Kế hoạch Staley - Taylor bao gồm 3 giải pháp chiến lược: 1- Tăng cường sức mạnh quân đội Sài Gòn do cố vấn Mỹ chỉ huy, sử dụng "trực thăng vận", "thiết giáp vận" để nhanh chóng tiêu diệt các lực lượng vũ trang cách mạng. 2- Xây dựng bộ máy chính quyền Sài Gòn mạnh, giữ vững thành thị, dập tắt phong trào cách mạng ở nông thôn bằng "bình định" và lập "ấp chiến lược". 3- Ngăn chặn biên giới, kiểm soát vùng ven biển, cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc, cô lập cách mạng miền Nam. Kế hoạch được triển khai từ 1961 đến 1965 theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, bình định miền Nam trong vòng 18 tháng tính từ giữa năm 1961 với hai biện pháp: tăng nhanh lực lượng và khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn (theo công thức: Quân đội Sài Gòn + vũ khí trang bị Mỹ + cố vấn Mỹ); thực hiện cho được "quốc sách ấp chiến lược", dự kiến đưa 10 triệu dân vào 16 - 17.000 ấp chiến lược. Giai đoạn 2, từ đầu năm 1963: khôi phục kinh tế, tăng cường lực lượng quân đội, hoàn thành công cuộc bình định. Giai đoạn 3, thực hiện từ đầu năm 1965: phát triển kinh tế, ổn định miền Nam và kết thúc chiến tranh.
Tham gia soạn thảo kế hoạch này, trong nhóm của Eugene Staley về phía Sài Gòn còn có Vũ Quốc Thúc. Tất nhiên trong quá trình trao đổi với tiến sĩ Eugene Staley và những chuyên gia khác của hai phái đoàn, trong đó có cả tướng Lansdale, Phạm Xuân Ẩn đã liên tục gửi các báo cáo phân tích những nội dung cơ bản về trên. Tuy nhiên, cấp trên cần có ngay "nguyên bản".
Kế hoạch Staley-Taylor được soạn thảo bí mật đến mức cho tới khi đã soạn thảo xong rồi mà ngay cả Trần Kim Tuyến cũng không biết. Phạm Xuân Ẩn hỏi bác sĩ Tuyến thì ông Tuyến nói chưa có văn bản. Ông Ẩn cho ông Tuyến biết Vũ Quốc Thúc có tham gia soạn thảo kế hoạch này và đề nghị ông Tuyến yêu cầu ông Thúc cung cấp văn bản. Ông Ẩn biết chắc rằng, nếu bác sĩ Tuyến có bản kế hoạch này thì ông ta sẽ đưa ngay cho ông để "đọc, dịch, tóm tắt nội dung và cho ý kiến". Quả nhiên Vũ Quốc Thúc đã giao bản kế hoạch theo yêu cầu của bác sĩ Tuyến để "nghiên cứu và trình cố vấn Ngô Đình Nhu". Nhận được bản kế hoạch, bác sĩ Tuyến liền đưa cho Phạm Xuân Ẩn. Ngay lập tức, nguyên bản kế hoạch Staley-Taylor đã được chuyển về Tổng hành dinh của kháng chiến, trước khi nó được triển khai thực hiện.
Để cụ thể hóa kế hoạch Staley - Taylor, Ngô Đình Nhu chỉ đạo xây dựng "Kế hoạch Ấp chiến lược", đây thực chất là giải pháp chiến lược chống chiến tranh du kích. Tài liệu thảo xong ông Nhu giao cho Sở Nghiên cứu chính trị bổ sung, sau đó trình lại cho ông Nhu duyệt. Duyệt xong, tài liệu này được chuyển lại sang Sở Nghiên cứu chính trị dịch ra tiếng Anh để trình cho người Mỹ.
Một ấp chiến lược thời Ngô Đình Diệm - Nguồn: History.navy.mil |
Bác sĩ Tuyến lại giao cho ông Ẩn dịch tài liệu này. Tất nhiên ông Ẩn chụp phim để báo cáo về trên trước khi dịch. Đây là tập tài liệu khá dày, lúc đó ông Ẩn được cấp trên giao điều tra một số tin tức cấp bách, nên ông phải nhờ Peter Roberts, người của cơ quan tình báo Anh (BIS) tham gia dịch cùng ông. Roberts với ông Ẩn có quan hệ thân tình, thường trao đổi tin tức. Roberts nhận lời dịch ngay, vì đây là tài liệu mà Tòa đại sứ Anh cũng cần theo dõi. Tuy biết tài liệu này để lộ ra ngoài là rất nguy hiểm cho ông, nhưng ông nghĩ rằng tình báo Anh không dại gì để mất nguồn tin nên không bao giờ họ để lộ. Bản dịch được giao cho bác sĩ Tuyến, chuyển cho ông Nhu giao cho người Mỹ. Người Mỹ đánh giá cao bản dịch. Và tiếp đó, ông Ẩn lại được giao dịch tiếp "Kế hoạch Ấp chiến đấu".
Vậy là ông lấy gọn luôn 2 tài liệu nữa gửi về cơ quan chỉ huy tình báo.
Quân đội Sài Gòn phát triển rất nhanh dưới kế hoạch này. Đến năm 1962, quân số tăng lên 354 ngàn, trong đó có 200 ngàn quân chủ lực được trang bị hiện đại, có 257 máy bay chiến đấu, 346 xe thiết giáp. Cố vấn Mỹ được tăng lên 2.630, ngoài ra còn có 8.280 lính Mỹ thuộc lực lượng đặc nhiệm.
Ngày 8.2.1962, Bộ Tư lệnh quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) được thành lập do đại tướng Paul Harkins làm Tư lệnh, thay cho phái đoàn MAAG. Như vậy là Mỹ sẽ trực tiếp nắm quyền chỉ huy chiến tranh, thông qua hai bộ phận chủ yếu là lực lượng yểm trợ và lực lượng cố vấn trong MACV.
Tham mưu trưởng của Harkins là tướng Richard Stillwell, một chuyên viên về tình báo quân sự. Một loạt các sĩ quan thân cận của Lansdale và là những người quen của Phạm Xuân Ẩn như Rufus Philips, Ogy Williams, Leonard Maynard và David Hudson giúp Harkin lập một cơ quan yểm trợ cho chương trình ấp chiến lược. Rufus Philips được chỉ định làm trưởng cơ quan này.
Sang Việt Nam, tướng Harkins tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch quân sự của Mỹ mà trước đó tướng Mc Garr đã triển khai thí điểm (kế hoạch chống nổi dậy). Năm 1962, một kế hoạch quân sự mới của Mỹ, kế hoạch Harkins - Mc Garr, được đem ra áp dụng. Đây là kế hoạch quân sự tập trung lực lượng càn quét đánh phá mức độ ngày càng tăng, với chi viện hỏa lực mạnh, với chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận nhằm đối phó với các cuộc tấn công ngày càng mạnh của ta. Mục tiêu của kế hoạch quân sự này là nhanh chóng tiêu diệt lực lượng vũ trang còn non trẻ của ta để giành lại thế chủ động trên chiến trường, chiếm lại những vùng đã giải phóng.
Toàn bộ kế hoạch quân sự này của Mỹ cũng được ông Ẩn "lấy gọn".
Ngoài những kế hoạch quan trọng nói trên, cùng thời gian này Phạm Xuân Ẩn còn gửi về hàng loạt các báo cáo:
+ Tổ chức lực lượng của quân đội Sài Gòn tăng cường quân số theo kế hoạch của Mỹ
+ Vũ khí, trang bị mới
+ Chiến thuật "bủa lưới, phóng lao" (Net and Spear)
+ Chiến thuật "Diều hâu" (Eagle Flight)
+ Chiến thuật thiết vận xa M113...
Nhưng chưa hết, ông còn có những báo cáo dồn dập về các hoạt động tình báo của Mỹ, về mâu thuẫn giữa Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, mâu thuẫn trong nội bộ chế độ Sài Gòn...
(còn tiếp)
H.H.V
Bình luận (0)