Mới đây, Bộ Ngoại giao VN đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-H) đề nghị có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc đưa di hài Vua Hàm Nghi, hiện đang được mai táng tại Pháp về an táng tại tỉnh TT-H, nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao của vị vua này đối với đất nước.
Trao đổi với phóng viên ngày 2.4, ông Ngô Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-H, cho biết: UBND tỉnh TT-H đã có văn bản thống nhất như đề xuất của Bộ Ngoại giao. Đồng thời tỉnh yêu cầu Sở Ngoại vụ phối hợp với Bộ Ngoại giao về thủ tục. Giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chủ trì, phối hợp với Sở VHTT và UBND TP.Huế, cùng các ngành chức năng tham mưu lãnh đạo tỉnh dự kiến địa điểm, hình thức an táng...
Về việc chọn địa điểm an táng hài cốt Vua Hàm Nghi tại TT-H, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế an táng tại khu vực An Lăng, nơi hiện có lăng mộ các Vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Ông Lê Văn Thuyên, Trưởng phòng Văn hoá TP Huế, trong văn bản tham mưu cho UBND TP Huế về việc trên đề xuất một phương án khác: "Cần chọn vị trí (an táng Vua Hàm Nghi) thuận lợi cho việc xây dựng, chiêm bái, tham quan du lịch, phù hợp với vị trí của nhà vua trong lịch sử dân tộc. Có thể an táng di hài nhà vua trong khu đồi núi cạnh Nhà máy nước Vạn Niên và đồi Vọng Cảnh".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng không đồng tình với phương án táng di hài Vua Hàm Nghi tại An Lăng. Ông nói: "An Lăng hiện đã quá chật hẹp và không tương xứng với vị thế của Vua Hàm Nghi. Phong trào Cần Vương là phong trào chống Pháp đầu tiên có ảnh hưởng mang tầm quốc gia. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Theo tôi, lăng mộ Vua Hàm Nghi phải được xây dựng trong một khu riêng gọi là khu Cần Vương, và nếu có điều kiện, sau này chúng ta có thể đưa về án táng những nhân vật chủ chốt khác của phong trào Cần Vương như Tôn Thất Thuyết chẳng hạn".
Vua Hàm Nghi, tên huý là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, sinh ngày 3.8.1871, là em ruột của Vua Đồng Khánh sau này. Ông được hai phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chọn lên làm vua khi mới 13 tuổi. Đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6.7.1885, phong trào Cần Vương mở đầu bằng việc Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá.
Sau đó quân Pháp phản công, quân triều Nguyễn thua chạy, Vua Hàm Nghi cùng tam cung rời bỏ kinh thành Huế, tới thành Quảng Trị để lánh nạn. Tháng 7 cùng năm, Vua Hàm Nghi tiếp tục chạy ra Tân Sở, rồi lên Tuyên Hoá (Quảng Bình) để lánh nạn. Tại Tân Sở, Vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập dân tộc. Đêm 26.8.1888, Vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, khi đó mới 17 tuổi và chỉ chống Pháp được 3 năm.
Ngày 13.12.1888, Vua Hàm Nghi bị đưa xuống con tàu mang tên "Biên Hoà" vượt đại dương đi Bắc Phi. Ngày 13.1.1889, Vua Hàm Nghi đến thủ đô Alger của Algerie và bắt đầu cuộc sống lưu vong. Năm 1904, cựu hoàng Hàm Nghi đính hôn với cô Marcelle Laloe (sinh 1884) - con gái ông Laloe, Chánh toà Thượng thẩm Alger, và đám cưới của họ đã trở thành một sự kiện văn hoá lớn của thủ đô. Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe có 3 người con gồm: Công chúa Như Mai (sinh 1905); Như Lý (1908) và Hoàng tử Minh Đức (1910).
Ngày 4.1.1944, Vua Hàm Nghi qua đời vì bệnh ung thư dạ dày tại biệt thự Gia Long ở thủ đô Alger. Ông được chôn cất ở Sarlat, vùng Aquitaine, nước Pháp. Năm 1965, thi hài Vua Hàm Nghi được đưa về an táng tại Thonac - một ngôi làng hẻo lánh tại vùng Dordogne, miền Tây nước Pháp, gần lâu đài của con gái ông, Công chúa Như Mai.
Hoàng Văn Minh - Lao Động
Bình luận (0)