lao, được Trần Kim Tuyến giới thiệu.
Trong một thời gian, Phạm Xuân Ẩn "ăn 3 lương": Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống, Việt tấn xã và Reuters. Để tránh sự phức tạp khó lường sau này, ông đề nghị Trần Kim Tuyến cho ông thôi làm việc ở Sở Nghiên cứu chính trị và Việt tấn xã. Trần Kim Tuyến và Nguyễn Thái đều vui vẻ đồng ý. Tuy ông phải "cáo từ" hai nơi này, nhưng quan hệ giữa ông với Trần Kim Tuyến và Nguyễn Thái vẫn tiếp tục được duy trì, thậm chí phát triển tốt hơn.
Tạo được một chỗ đứng rất tốt, với các quan hệ vững chắc và các nguồn tin phong phú rồi, nhưng ông vẫn chưa liên lạc được với tổ chức. Biết bao nhiêu điều cơ mật mà Phạm Xuân Ẩn vẫn không biết báo cho ai. Ông Ẩn bảo, có một nguyên tắc trong nghề tình báo là cấp dưới không được tự động tìm liên lạc với cấp trên, nếu rủi mà mất liên lạc thì phải ráng mà chờ chứ không được tự tiện. Tuy nhiên, quá sốt ruột và lo lắng, ông quyết định vi phạm nguyên tắc này: ông tìm cách bắt liên lạc thông qua bà Huỳnh Tấn Phát, nhưng chưa kịp nhờ thì bà Huỳnh Tấn Phát đã bị bắt...
Đó là thời kỳ cuộc Đồng Khởi của nhân dân miền Nam bùng lên mạnh mẽ. Đến nỗi trong một báo cáo gửi về tổng hành dinh CIA, Lansdale phải thừa nhận: "Đến tháng 12.1960 có thể có chưa đầy 15.000 Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam, thế mà họ đã kiểm soát được nửa nước (miền Nam) vào ban ngày và hơn thế nữa vào ban đêm". Hệ thống công tác tình báo, đã được củng cố sau tổn thất nặng nề những năm 1957-1958. Phụ trách an ninh và tình báo của Xứ ủy lúc này là ông Mai Chí Thọ và ông Cao Đăng Chiếm (sau này là thượng tướng). Ông Mười Nho, trước đó hoạt động tình báo ở miền Nam, sau sang Lào và Campuchia, được điều về phụ trách Ban tình báo của Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, mật danh là I4. I4 đặt dưới sự lãnh đạo của Bí thư Đặc khu ủy lúc đó là ông Võ Văn Kiệt vừa nhận chỉ thị của tình báo Xứ ủy, trực tiếp là ông Cao Đăng Chiếm. Yêu cầu về tin tức tình báo chiến lược lúc này rất khẩn trương.
Ông Mười Nho có tổ chức cơ sở học sinh ở Phnom Penh đưa về hoạt động ở Sài Gòn. Khi về phụ trách I4, có lần liên lạc đưa một cơ sở học sinh tên là Tâm về căn cứ làm việc, anh Tâm cho ông Mười Nho biết anh có một người chị tên Bùi Thị Nga, trước đây là cán bộ phụ nữ hồi chống Pháp. Chị Nga có quen với một người tên là Phạm Xuân Ẩn, vừa học ở Mỹ về. Chị Nga cũng quen với chị Tám Thảo, một người có tham gia kháng chiến về đang sống với cha mẹ và chị Thảo cũng quen với anh Ẩn. Theo anh Tâm thì "anh Ẩn là người rất tốt"... Từ tin tức sơ bộ đó, ông Mười Nho báo cáo với ông Võ Văn Kiệt và Cao Đăng Chiếm. Ông Cao Đăng Chiếm là người biết rất rõ Phạm Xuân Ẩn, nên nghe tin ông mừng quá, ông nói với ông Mười Nho: "Ẩn là người của ngành được cử đi học ở Mỹ năm 1957, nhưng bấy lâu nay không biết tin tức".
Sau đó, ông Cao Đăng Chiếm từ chiến khu Dương Minh Châu về Củ Chi gặp ông Võ Văn Kiệt để trao đổi và giao cho ông Mười Nho tổ chức bắt liên lạc với Phạm Xuân Ẩn. Bà Tám Thảo, lúc này đang hoạt động trong tổ chức phụ nữ của Thành ủy, lập tức được tách khỏi tổ chức này và được điều động về I4 làm nhiệm vụ liên lạc với Phạm Xuân Ẩn.
Cuối năm 1960, bà Tám Thảo đã dẫn Phạm Xuân Ẩn về căn cứ Phú Hòa Đông, Củ Chi. Đây là một "lõm giải phóng" mà I4 đã xây dựng được một cụm liên lạc an toàn. Đối với ông Ẩn, việc đi lại cũng không khó khăn, vì ông có giấy công vụ do Trần Kim Tuyến cấp, "đủ hiệu lực không bị ai theo dõi hoặc cản trở".
Tại đây, lần đầu tiên ông gặp ông Mười Nho, còn ông Cao Đăng Chiếm thì Phạm Xuân Ẩn đã gặp từ năm 1953. Ông Ẩn ở lại đây 3 ngày, báo cáo đầy đủ tất cả những gì diễn ra trong thời gian trước, trong và sau khi ông đi học ở Mỹ về cùng những tin tức, những nhận định, phân tích của ông về tình hình và biến động nội bộ của đối phương. Ông Cao Đăng Chiếm và ông Mười Nho đã báo cáo lại cho ông Võ Văn Kiệt biết toàn bộ. Qua cuộc làm việc này, cấp trên nhận định Phạm Xuân Ẩn là "điệp viên có tầm cỡ trong tương lai".
Có một sự trùng hợp thú vị: Giữa lúc ông tìm cách liên lạc với tổ chức thì tổ chức cũng đang tìm cách liên lạc với ông. Phạm Xuân Ẩn vô cùng phấn chấn. Đó là những ngày vui mà ông không bao giờ quên được. Từ đây, ông bắt đầu thực hiện các điệp vụ ngoạn mục, dày đặc và cấp tập...
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
Bình luận (0)